Cam sành được trồng chủ yếu tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên, trong đó huyện Bắc Quang chiếm tỷ lệ chủ yếu với diện tích gần 950ha và sản lượng đạt trên 6.078 tấn.
Song trong những năm qua, do dịch bệnh gây hại và các biện pháp kỹ thuật trong trồng trọt, chăm sóc, nhân giống không phù hợp đã làm suy thoái nhanh chóng các vườn cam. Bên cạnh đó, thực trạng bảo quản cam bằng các loại hoá chất của Trung Quốc, hoá chất không rõ nguồn gốc đã tác động lớn đến chất lượng cam sành ở đây.
Để hạn chế tình trạng trên, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Giang đã triển khai nhiều giải pháp. Đó là, chỉ được trồng mới bằng các giống cam sạch bệnh từ những vườn nhân giống đạt tiêu chuẩn hoặc những cây giống được chiết, ghép từ những cây sạch bệnh. "Cây sạch bệnh" là cây không mang 2 loại bệnh có tính chất lây lan nhanh, mang tính huỷ diệt vườn cam mà hiện nay trên thế giới chưa tìm ra thuốc đặc trị là bệnh vàng lá gân xanh (Greening) và bệnh tàn lụi (Tristeja).
Về việc phòng trị các loài dịch hại trên cam, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Giang cũng khuyến cáo, đối với những vườn cam đang kinh doanh (đang thu quả), nếu phát hiện những cây bị bệnh vàng lá gân xanh cần kịp thời cắt cành bệnh tiêu huỷ và có biện pháp hữu hiệu để diệt trừ rầy chổng cánh không cho tiếp xúc với cây bệnh.
Mặt khác, để hạn chế dư lượng của các loại hoá chất bảo vệ thực vật trong sản phẩm cam quýt, cần phải tuân thủ nghiêm ngặt thời gian cách ly đối với từng loại thuốc khi tiến hành phòng trừ sâu bệnh hại. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh học, thuốc thảo mộc, thuốc nhanh phân huỷ, ít ảnh hưởng tới sản phẩm, con người và môi trường. Cần triển khai rộng rãi các biện pháp dùng bẫy bả để dẫn dụ và tiêu diệt sâu hại nhằm hạn chế tới mức thấp nhất quá trình tiếp xúc của quả cam với các loại hoá chất trừ sâu bệnh (nhất là từ giai đoạn cam bước vào giai đoạn chín sinh lý). Nghiêm cấm việc dùng các loại hoá chất để bảo quản cam sau thu hoạch.
Phạm Văn Phú
Vui lòng nhập nội dung bình luận.