Là một người khá kín tiếng cả về đời tư và những đóng góp tích cực cho xã hội, sự đồng hành của Hà Anh Tuấn với dự án ý nghĩa này không phô trương, mà âm thầm và bền bỉ trong suốt quá trình thực hiện.
Sau hơn 1 năm rưỡi triển khai, đầu tháng 11/2023, êkip Hà Anh Tuấn đã có mặt tại Sóc Trăng để chứng kiến những thành quả đầu tiên của dự án. Nhân cột mốc quan trọng này, nam ca sĩ lần đầu có những chia sẻ về dự án tới người hâm mộ.
Giáo viên trường Tiểu học Long Phú C giải thích cho Hà Anh Tuấn về các tiết học ứng dụng sáng kiến Thư viện số Toàn cầu của UNICEF. Ảnh: UNICEF Việt Nam
Hà Anh Tuấn và các học sinh sử dụng công trình nhà vệ sinh & nước sạch mới xây dựng – một trong những kết quả đầu tiên của Innovation for Children. Ảnh: UNICEF Việt Nam
Hà Anh Tuấn đã đồng hành cùng "Innovation for Children" từ những ngày đầu. Anh có thể chia sẻ cùng độc giả lý do anh chọn tham gia dự án này không?
"Tại sao không?". Đó vừa là câu hỏi, vừa là câu trả lời của Tuấn khi nhận được lời mời đồng hành cùng một dự án không dễ để thực hiện và rất có ý nghĩa của UNICEF cùng Masterise Group. Và lý do không gì khác ngoài mong muốn góp sức vì tương lai hòa nhập, bền vững và phát triển cho mọi trẻ em. Tuấn tin rằng trẻ em đại diện cho tương lai của chúng ta, là điểm tựa cho sự tiếp nối của chúng ta. Nếu không đầu tư vào tương lai của chính mình, thì chúng ta còn đầu tư vào đâu nữa?
Hà Anh Tuấn tại buổi họp báo công bố Innovation for Children. Ảnh: Masterise Group
Sau khi đồng hành cùng dự án gần 2 năm, Tuấn có cơ hội cùng các cán bộ của dự án tới Sóc Trăng để chứng kiến những thành quả đầu tiên của Giai đoạn 1. Tuấn cảm thấy vinh dự khi được trở thành một phần nhỏ của rất nhiều nỗ lực to lớn đang dần thành hình – những sáng kiến bền vững thay đổi tương lai của hàng ngàn, và có thể là cả hàng triệu con người Việt Nam.
Hà Anh Tuấn có thể chia sẻ thêm về nội dung của dự án và những thành tựu anh đã chứng kiến trong chuyến đi tới Sóc Trăng vừa qua?
Innovation for Children đặt ra hai mục tiêu chính. Đầu tiên là nâng cao chất lượng giáo dục cho mọi trẻ em - kể cả các em học sinh khuyết tật và dân tộc thiểu số. Thứ hai, là xây dựng các cộng đồng thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngày hội Trường học thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những nỗ lực trong lĩnh vực biến đổi khí hậu của dự án. Ảnh: UNICEF Việt Nam
Nhưng làm cách nào để thực hiện hai mục tiêu trên? Giống với tên gọi của dự án – "Innovation for Children", chúng tôi dự kiến thực hiện 2 mục tiêu đó bằng việc nghiên cứu và đưa các sáng kiến thông minh, bền vững vào thực tiễn tại địa phương. Và trong chuyến đi vừa qua, Tuấn có dịp thăm các sáng kiến tiêu biểu của cả hai lĩnh vực trên.
Đối với mục tiêu Giáo dục, UNICEF và Masterise đã đưa sáng kiến Thư viện số toàn cầu tới Sóc Trăng. Nếu trước đây, có tới gần 70% học sinh tại tỉnh cho biết mình chỉ có ít hơn 2 cuốn sách ở nhà... thì hiện nay dự án đã và đang giúp các em có cơ hội đọc nhiều hơn. Và đặc biệt là với ứng dụng này, các trẻ em khuyết tật có thêm cơ hội học tập sáng tạo phù hợp với nhu cầu, trẻ em Khmer có thể đọc sách bằng tiếng mẹ đẻ cùng cha mẹ giúp bảo tồn văn hóa bản địa. Đây chính là cam kết "không bỏ lại ai ở phía sau" mà dự án đang nỗ lực từng ngày để hiện thực hóa.
UNICEF và Masterise đã đưa sáng kiến Thư viện số toàn cầu tới Sóc Trăng. Ảnh: UNICEF Việt Nam
Hà Anh Tuấn học ngôn ngữ ký hiệu khi tham gia lớp học sử dụng Thư viện số Toàn cầu cùng các em học sinh khuyết tật. Ảnh: UNICEF Việt Nam
Hà Anh Tuấn học ngôn ngữ ký hiệu khi tham gia lớp học sử dụng Thư viện số Toàn cầu. Ảnh: UNICEF Việt Nam
Trong chuyến đi, Tuấn cũng đã cùng mọi người bàn giao nhà vệ sinh không phát thải vận hành bằng năng lượng mặt trời đầu tiên tại Việt Nam. Mô hình nhà vệ sinh này sử dụng năng lượng mặt trời để hoạt động và xử lý nước thải thành nước an toàn, không chứa mầm bệnh, để có thể tái sử dụng trong việc xả nhà vệ sinh. Mọi quy trình đều được thiết kế để tuần hoàn. Khi công nghệ này được triển khai thành công, chúng ta có thể nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho cộng đồng tại Sóc Trăng.
Đại diện UNICEF và các đối tác tại địa phương trong quá trình lắp đặt nhà vệ sinh không phát thải. Ảnh: UNICEF Việt Nam
Cả hai can thiệp này đều gây ấn tượng mạnh với Tuấn. Nhưng trên hết, Tuấn nhìn thấy sức sống rực rỡ của vùng đất này qua ánh mắt tươi sáng của các em bé Khmer tại trường tiểu học đã đến thăm. Tuấn cảm nhận được sự nhiệt huyết của các thầy cô dù đang làm việc trong điều kiện vật chất khó khăn của trường. Nếu mỗi người chúng ta cùng đóng góp một phần sức lực, Tuấn tin rằng trẻ em ở đây sẽ có một tương lai đầy triển vọng và tươi sáng, đồng thời góp phần vào sự phát triển của một Việt Nam trong tương lai.
Hà Anh Tuấn và đại diện UNICEF Việt Nam tham gia hoạt động cùng các học sinh trường tiểu học Long Phú C. Ảnh: UNICEF Việt Nam
Sau Sóc Trăng, anh có kỳ vọng dự án này được nhân rộng ra các tỉnh và vùng miền khác tại Việt Nam?
Dự án này được thử nghiệm trong một phạm vi nhỏ. Đó chính là mầm xanh chúng ta gieo và hi vọng nó sẽ lớn lên và sinh trưởng rộng rãi. Sóc Trăng là một trong những tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng biến đổi khí hậu và trẻ em có những khó khăn đặc thù trong giáo dục. Với mô hình này, nếu được triển khai nhân rộng tại các địa phương có khó khăn tương tự sẽ làm nên hiệu ứng lan tỏa. Đây chính là hiệu quả mà chương trình hướng tới, cũng là mong muốn của Tuấn.
Nếu mỗi hành động hướng tới tương lai là một hạt mầm, thì đây chính là hạt mầm chúng ta đã gieo. Tuấn hi vọng, mỗi cá nhân chúng ta đều gieo một hạt mầm khỏe mạnh và chú tâm chăm sóc để tương lai chúng ta nhận lại một rừng tiềm năng tươi tốt, đặc biệt là cho trẻ em.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.