Hà Nội cần tiếp tục tháo gỡ vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Nguyễn Phong Thứ năm, ngày 06/12/2018 11:18 AM (GMT+7)
Mặc dù kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu trên địa bàn TP Hà Nội đạt tỷ lệ 99,46% và cơ bản hoàn thành chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ đề ra, nhưng vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ.
Bình luận 0

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, đến nay, tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu trên địa bàn thành phố đạt 99,46% (1.543.587/1.551.951 thửa đất); cấp giấy xác nhận đăng ký đất đai lần đầu đạt 100%...

Tuy nhiên, việc cấp giấy chứng nhận với một số đối tượng khác vẫn đạt kết quả thấp. Đơn cử, toàn thành phố mới cấp giấy chứng nhận và đăng ký kê khai đất đai lần đầu cho các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đạt 23,42%...

img

Ngoài ra, số thửa đất phát sinh cần cấp giấy chứng nhận và kê khai đăng ký đất đai tăng 94.841 thửa, do các hộ chia tách thửa trong quá trình kê khai, đăng ký; giao đất dịch vụ; các thửa đất trong dự án phát triển nhà ở; khu tập thể cũ chưa bàn giao để cấp giấy chứng nhận... Đến nay, toàn thành phố mới cấp được giấy xác nhận đăng ký đất đai lần đầu cho 86.793/94.841 thửa đất tăng thêm.

Tại địa bàn huyện Đan Phượng, hiện vẫn còn 1.436 thửa đất chưa được cấp giấy chứng nhận, tập trung ở các xã: Thọ An, Song Phượng, Liên Hồng, Hạ Mỗ, Thọ Xuân, Tân Hội, thị trấn Phùng... với nguyên nhân như: Nhiều thửa có diện tích đất ở vượt hạn mức; thiếu thủ tục thừa kế; đất có biến động về chủ sử dụng, loại đất, diện tích đất qua các thời kỳ nhưng không có giấy tờ chứng minh...

Hay như huyện Thanh Oai, năm 2018 được thành phố giao chỉ tiêu cấp 2.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở lần đầu, nhưng đến thời điểm này, toàn huyện mới cấp được 955 giấy chứng nhận, số còn lại chưa cấp được do còn tranh chấp, chưa xác định được người đứng tên tài sản thừa kế…

img

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này, nhiều địa phương đang cố gằng tìm các giải pháp... Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết: "Huyện đang chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn tăng cường tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phấn đấu năm 2018 cấp được 1.500 giấy chứng nhận. Nhưng như vậy cũng chỉ đạt 75% kế hoạch thành phố giao".

Trong khi đó, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đan Phượng Nguyễn Đức Nam thông tin, địa phương cũng đang đề nghị sở, ngành chức năng và thành phố xem xét, công nhận để cấp giấy chứng nhận cho những trường hợp vượt hạn mức, đất ông cha để lại có diện tích lớn; những trường hợp được giao đất trái thẩm quyền, đã nộp tiền sử dụng, nhưng chưa xây nhà…

Nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trên địa bàn thành phố, mới đây, ngày 19-11-2018, UBND thành phố đã có Công văn 5658/UBND-ĐT, yêu cầu: Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành liên quan tiếp tục tập trung triển khai công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất; đồng thời, tổ chức đánh giá hiệu quả công tác cấp giấy chứng nhận theo 7 tiêu chí đã nêu tại Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 1-9-2016 của Thành ủy Hà Nội để làm cơ sở đánh giá kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem