GS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng chính thức nhận giải thưởng “Nobel Châu Á” tại Philippines
GS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng chính thức nhận giải thưởng “Nobel châu Á” tại Philippines
Nguyệt Minh
Thứ bảy, ngày 16/11/2024 17:36 PM (GMT+7)
Chiều ngày 16/11, GS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng chính thức nhận giải thưởng “Nobel châu Á” tại Philippines. Trước ngày nhận giải, Báo Dân Việt đã có dịp trò chuyện với bà.
Quỹ Giải thưởng Ramon Magsaysay - được mệnh danh là "Nobel châu Á". Năm nay, có 5 cá nhân sẽ nhận được giải thưởng này, trong đó có nữ GS.TS.BS. người Việt Nam Nguyễn Thị Ngọc Phượng.
Theo thông tin từ Quỹ Giải thưởng Ramon Magsaysay , GS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, 80 tuổi, được vinh danh vì những cống hiến không ngừng nghỉ để khám phá sự thật về chất độc da cam, tìm kiếm công lý cho các nạn nhân, hỗ trợ những người bị ảnh hưởng thông qua nghiên cứu và làm việc với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA).
“Còn sống là tôi còn đấu tranh cho nạn nhân chất độc màu da cam”
Đây là lời khẳng định chắc nịch của GS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng khi chia sẻ với Dân Việt. 80 tuổi, mái tóc đã pha sương, thế nhưng sâu thẳm trong bà vẫn toát lên nội lực mạnh mẽ, hết lòng đấu tranh đòi công bằng cho những nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam.
Nhắc đến những nạn nhân này, BS Phượng không giấu được sự xúc động. Bà cho biết, ngay khi có thông báo nhận được Giải thưởng Ramon Magsaysay, bà rất bất ngờ. Tuy nhiên, niềm hạnh phúc với bà vẫn chưa trọn vẹn.
GS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng (SN 1944, Biên Hoà, Đồng Nai), nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, tiên phong trong lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam, mang lại niềm vui và hy vọng cho hàng nghìn gia đình.
Bà từng là Đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, góp tiếng nói cho những thay đổi quan trọng trong luật về kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản.
Bà là nguyên Viện trưởng Viện Tim TP.HCM, nguyên Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam TP.HCM, nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Mỹ TP.HCM. Bà được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Huân chương Lao động hạng 3.
“Hạnh phúc hả, chưa đâu. Tôi chưa cảm thấy hạnh phúc lắm đâu. Tự nhiên tôi nhớ tới những nạn nhân, sự thiệt thòi, đau khổ của họ khiến tôi thực sự cảm thấy không ngủ được. Lúc đó tôi đã rơi nước mắt, tôi chưa cảm thấy hài lòng với việc bù đắp những mất mát, thiệt thòi, đau đớn của nạn nhân”, BS Phượng rưng rưng.
Theo BS Phượng, mặc dù ngày nay người dân Việt Nam cũng đã hiểu hơn về nạn nhân chất độc da cam/dioxin, không còn những người mê tín cho rằng việc đẻ con ra khuyết tật là do bố, mẹ hoặc ông, bà ăn ở không phúc đức. Cùng với đó, những nạn nhân chất độc da cam/dioxin cũng được xã hội yêu thương, dần hòa nhập cộng đồng.
Thế nhưng, với một người đã dành cả đời mình để đi tìm lời giản về ẩn số chất độc da cam, cùng với hành trình hàng chục năm chứng minh cho cả thế giới thấy những thiệt thòi, mất mát của nạn nhân này, những kết quả cho đến hiện tại là chưa đủ để BS Phượng cảm thấy hài lòng.
“Hãy thử đặt mình vào họ, chẳng thà mình là người bình thường, mình nghèo cũng được, ít ra mình có thể có vợ, có con, có chồng bình thường. Bởi dù có được ăn sung mặc sướng cũng khó thấy vui vẻ khi sinh ra đã khuyết tật. Thực sự mà nói, khi nghĩ đến những nạn nhân đó làm sao tôi cảm thấy hạnh phúc được”, BS Phượng trải lòng.
Từ trong ánh mắt của BS. Phượng, chúng tôi thấy sự đau đáu khôn nguôi. Cho đến hiện tại, dù sức khỏe đã không còn như xưa, bà vẫn chưa bao giờ ngừng nghỉ công cuộc đấu tranh dù còn muôn vàn gian nan của mình và đồng đội.
BS. Phượng khẳng định: “Còn sống là tôi còn đấu tranh cho nạn nhân chất độc da cam. Hiện, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã khẳng định, chúng ta sẽ tiếp tục kiện những tổ chức có liên quan đến việc rải chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam. Đời mình không thành công, đời con mình, đời cháu mình tiếp tục”.
Đi tìm lời giải cho cho những "thai nhi không sọ"
Nói về cơ duyên để bắt đầu hành trình đấu tranh cho nạn nhân chất độc da cam, BS. Phượng tiết lộ, từ khi còn là thực tập sinh tại Bệnh viện Từ Dũ, bà đã được đỡ đẻ, tiếp xúc với nhiều ca sinh con khuyết tật. Càng ngày, tỷ lệ phụ nữ mang bào thai trứng, sinh con khuyết tật ngày càng nhiều. Từ đó, bà đã đặt ra những thắc mắc trong lòng mình.
“Tôi còn nhớ mãi câu nói của một người mẹ đó là: “Trời ơi, sao tôi lại sinh ra con khỉ”. Bà ấy đã khóc suốt mấy ngày liền vì đã hạ sinh ra một đứa con không có hộp sọ. Ngày ấy, người ta chưa biết nguyên nhân vì sao, nên thường đổ lỗi cho những người cha, người mẹ hay gia đình đó là vô phúc. Vậy nên, áp lực lên những người mẹ sinh ra con khuyết tật là rất lớn”, BS Phượng nhớ lại.
Đến năm 1976, dưới sự cho phép của Bệnh viện Từ Dũ, bà chính thức nghiên cứu về nguyên nhân tại sao lại có nhiều thai phụ sinh ra con khuyết tật như vậy.
Hành trình nghiên cứu đã có nhiều bước tiến triển. Qua những ngày miệt mài nghiên cứu tài liệu, những tháng trời đi khảo sát thực tế tại các địa phương như Bến Tre, Cà Mau,.... Bà dần khẳng định được mối liên hệ giữa chất độc da cam/dioxin với những người phụ nữ sinh con khuyết tật và những người bị khuyết tật.
Đến tháng 1/1983, TP.HCM tổ chức hội nghị Quốc tế “Hậu quả lâu dài của các chất diệt cỏ và làm trụi lá đã sử dụng trong thời gian chiến tranh tại Việt Nam” do Bộ Y tế và một Viện sĩ Hàn lâm của Liên Xô tổ chức, BS Phượng đã công bố những nghiên cứu của mình.
“Tại đây, tôi có 3 báo cáo, thảo luận về con người. Trong đó, kết luận có 5 loại khuyết tật thường gặp ở Việt Nam, nhưng lại hiếm gặp ở thế giới, hoặc không gặp ở các nước khác ngay cả ở các nước Đông Nam Á. Bao gồm: Khuyết tật về ống thần kinh (sọ, tuỷ sống); khuyết tật về những cơ quan cảm giác (miệng, mũi, mắt..); khuyết tật về tay chân; song thai dính nhau”, BS Phượng chia sẻ.
5 khuyết tật này tại hội nghị đã được công nhận là rất hiếm gặp trên thế giới nhưng lại thường xuyên thấy ở Việt Nam. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, ngầm khẳng định rằng chất làm cỏ trụi lá do không quân Hoa Kỳ đã sử dụng trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam gây ra những khuyết tật đó.
Sau này, trong tất cả các hội nghị khoa học BS Phượng tham gia ở Mỹ, Nhật hay các nước khác, bà đều khẳng định tuyệt đối rằng có mối liên hệ nhân quả giữa người bị nhiễm chất độc hoá học với người sinh con khuyết tật và ung thư, nhất là chất độc da cam.
Hành trình hơn 50 năm tìm lại công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam
Khi xác định được nguyên nhân, cũng là lúc mà BS Phượng cùng những người cộng sự của mình bắt đầu hành trình đấu tranh, tìm lại công lý cho những nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam. Một hành trình mà bà biết trước sẽ chẳng dễ dàng gì khi phải “kiện công ty hóa chất của Mỹ, trên đất Mỹ, ở tại tòa án của Mỹ và bằng luật pháp Mỹ”.
BS Phượng thông tin: “Năm 2004, dưới sự đề xuất của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, chúng tôi thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Tôi được bầu làm Phó chủ tịch Hội. Chỉ sau đó một tháng, chúng tôi bắt đầu đâm đơn kiện các công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất ra chất độc da cam/dioxin để Mỹ rải trên Việt Nam như công ty Dow Chemical và Monsanto”.
BS Phượng cho biết thêm, các công ty này biết rõ việc sản xuất chất độc da cam/dioxin nguy hiểm như thế nào đến con người nhưng họ vẫn làm.
Việc phải kiện các công ty Mỹ trên chính đất Mỹ và bằng luật pháp của Mỹ vô cùng bất lợi, song BS Phượng vẫn khẳng định với một niềm tin sắt đá: “Chúng ta chưa thua. Việc đấu tranh này cứ kéo dài đằng đẵng là do đến bây giờ Chính phủ Mỹ cũng không mang vụ việc này ra xử. Nếu mang ra xét xử, khả năng cao mình sẽ thắng kiện”.
Song song với việc đi kiện các công ty hóa chất Mỹ, BS Phượng không ngừng tham gia các buổi diễn thuyết trên toàn thế giới, đặc biệt là tại Mỹ. Bà miệt mài truyền thông về những hậu quả mà chất độc da cam/dioxin đã mang đến trực tiếp lên những con người Việt Nam.
Tham gia 2 phiên điều trần ở Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, bà không hề nao núng buộc tội họ. Trong quá trình diễn thuyết của mình tại các trường đại học ở Mỹ, có một kỷ niệm khiến BS Phượng không thể quên.
“Khi tôi báo cáo xong tại một trường đại học, có một người là giảng viên đã đứng dậy và nói: “Tôi rất lấy làm xấu hổ về những gì mà Hoa Kỳ đã làm trong chiến tranh ở Việt Nam. Bây giờ nếu muốn chuộc lại những lỗi lầm đó, bà chỉ cho chúng tôi phải làm những gì?
Tôi đã nói rằng, chúng tôi hiện nay cũng muốn bỏ qua quá khứ, tiến đến vấn đề chữa lành, hàn gắn vết thương chiến tranh. Cho nên chúng tôi chỉ yêu cầu những người dân Hoa Kỳ hiểu về vấn đề này xin hãy phổ biến cho những người khác để được biết. Hãy ủng hộ chúng tôi trong việc đòi các công ty hoá chất Hoa Kỳ đã sản xuất ra những chất độc hại này để rải tại Việt Nam phải chịu trách nhiệm”, BS Phượng bộc bạch.
Tâm sự với Dân Việt, BS Phượng vẫn luôn mong mỏi thế hệ trẻ tiếp tục những viết tiếp tâm huyết của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Bà tin rằng sự kiên trì qua từng thế hệ, nỗ lực không bỏ quên quá khứ sẽ dẫn đến chìa khóa thành công, dành lại công bằng cho những nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.