Thứ trưởng nói cần học kinh nghiệm của New York, Bắc Kinh để xử lý ô nhiễm không khí ở Hà Nội
Thứ trưởng Bộ TNMT nói học kinh nghiệm của New York, Bắc Kinh để xử lý ô nhiễm không khí ở Hà Nội
Quỳnh Nguyễn
Thứ ba, ngày 07/01/2025 11:44 AM (GMT+7)
Khi nói về vấn đề xử lý ô nhiễm không khí ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã dẫn chứng bài học kinh nghiệm của TP New York (Mỹ) khi tiến hành thu phí, không cho ô tô đi vào khu vực ô nhiễm nghiêm trọng hay tắc nghẽn giao thông.
Tiếp tục chương trình Phiên họp 41, sáng 7/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo một số nội dung của dự thảo Kế hoạch giám sát và các Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành".
Nói ô nhiễm không khí ở Hà Nội nhưng chưa thấy cơ quan nào đánh giá tổng thể
Đề cập đến ô nhiễm ở Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị có đánh giá tổng thể.
"Mình cứ nói ô nhiễm nhưng chưa thấy cơ quan nào đánh giá tổng thể nguyên nhân từ đâu. Theo tôi, đoàn giám sát cần rà soát xem nguồn phát thải công nghiệp, các khu công nghiệp lớn xung quanh Hà Nội, các cơ sở sản xuất lớn gây ô nhiễm thế nào", ông Vinh góp ý.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục lưu ý, tăng trưởng "nóng", đô thị phát triển sẽ gắn với bùi xây dựng. Chỉ cần một ngày không lau mặt bàn, mặt kính là một lớp bụi rồi. Nếu bụi đó vào đường hô hấp của chúng ta sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe rất nhiều", theo lời ông Vinh.
Đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp, ông Vinh cho hay, Bắc Kinh (Trung Quốc) có thời gian ô nhiễm nặng nề, nhưng sau khi chuyển hết khu công nghiệp ra khu vực ngoại vi, tổ chức lại cây xanh thì giờ "Bắc Kinh có ai nói ô nhiễm nữa đâu".
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết về vấn đề ô nhiễm không khí ở Hà Nội, Chính phủ và UBND TP.Hà Nội cũng đã có giải pháp, nhưng đây là vấn đề cần được giám sát.
"Sau đợt giám sát này, chúng ta cần có hành động quyết liệt hơn, giống kinh nghiệm của một số quốc gia xung quanh, như Trung Quốc, phải có biện pháp mạnh mẽ hơn", ông Thành nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng dẫn chứng bài học kinh nghiệm của TP New York (Mỹ) khi tiến hành thu phí, không cho ô tô đi vào khu vực ô nhiễm nghiêm trọng hay tắc nghẽn giao thông. UBND Hà Nội cũng đã có kế hoạch thực hiện việc này.
"Rất mong qua việc giám sát lần này sẽ có biện pháp mạnh mẽ hơn, trong đó cần sửa đổi các luật, nghị định và cần hành động quyết liệt của chính quyền địa phương", ông Thành nói.
Ông Thành cho biết thêm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có kế hoạch chi tiết, cụ thể để giúp cuộc giám sát thiết thực, chỉ ra được giải pháp.
"Ai gây ra ô nhiễm phải trả phí khắc phục môi trường"
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cơ bản đồng tình với mục tiêu, thời gian và phương thức tiến hành giám sát, song ông nhấn mạnh hoạt động giám sát phải đưa ra được những kiến nghị chính sách mạnh mẽ theo nguyên tắc "ai gây ra ô nhiễm phải trả phí khắc phục môi trường".
"Anh thải ra 100m3 nước thải phải trả phí xử lý 100m3 nước thải đó. Việc giám sát ở các địa phương phải chú ý đặc thù để có kế hoạch khác nhau. Ví dụ với Hà Nội, ô nhiễm không khí đang rất bức xúc thì tập trung vào lĩnh vực ô nhiễm không khí", ông Định nói.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị đoàn giám sát phải đặt mục tiêu xử lý dứt điểm những điểm nóng về môi trường ở các địa phương.
"Vấn đề việc giám sát này phải chỉ cho được mặt mạnh và hạn chế, có địa chỉ cụ thể chứ không nói chung chung, và đề xuất trách nhiệm của từng cơ quan ở T.Ư trong bảo vệ môi trường. Quốc hội cần sửa gì, Chính phủ cần sửa nghị định, thông tư nào, bộ ngành, địa phương dành kinh phí xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường thế nào…", Chủ tịch Quốc hội nêu.
Theo dự kiến chương trình, Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 vào tháng 10/2025.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.