Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu 5 chủ trương ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế-xã hội của khu vực ĐBSCL, tập trung vào phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế so sánh của các địa phương trong vùng, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, ứng dụng khoa học-công nghệ, đầu tư trọng điểm vào một số lĩnh vực có lợi thế so sánh; gắn phát triển kinh tế-xã hội với sử dụng tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái...
Thủ tướng Mark Rutte cho biết, kế hoạch ĐBSCL sẽ giúp giải quyết một trong những thách thức lớn nhất mà thế giới đang đối mặt, đó là làm thế nào để giải quyết tác động của biến đổi khí hậu. Khu vực ĐBSCL và Hà Lan đều đang phải đối mặt với những thách thức giống nhau, đó là nước biển dâng, thay đổi dòng chảy và nhiễm mặn.
Đó là lý do vì sao 4 năm trước, Việt Nam và Hà Lan đã quyết định hợp tác chặt chẽ tại khu vực này. Vào cuối năm 2013, một tầm nhìn dài hạn đã được đặt ra cho khu vực, với tên gọi “Kế hoạch ĐBSCL”. Thủ tướng Mark Rutte nhấn mạnh, để đạt được thành công những dự án nhiều kỳ vọng và lâu dài như Kế hoạch ĐBSCL, cần có một chiến lược rõ ràng và những dự án này cũng cần được lồng ghép hợp lý dưới góc độ thể chế và tổ chức.
* Ngày 17.6, tại buổi trao đổi nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát bày tỏ mong muốn Bộ trưởng Nông nghiệp Hà Lan Sharon Dijksma cũng như Chính phủ Hà Lan hỗ trợ cho Việt Nam trở thành “Hà Lan trong lĩnh vực nông nghiệp ở khu vực châu Á”.
Bộ trưởng Sharon Dijksma cho biết, hiện cả Hà Lan và Việt Nam đều sản xuất và xuất khẩu lớn các sản phẩm nông nghiệp như ca cao, sữa. Hy vọng với sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước, tới đây các mặt hàng nông sản khác sẽ được đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa. Bộ Nông nghiệp Hà Lan nhất trí và cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.