Hà Nội bập bùng lửa, rét đến là rét

Thứ tư, ngày 12/01/2011 07:04 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Lề đường Hà Nội mùa này đỏ rực những đám lửa bập bùng soi những gương mặt tím tái. Nông dân nghèo lên phố đấy chứ ai?
Bình luận 0

Đã lấp bụi đường lại vùi bụi tro

Mới 5 giờ sáng mà đầu cầu Vĩnh Tuy, Hà Nội đã bập bùng ánh lửa của đám “chợ người”. Công trình vốn vừa xây dựng xong, cốp pha giàn giáo hỏng vứt đây đó dưới gầm cầu cũng đủ làm nên một ngọn lửa ấm.

img
Đốt lửa sưởi ấm trên phố Đê La Thành sáng 11-1

Hơn chục ông “chợ người” bám vào một đống lửa uốn éo giữa gió đông rét cắt thịt. Sà vào đám lửa đầu, một ông tùm hum cái mũ len, lập cập: “Lại dọn bể hả chú?”.

Xưng tên họ rồi hỏi ngay về cái chuyện lửa cháy sớm, ông anh tùm hum cái mũ len tên là Cường, nhà ở Song An, Vũ Thư, Thái Bình ấy bảo: “Cữ này là còn muộn chú ạ”. Hà Nội cuối năm chả hiểu sao người ta chỉ rỗi có lúc sáng sớm tinh mơ, mấy công việc dọn nhà, sửa cửa, chữa đường… cứ chọn lúc tinh mơ.

Mấy ông lý giải: “Sáng sớm tinh mơ, vắng người, sửa đường, sửa nước đỡ ảnh hưởng đến người khác. Đến sáng rõ là “nghiệm thu công trình” được ngay”.

Một ông ló đầu ra khỏi cái xe ô tô đen xì: “Lấy hai “thằng”! Dọn bể với bê cây cảnh! Bao nhiêu?” – “Bể với cây thế nào hả bác?” – “Bể bê tông 10 khối, hơn chục cây đào quất mang lên tầng 4, tầng 5”.

Cái đám đông rù rì bên đống lửa rồi một anh nhanh nhẹn: “Một trăm (100.000 đồng) mỗi người, trời rét quá!”, ông lái xe dễ dãi: “Ờ! Nhưng 6 giờ 30 phút phải xong! Lên xe đi, lát đi làm, tao chở lên. Cứ kêu rét, tao vừa đi Đông Âu về, bên ấy còn rét hơn nhiều mà tao có sao đâu”.

Anh Cường gọi với: “Thằng Long, thằng Vụ lên xe đi. Chúng mày nhường việc cho hai thằng này, tí nữa chúng nó phải bắt xe khách về quê”.

Quay sang đám người đang co ro, cau có, anh Cường bảo: “Hai thằng này, thằng Vụ con ốm, viêm phế quản phải nằm viện Thái Bình, thằng Long vợ bị viêm khớp nằm liệt. Bọn nó lên đây để bắt xe về. Thôi anh em mình cho nó mở hàng coi như món quà gửi về nhà cho vợ con chúng nó”. Thế là đám đông cau có ấy im bặt, ngùi ngùi.

Ông trên xe còn cố thò cổ ra: “Sao chúng mày không đốt lửa trong cái thùng phuy ấy. Năm ngoái tao đi Mỹ, vào khu dân vô gia cư thấy nó đốt lửa trong thùng phuy, vừa ấm lại tiết kiệm củi”, mấy anh cười lập cập: “Mang thùng phuy ra đây, lúc công an đuổi thì bê mà chạy sao được!”

Ngày 11-1, người dân Hà Nội hứng chịu cái rét tê buốt khi nền nhiệt xuống 80C, thấp nhất từ đầu mùa đông. Nhiều trường tiểu học , mẫu giáo đã cho các học sinh nghỉ học. Còn những người lao động phải tự tìm cách chống chọi lại với cái rét thấu xương để mưu sinh.

Trời đã rét thì chớ, cuối năm lại toàn việc ghê người, người ta chuẩn bị ăn Tết mà, nào thì dọn bể, nào thì thông cống… làm xong không chỉ tay mà cả người cứ cứng đơ vì rét.

Nhưng buồn cười nhất là việc làm sớm qua của anh Cường. Có cậu thanh niên gọi anh qua nhà dọn dẹp, tưởng việc gì, hóa ra mỗi việc rửa bát. Đống bát đĩa cao như núi sau đêm liên hoan cuối năm, nhưng ô sin về quê, máy nóng lạnh trong nhà lại hỏng nên chủ nhà ra “chợ người”gọi.

Rét mướt nên có được nhiều việc nhưng cũng khổ vì phải dậy sớm. Mấy anh em chỉ khấn trời đừng đổ mưa dầm, đứng giữa trời mưa dầm chờ việc thì khốn, lại chả đốt được lửa.

Lại chiếc xe khác từ dưới ngõ vọt lên đường, người trên xe thò cổ ra quát: “Mẹ chúng mày, chiều về mà không dập lửa cẩn thận, ông hô công an gô cổ chúng mày lại”. Hóa ra ông này một hôm đi làm về, ngõ đông người, ông cho lái xe dừng ở đây rồi bước xuống xe, ai ngờ bước đúng vào đống tro nóng của bếp lửa mà mấy anh chợ người ngồi, cũng may chỉ hỏng đôi giày chứ không bị bỏng.

Biết chuyện, tôi đốp chát: “Công an bắt vào đồn càng ấm”. Ông trên xe bảo “Á à? Giỏi!”. Mấy anh em tái mặt dù mấy cái mặt cũng không thể tái được hơn nữa: “Chú ơi! Đừng đùa thế chết anh em tôi. “Nó” mà bảo công an tóm bọn tôi thì lại phải lên Sóc Sơn cuốc đất 15 ngày đấy chú ạ”.

Lại còn thế nữa! Đã lấp bụi đường còn vùi bụi tro, lại thêm cái khoản ác nghiệt là tro bụi của lòng người.

Lạnh cóng làm đẹp cho đời

Chủ hiệu rửa xe Thành Công (11 Thụy Khuê, Hà Nội) xua tay: “Chú mang xe đi nơi khác, được mười nghìn mà phát bệnh thấp khớp thì khổ”. Mấy hôm rét đậm này, các cửa hàng rửa xe kiểu “Giám đốc kiêm bảo vệ” - có nghĩa là cửa hàng không thuê người mà chủ nhà kiêm luôn thợ rửa, từ chối khách hàng thế đấy.

Mấy cửa hàng lớn có thuê thợ thì khác. Minh, thợ rửa xe trên đường Nghi Tàm sít soa: “Mấy ngày này, nghỉ ốm cũng chả được”, nói xong, ông tướng chạy vào sau nhà hơ lửa ở cái bếp than còn đầy khói đen nghi ngút sau khi rửa cái xe to tướng.

img
Giá rét khiến cuộc sống của người dân đảo lộn. Ảnh chụp sáng 11-1, trên đường Láng, Hà Nội

“Chủ hàng đã có quy định rồi. Mấy hôm này đừng có hy vọng xin nghỉ làm gì? Rét cụt ngón tay cũng kệ” – Sinh, cô em gái của Minh làu bàu. Mới vào làm (cũng như anh) cô sinh viên trường Văn hóa này phải chấp nhận một chuyện đến bây giờ cô mới biết đó là điều kiện khốc liệt: Từ giờ đến Tết, có việc phải làm, không được nghỉ - Nghỉ ngày nào trừ ngay lương hai ngày gần đấy, ba lần trừ thì mất lương cả tháng.

Thế nên chẳng có gì lạ khi mỗi lần rửa xe xong, cô bé lại chạy ngay sang khu mấy anh bán đào quất để hơ lửa cho những ngón tay, ngón chân đỡ bị “cước”. Sinh bảo: “Phải hơ lửa cho ấm tay, khách có xe xịn đến mà mình cóng tay, làm xước sơn thì còn tội vạ hơn”.

Ngọn lửa lề đường Hà Nội! Bên ngọn lửa sát chợ Bưởi thấp thoáng mấy bóng cây cảnh: Nào thì “tam đa”, nào thì “ngũ phúc”… Nhất loạt đều nhờn nhợt những hình dáng quen quen.

Nguyễn Văn Sinh - chủ hàng cây cảnh của khu 3 – hàng 7 chợ Bưởi xoa hai tay bên đống lửa bập bùng bảo: “Lạnh chết người chả sao! Lạnh chết cây mới là quan trọng”. Sinh là dân Xuân Quan, Hưng Yên, mua được chỗ bán cây cảnh từ nay đến Tết mất đứt 15 triệu đồng.

Nghe vị này nói chuyện cũng thấy chán cho công cuộc làm ăn: “Nhà em có hai trăm gốc đào, năm nay sao nó nở sớm thế chứ. Nói thật phải thuê chỗ này bán tống bán tháo nó đi. Bán hết, chỉ cần hòa vốn là vợ chồng em ăn Tết năm nay cũng ổn, còn không thì con em ăn... cám” .

Đêm về khuya lắm! Đoạn đường đầu cầu Long Biên bên phía Nam này sao đông người quanh ngọn lửa thế! Quét dọn từ bên Long Biên về, mấy chị em “lao công như sắt như đồng” tập trung ngay đầu cầu phía bốt Hàng Đậu.

Có chị cười kể chuyện thằng say rượu đòi tự tử bằng cách nằm ngang ra đường ray xe lửa qua cầu Long Biên, có chị cau mày vì mấy thằng nghiện quấy phá, chị khác lại bảo “Rét cắt da thế này mà có mấy đứa rửng mỡ dẫn nhau lên cầu hôn nhau. Kinh không?”.

Rét thế này, lửa Hà Nội bập bùng trên mỗi lề đường. Quanh bếp lửa ấy là mỗi cảnh người, háo hức có, nhộn nhịp có... nhưng vui tươi thì hầu như chả có.

Hà Nội mùa này, rét đến là rét!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem