Hà Đông (Hà Nội): Người dân lo sợ vì nước máy nhiễm amoni

Thắng Quang Thứ sáu, ngày 21/11/2014 08:32 AM (GMT+7)
Với hàm lượng amoni trong nước sinh hoạt cao hơn 2,5 lần mức tối đa cho phép, người dân Khu đô thị (KĐT) Xa La, Hà Đông, Hà Nội lo sợ đối diện với nguy cơ cao mắc bệnh ung thư.
Bình luận 0

Hàm lượng amoni vượt mức cho phép

Theo phản ánh của người dân ở KĐT Xa La, thời gian gần đây nguồn nước máy ở đây đang nhiễm bẩn trở lại. Trước đó, đầu tháng 5.2014, sau vụ vỡ đường ống dẫn nước sạch sông Đà, người dân nơi đây đã mang mẫu nước đi xét nghiệm và phát hiện nước bị nhiễm amoni mức độ cao. Ở thời điểm đó, trao đổi với báo chí, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nước sạch Hà Đông, ông Hoàng Văn Thắng đã thừa nhận do đường ống nước sông Đà bị vỡ liên tục nên để tăng nguồn cung cấp, đơn vị này phải huy động thêm nguồn nước từ cơ sở 2 ở Ba La (Hà Đông). Sau đó, người dân cho biết là nước có được cải thiện.

imgKết quả xét nghiệm mẫu nước của anh Tạ Hồng Minh, CT5, KĐT Xa La 

 

Chị Nguyễn T.A (xin giấu tên) - sống tại tòa nhà CT5 bức xúc: “Tôi mới chuyển đến CT5 từ tháng 3 năm nay, ban đầu tôi phát hiện thấy nước có nhiều cặn, khi luộc thịt thì miếng thịt chuyển sang màu hồng. Sau khi có nhiều người phản ánh thì tình trạng nước có được cải thiện. Nhưng mới đây thì nước có dấu hiệu nhiễm bẩn trở lại, khi luộc thịt thì miếng thịt không chỉ còn là màu hồng mà chuyển hẳn sang màu đỏ. Nghi ngờ nước nhiễm amoni, tôi đã mua bộ kit thử nhanh thì phát hiện hàm lượng amoni vượt quá mức cho phép rất nhiều lần...”.

imgSử dụng nước nhiễm amoni, thịt luộc chín vẫn có màu đỏ.

 

Trong khi đó, anh Tạ Hồng Minh (tầng 15, CT5, KĐT Xa La) đã mang mẫu nước lấy từ nước máy đến Viện Công nghệ Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để phân tích. Kết quả là nồng độ amoni là 7,46 mg/l trong khi hàm lượng tối đa cho phép là 3 mg/l; hàm lượng arsen ở mức cao tuy chưa vượt chuẩn 0,01mg/l nhưng cũng ở mức lo ngại 0,008mg/l. Anh Tạ Hồng Minh cho biết: “Tôi cũng đã gọi điện đến Nhà máy Nước Hà Đông để phản ánh nhưng họ trả lời là không bị nhiễm chất độc gì cả, nếu có bị nhiễm thì người dân đã không mua để sử dụng rồi nên tôi rất bức xúc. Hiện tại, nhà tôi đang mua nước khoáng về dùng, tôi cũng cảnh báo các hộ xung quanh về tình trạng nước”.

Có thể gây ung thư

Tiến sĩ Trần Văn Nhị - nguyên Trưởng phòng Quang sinh học, Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng: “Để biết chính xác thì cần phải xét nghiệm, nhưng dựa vào các biểu hiện cũng có thể đánh giá sơ bộ, nếu nước đun lên có cặn trắng là do có nhiều ion canxi. Thịt luộc lên bị đỏ thì thông thường là do nước bị nhiễm amoni”.

Về tác hại của việc sử dụng nguồn nước nhiễm amoni đối với sức khỏe con người, tiến sĩ Nhị cho hay: “Bản thân amoni không gây bệnh nhưng khi amoni (NH4+) có trong nước sinh hoạt thì nó chuyển hóa thành nitrit (NO2), mà nitrit thì có khả năng gây bệnh cho con người. Đối với trẻ em dưới 6 tháng tuổi, nó khiến cho da trẻ xanh xao, chậm tăng trưởng do nitrit cạnh tranh với hồng cầu lấy hết oxy, khiến trẻ dễ mắc bệnh về đường hô hấp. Nitrit trong nước ăn còn thông qua một cơ chế khác, nitrit tác dụng với các acid amin có trong thức ăn tạo thành nitroxamin là những chất gây đột biến. Chất này khi sinh ra trong cơ thể sẽ tác động lên bộ máy di truyền tế bào như một chất đột biến, sinh ra các khối u, gây ung thư. Như vậy một khi nước đã nhiễm amoni thì nhất định phải loại trừ amoni ra khỏi nguồn nước”.

 Tiến sĩ Trần Văn Nhị cho biết: “Nguyên nhân khiến nguồn nước bị nhiễm amoni là do các hợp chất chứa nitơ có trong chất thải sinh hoạt và hoạt động sản xuất được đem thải ra môi trường ngày càng nhiều. Dưới tác động của các vi sinh vật, chúng chuyển hóa thành amoni. Amoni nhờ nước mưa dần thẩm thấu qua đất, ngấm vào các mạch nước ngầm và nằm yên ở đó cho tới khi được khai thác lên”.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem