Chiều 19.3, phát biểu tại “Diễn đàn ngành nước Đức – Việt tại TP.Hà Nội”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, nhu cầu sử dụng nước sạch của Thủ đô là rất lớn, dự kiến đến năm 2020 là khoảng 2 triệu m3/ngđ (một ngày đêm); năm 2030 là khoảng 3 triệu m3/ngđ; năm 2050 là khoảng 3,5 triệu m3/ngđ.
“Mục tiêu về nước sạch của Thành phố đến năm 2020 là phấn đấu tỷ lệ người dân nông thôn có nước sạch là 100%. Để hoàn thành chỉ tiêu về nước sạch cho nhân dân Thủ đô, Thành phố đã kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tham gia đầu tư các dự án cấp nước theo hình thức xã hội hóa” – ông Hùng nói.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng phát biểu tại Diễn đàn ngành nước Đức – Việt tại TP.Hà Nội. Ảnh: T.An
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, đến nay một số dự án cấp nước xã hội hóa hoàn thành, phát huy hiệu quả đầu tư, trong đó có Nhà máy nước mặt sông Đuống công suất giai đoạn 1 là 150.000m3/ngđ sử dụng công nghệ của Đức, hoàn thành đưa vào vận hành tháng 10.2018, nâng tổng công suất các nguồn nước sạch tập trung cung cấp cho Hà Nội đạt khoảng 1.200.000m3/ngđ, trong đó vẫn duy trì sử dụng nguồn nước ngầm là trên 600.000m3/ngđ.
Với công suất trên, cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cho khu vực đô thị, nâng tỷ lệ cấp nước sạch khu vực nông thôn lên trên 55,5%, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân nông thôn.
Nhà máy nước sạch sông Đuống khi đi vào hoạt động sẽ cung cấp nước sạch cho toàn bộ các quận, huyện phía Nam và một số tỉnh lân cận của TP.Hà Nội. Ảnh: T.An
Tuy nhiên một số nhà máy nước ngầm, mạng lưới cấp nước đã được đầu tư xây dựng từ nhiều năm nay với công nghệ lạc hậu cần được nâng cấp, thay thế bằng công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng nước cấp, tiến tới uống tại vòi.
Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND TP.Hà Nội cho biết, hiện nay, hệ thống thoát nước của Hà Nội mới có lưu vực sông Tô Lịch có diện tích khoảng 77,5 km2 bao gồm toàn bộ khu vực trung tâm các quận như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và một phần các quận Tây Hồ, Thanh Xuân là đã được cải tạo đồng bộ, các khu vực còn lại chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ do đó vào mùa mưa thường xảy ra úng ngập khi mực nước sông Nhuệ, sông Cầu Bây dâng cao, hệ thống thoát nước không tự chảy được.
Để hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thu gom xử lý nước thải đô thị, TP.Hà Nội hiện đang rất mong muốn, khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp có năng lực tài chính, kinh nghiệm tham gia triển khai các dự án thoát nước, xử lý nước thải, cải tạo môi trường Hà Nội, bằng những công nghệ, thiết bị mới nhất của khoa học, kỹ thuật đáp ứng nhu cầu tiêu chí xây dựng thủ đô Hà Nội văn minh hiện đại.
Hà Nội đón làn sóng đầu tư từ Đức vào ngành nước
Là quốc gia nằm trong khối EU (đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam) , quan hệ kinh tế giữa Việt Nam - Đức ngày càng phát triển theo hướng bền vững. Đóng góp vào kết quả này không thể không kể đến Hà Nội - điểm hấp dẫn các nhà đầu tư EU nói chung và doanh nghiệp Đức nói riêng.
Theo ước tính, 2 tháng đầu năm 2019, theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, TP.Hà Nội đã thu hút 4,01 tỷ USD (gấp 36,3 lần so với cùng kỳ năm 2018 (110,8 triệu USD). Riêng với CHLB Đức, trong 2 tháng qua, hiện có 70 dự án có vốn đầu tư còn hiệu lực thực hiện tại TP.Hà Nội với tổng vốn đầu tư đăng ký 112,9 triệu USD. Con số này là không nhỏ so với tổng số khoảng 300 DN Đức đang hoạt động đầu tư vào Việt Nam.
Mới đây, ngày 14.3, tại buổi làm việc với nhà máy nước mặt sông Đuống, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định sự xuất hiện của Nhà máy nước mặt sông Đuống trên địa bàn TP đã đáp ứng sự mong mỏi của người dân trong nhiều năm, là cơ sở để thực hiện ý tưởng chuyển dần từ sử dụng nước ngầm sang nước mặt; chứng minh chủ trương kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này của thành phố là hướng đi đúng đắn.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.