Hà Giang: Hết nghèo vì theo nghề...nuôi trâu

Mộc Lan Thứ tư, ngày 17/04/2019 11:01 AM (GMT+7)
Cùng với việc tổ chức triển khai thực hiện kịp thời các chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Quang Bình (Hà Giang) còn là đơn vị đi đầu trong huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV).
Bình luận 0

Nâng ý thức tiết kiệm

Dù số tiền tiết kiệm huy động được từ các hộ khách hàng chưa lớn nhưng hoạt động này của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Quang Bình bước đầu đã giúp người dân nâng cao ý thức tiết kiệm, giảm bớt gánh nặng khi đến thời hạn hoàn trả vốn vay, yên tâm sử dụng đồng vốn.

img

  Anh Hoàng Xuân Kỳ (trái), thôn Nà Mèo, xã Tân Nam, huyện Quang Bình nuôi trâu sinh sản từ vốn vay Ngân hàng CSXH. Ảnh: Mộc Lan

"Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm bắt kịp thời các chương trình tín dụng, huy động tăng mức tiền gửi tiết kiệm. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn, hội, đoàn thể nhận vốn ủy thác, phát huy vai trò tham mưu, tổ chức kiểm tra nhằm nâng cao hoạt động của các tổ TKVV”.

Ông Nguyễn Văn Huyên -
Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH
huyện Quang Bình

Anh Hoàng Xuân Kỳ, thôn Nà Mèo, xã Tân Nam cho hay: “Tháng 4.2017, gia đình tôi được vay 40 triệu đồng chương trình tín dụng hộ nghèo của Ngân hàng CSXH. Tôi dùng số vốn vay được để đầu tư chăn nuôi. Cùng với với việc giải ngân vốn nhanh, tôi còn được vận động, hướng dẫn gửi tiết kiệm thông qua Tổ TKVV. Đến kỳ hạn, tôi rút gần 3 triệu đồng tiết kiệm thêm vào trả vốn gốc cho ngân hàng nên cũng đỡ lo hơn...

Theeo anh Kỳ, không những thế, nguồn vốn trao tay giúp gia đình có thêm trợ lực làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Tiền tiết kiệm là những khoản thu nho nhỏ gia đình tích cóp được hàng tháng…Trước đây, khi chưa tham gia vay vốn, việc tiết kiệm như thế này chưa có trong gia đình, với lại ai cũng nghĩ đã tiết kiệm phải là món tiền lớn…

Cũng như suy nghĩ của anh Hoàng Xuân Kỳ, nhiều hộ vay vốn ưu đãi trên địa bàn huyện Quang Bình trước kia đều không có việc dành dụm những món tiền nhỏ hàng ngày, hàng tháng. Cho tới khi áp dụng việc dành dụm những món tiền nhỏ này thì việc trả nợ gốc, lãi vay của các hộ vay vốn đã trở nên dễ dàng hơn. Qua đó, dần định hình trong nếp nghĩ của người dân ý thức tiết kiệm, dù đó là những món tiền nho nhỏ chỉ 1-2 trăm ngàn mỗi tháng.

Anh Hoàng Tiến Bộ - Tổ trưởng Tổ TKVV thôn Nà Mèo, xã Tân Nam cho biết: “Thôn có 40/46 hộ vay vốn từ Ngân hàng CSXH với dư nợ 1,2 tỷ đồng; bà con vay vốn chủ yếu nuôi trâu sinh sản. Trước khi triển khai nguồn vốn vay, Tổ TKVV hướng dẫn hộ vay làm cam kết nộp lãi theo quy định và gửi tiền tiết kiệm đầy đủ. Vì vậy, khoảng 2 năm trở lại đây, việc thu lãi diễn ra khá thuận lợi, nhanh chóng, đồng vốn được người dân sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác giảm nghèo”.

Lợi ích kép

Theo anh Hoàng Tiến Bộ, đã thành nếp, hàng tháng khi Ngân hàng CSXH đến giao dịch tại xã, hầu hết các thành viên Tổ TKVV thôn Nà Mèo, xã Tân Nam luôn mang theo cuốn sổ tiết kiệm để tích lũy vốn. Người vay vốn phần lớn là hộ nghèo, đối tượng chính sách, cuộc sống còn thiếu thốn nên gia đình nào có điều kiện thì sẽ gửi nhiều hơn. Với số tiền tiết kiệm đang duy trì trên 45 triệu đồng, trường hợp thành viên gặp khó khăn trong trả gốc, lãi cho ngân hàng thì Tổ TKVV sẽ sử dụng chính nguồn vốn đó giúp thành viên trả nợ, hạn chế nợ quá hạn.

Qua 10 năm triển khai huy động tiền gửi tiết kiệm, trên địa bàn huyện Quang Bình có 220 Tổ TKVV với số dư tiền gửi trên 6,1 tỷ đồng; trong đó, 213 tổ xếp loại tốt, 7 tổ xếp loại khá. Để làm quen với hình thức này, ngay từ những ngày đầu đội ngũ cán bộ ngân hàng Ngân hàng CSXH, các tổ chức hội, đoàn thể tham gia ủy thác vay vốn và Tổ trưởng Tổ TKVV đã tích cực tuyên truyền cho người dân hiểu mục đích, ý nghĩa, tham gia gửi tiết kiệm.

Chủ trương huy động tiền gửi tiết kiệm qua Tổ TTVV hoàn toàn theo hình thức tự nguyện. Quy định của các Tổ TKVV tại thôn, bản, bình quân mỗi thành viên đóng góp 50 - 100 nghìn đồng/tháng. Việc tiết kiệm trong tập thể các hộ vay vốn luôn được nhắc nhở và lưu ý thường xuyên để dần tạo nên thói quen hàng ngày, hàng tháng. Thấy rõ lợi ích, trong 8.356 hộ vay vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Quang Bình thì hiện tỷ lệ gửi tiết kiệm chiếm tới 90%.

Theo đánh giá, việc huy động tiền gửi tiết kiệm qua Tổ TKVV mang lại lợi ích “kép” cho cả ngân hàng và các hộ vay vốn. Các hộ vay không cố định mức tiền gửi, giúp người nghèo hình thành thói quen tiết kiệm. Riêng số vốn ngân hàng huy động qua gửi tiết kiệm sẽ được bổ sung vào nguồn vốn cho vay, đem đến cho người nghèo và các đối tượng chính sách có cơ hội tiếp cận vốn, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

Ông Hoàng Xuân Kỳ, thôn Nà Mèo, xã Tân Nam chia sẻ: “Thực ra trước kia người dân vẫn có những nguồn thu nho nhỏ hàng tháng thông qua việc bán dăm ba con gà, đôi ba con lợn giống hoặc đơn giản hơn là bán được rau, củ, quả trong vườn hàng ngày, hàng tuần. Nhưng từ khi thực hiện việc tiết kiệm vốn, các hộ có ý thức giữ lại vài chục ngàn đồng đến 1-2 trăm ngàn đồng để gửi tiết kiệm. Hết kỳ vay vốn, số tiền tiết kiệm cùng với tiền lãi cũng góp thêm một món cho khoản vốn gốc phải trả…”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem