GS.VS Nguyễn Văn Hiệu qua lời kể của em trai: 12 tuổi đã dạy dỗ 6 người em, luôn đau đáu với nông dân

Tào Nga Thứ hai, ngày 24/01/2022 10:16 AM (GMT+7)
Không chỉ là tượng đài khoa học của Việt Nam, từ năm 12 tuổi, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu còn thay cha mẹ dạy dỗ các em, vừa tăng gia sản xuất vừa học hành.
Bình luận 0

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu - nhà Vật lý hàng đầu của Việt Nam, qua đời ở tuổi 84, lúc 11h52 phút ngày 23/1 do bệnh nặng, tuổi cao. Lúc sinh thời, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu đã được giao phó nhiều chức vụ quan trọng như Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban nghiên cứu vũ trụ Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ.

12 tuổi giúp bố mẹ chăm các em

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, TS Nguyễn Văn Khải (được nhiều người dân quý mến gọi là ông già ozone), người em thứ 7 của GS GS.VS Nguyễn Văn Hiệu kể lại: "Bác Hiệu sinh năm 1938. Khi bác 10 tuổi, gia đình đã phải chạy giặc Pháp truy lùng bắt bố (ông Nguyễn Văn Nguyện, Chủ tịch UB Hành chính Kháng chiến huyện Ứng Hòa - PV). Bác Hiệu bị bắt ở Chùa Hương cùng một số du kích nhưng do đẹp trai và biết nói tiếng Pháp nên chưa bị giết. Tối hôm đó, bác đã khoét vét đất bỏ trốn.

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu qua lời kể của em trai: Từ 12 tuổi dạy dỗ 9 người em, luôn đau đáu với nông dân - Ảnh 1.

GS Hiệu chụp ảnh cùng gia đình năm 1992. Ảnh: NVCC

Sau đó bác cùng mẹ đưa 6 em đi từ Ứng Hòa, Hà Đông đi tản cư qua Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa. Năm 12 tuổi, bác phải đi mua sợi để sản xuất bấc đèn, tất. Trong quá trình chặt củi rừng đã chặt vào ngón tay. Đó là giai đoạn vô cùng khó khăn, vất vả. Còn nhỏ nhưng bác Hiệu giúp bố mẹ dạy khi đó là 6 em tự nuôi sống bản thân và tự học. Năm 1954 bác về Hà Nội học. Trong quá trình đó, mặc dù là sinh viên, bác vẫn thường xuyên về nhà giúp các em dệt bấc đèn, tất có tiền ăn học".

Là con cả trong gia đình hoạt động cách mạng nghèo, GS Hiệu luôn bảo ban, động viên các em học hành. Tất cả 10 anh em trong gia đình đều tốt nghiệp đại học. Ngoài GS Hiệu còn có 6 người là tiến sĩ, 2 người là viện sĩ, 1 người là phó giáo sư. Điều đáng quý là tất cả anh em đều có thành tựu khoa học ứng dụng với thực tiễn.

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu qua lời kể của em trai: Từ 12 tuổi dạy dỗ 9 người em, luôn đau đáu với nông dân - Ảnh 2.

GS Hiệu bảo vệ luận án Tiến sĩ năm 25 tuổi. Ảnh: NVCC

TS Khải chia sẻ thêm: "Khi 2 người em là Lập và Khải học tiến sĩ nước ngoài về, bác Hiệu đã nói: "Em không nên về Viện Khoa học Việt Nam, anh em mình phải như rễ cây ở khắp nơi chứ không thể tập trung một chỗ". Điều đó nói lên rằng, bác Hiệu không cậy thế để đưa anh em, con cháu vào cơ quan. Năm 2021, khi anh em gặp nhau, bác Hiệu vẫn minh mẫn, biết ai làm gì và còn hỏi han từng người đã làm được những gì...".

Viện trưởng gắn với nông dân

Theo TS Khải, điều vĩ đại của GS Hiệu không phải là mấy bằng sáng chế khoa học lớn kia mà đó là cho cộng đồng. "Bài phát biểu cuối cùng của bác Hiệu là ngày 8/1/2021. Bác nói: "Đầu tiên các nhà khoa học phải nuôi sống bản thân, sau đó đem kiến thức đó phục vụ cộng đồng".

Những năm 1995, bác đã đề ra với Thủ tướng Võ Văn Kiệt "phải sống chung với lũ". Bác tiên đoán Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là vựa thóc của Việt Nam và thế giới".

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu qua lời kể của em trai: Từ 12 tuổi dạy dỗ 9 người em, luôn đau đáu với nông dân - Ảnh 3.

Đại gia đình 10 anh em của GS Hiệu. Ảnh: NVCC

Là viện trưởng nhưng GS Hiệu sẵn sàng ngồi cùng nông dân bàn cách trừ sâu, nước sạch, đi tận nơi xem phòng chống dịch cúm gia cầm, lợn tai xanh, bảo quản cam quýt… TS Khải chia sẻ: "Bác Hiệu nói rằng với nông dân, không thể chỉ tay 5 ngón, không thể đưa sách cho đọc. Không phải cầm tay dạy việc mà cầm tay chỉ việc. Có lần bác Hiệu xuống Hải Hậu, Nam Định kiểm tra tại sao cà chua 500 đồng không ai mua. Nhưng chỉ sau vài tuần ứng dụng khoa học kỹ thuật của bác thì cà chua đã lên giá".

Bác Hiệu đưa ra lời khuyên, tạp chí Vật lý không chỉ viết về hố đen, các hiện tượng tự nhiên, vũ trụ mà phải viết làm sao để cho được các lát thanh long lên máy bay. Bác luôn muốn Khoa học, Vật lý là phải phục vụ cuộc sống và được cuộc sống thẩm định.

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu qua lời kể của em trai: Từ 12 tuổi dạy dỗ 9 người em, luôn đau đáu với nông dân - Ảnh 4.

TS Khải (ngoài cùng, bên phải) chụp cùng GS Hiệu (áo xanh) và các anh em trong nhà. Ảnh: NVCC

Ngày 2/5/2002 nhân dịp sinh nhật bố tôi, bác Hiệu nhắc lại: "Dân số Việt Nam 75% sống bằng nông nghiệp nên việc quan trọng nhất là không được để đói. Chỉ cần 3 tháng biết trồng trọt, chăn nuôi, khoai, sắn, lúa, lợn gà là đã hết đói nhưng để phát triển văn minh thì cần 30-40 năm".

Ngoài gắn bó với nông dân, GS Hiệu còn quan tâm đến giáo dục. Năm 1995, GS Hiệu xuống tận trường ở huyện Thanh Trì làm nước sạch và đèn bảo vệ mắt cho học trò. Đặc biệt, GS Hiệu luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học thực hành. "Các trường chưa có phòng thực hành, chưa có hội trường lớn thì có thể ra sân làm. Học sinh phải biết thực hành thí nghiệm nên khi đi đến các trường học khắp cả nước, bác Hiệu cũng mang đồ thí nghiệm", TS Khải chia sẻ.

Theo tiết lộ của TS Khải, toàn bộ số tiền nhận từ Giải thưởng Lênin năm 1986, GS Hiệu đã dành để xây dựng Trường THCS Hà Cầu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem