TP. Hà Nội đã tiến hành xây dựng vùng rau an toàn (RAT) và dán tem nhận diện cho các sản phẩm RAT tại 2 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Đại Lan và Văn Khúc, xã Duyên Hà (Thanh Trì). Bước đầu, việc dán nhãn đã có hiệu quả, song hiện vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Giá tăng, dễ bán
Vụ trồng rau này, lần đầu tiêu chị Trần Thị Lan, đội 1 Đại Lan (xã Duyên Hà) được cấp tem để tự dán nhãn cho rau của mình. Được sự hỗ trợ của HTX, gia đình chị trồng 4 sào cà chua, 2 sào súp lơ theo mô hình sản xuất RAT, nhưng từ nhiều năm qua, do không có tem mác, nên rau của gia đình chị cũng chỉ bán được giá như rau bình thường, trong khi để trồng được RAT phải có sự chăm sóc kỹ thuật nhiều hơn.
|
Chị Phạm Thị Thủy đội 3 Đại Lan, xã Duyên Hà (Thanh Trì, Hà Nội) đang phân loại cà chua, đóng thùng để xuất bán. |
"Kể từ khi dán nhãn vào cà chua, súp lơ, việc tiêu thụ và bán nhanh hơn rất nhiều, giá cũng tăng cao hơn. Nhất là, mình có thể đàm phán giá với thương lái, mà không sợ bị họ ép nữa"- chị Lan cho biết. Ông Đặng Bá Thắng - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Đại Lan cho biết: "Với 56ha trồng RAT theo tiêu chuẩn VietGAP, từ đầu tháng 9, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội đã cấp cho HTX tem nhãn nhận diện RAT, đồng thời thành lập một đội gồm 6 người hàng ngày kiểm tra và dán tem cho người dân trước khi xuất bán"- ông Thắng cho biết thêm.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Anh - Phó phòng Kinh tế huyện Thanh Trì cho biết: "Toàn huyện có 600ha sản xuất rau, trong đó 106ha sản xuất RAT tập trung ở HTX Đại Lan và Văn Khúc (xã Duyên Hà) và HTX Yên Mỹ. Để triển khai việc sản xuất RAT, ở mỗi đầu bờ ruộng, Chi cục BVTV Hà Nội đã hỗ trợ cắm biển hướng dẫn với loại rau, củ, quả nào thì phun loại thuốc BVTV nào, vào thời gian nào".
Vi phạm sẽ thu hồi tem
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi việc thí điểm dán nhãn nhận diện RAT được triển khai, chỉ một số ít sản phẩm RAT ở Duyên Hà được cán bộ trực tiếp kiểm tra và dán tem, còn lại hầu hết là phát cho các hộ trồng RAT tem rồi tự dán.
Ông Thắng cho rằng: "Do thiếu người, hơn nữa đa số người dân ở đây vẫn chủ yếu bán lẻ, số lượng ít, nên rất khó phân công đủ người để kiểm tra việc dán tem". Theo ông Thắng, HTX đang gặp khó khi dán tem ở chỗ: Với những loại rau như su hào, bắp cải, súp lơ có thể dán tem vào cuống, nhưng các loại như rau ăn lá, đỗ… thì phải đóng vào thùng.
Vấn đề phát sinh là nếu dán vào thùng, khi bán hết có thể cho rau, đỗ… ở nơi khác vào bán, rất khó kiểm soát và ảnh hưởng đến uy tín của HTX. "Ngoài việc dán tem, cần có sự vào cuộc kiểm tra chặt chẽ của các cơ quan chức năng quản lý thị trường mới có thể chống được gian lận, trà trộn hàng kém chất lượng với RAT vào để bán của các lái buôn" - ông Thắng bày tỏ.
Hiện Hà Nội có 37 điểm phân phối RAT tại các tổ dân phố, khu dân cư, trung bình mỗi điểm tiêu thụ khoảng 100 - 120kg RAT/tuần.
Theo ông Nguyễn Hồng Anh - Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội, thành phố đang thí điểm dán tem nhận diện RAT ở 29 cơ sở thông qua các HTX, đồng thời thí điểm mỗi địa phương chọn 20 hộ tiêu biểu để phát tem cho người dân tự dán, nhưng vẫn chịu sự kiểm soát của Chi cục BVTV.
"Một số sản phẩm RAT chưa được dán tem vì việc đóng thùng, bao bì không đảm bảo niêm phong, nếu dán vào thành thùng, khi bóc ra tem không bị hỏng sẽ rất dễ bị lợi dụng. Vừa qua, Chi cục kiểm tra phát hiện 2 cơ sở vi phạm nên đã thu hồi tem"- ông Hồng Anh nói.
Việt Tùng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.