Hà Nội có giải pháp "rắn" chấn chỉnh cán bộ có tâm lý "không làm thì không sai"

Bách Thuận Thứ tư, ngày 14/06/2023 18:35 PM (GMT+7)
Hà Nội vừa đưa ra giải pháp cứng rắn trong trường hợp có cán bộ đùn đẩy, sợ trách nhiệm.
Bình luận 0

Trong dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong xử lý công việc của các cấp ủy, địa phương, đơn vị thuộc TP.Hà Nội" được Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo trình bày, xin ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hà Nội tại Hội nghị lần thứ mười ba, khai mạc ngày 14/6 có nội dung sẽ kiên quyết, kịp thời thay thế, điều chuyển không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi nghỉ hưu đối với những cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, năng lực yếu, không chấp hành nghiêm sự chỉ đạo, điều hành của cấp trên, có biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm.

Hà Nội sẽ làm rắn nếu cán bộ có tâm lý "không làm thì không sai" - Ảnh 1.

Dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong xử lý công việc của các cấp ủy, địa phương, đơn vị thuộc TP.Hà Nội" thể hiện, Hà Nội sẽ kiên quyết thay thế, điều chuyển cán bộ đùn đẩy, sợ trách nhiệm. Ảnh: HNM

Đây là một trong những nhiệm vụ được nêu trong dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.

Theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, xác định kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm là hàng đầu, 3 năm liền (2021-2023), TP.Hà Nội đã lựa chọn và tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ đề công tác năm là "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển".

Qua đó, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên tiếp tục được nâng lên; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị được tăng cường.

Tuy nhiên, vẫn còn một số mặt hạn chế về kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống chính trị.

Theo đó, việc chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền của một số cơ quan, đơn vị và một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa nghiêm; nhiều công việc nêu trong nghị quyết, chỉ thị, chương trình công tác, chương trình hành động, kế hoạch, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành được thực hiện thiếu quyết liệt, chưa đúng tiến độ, chất lượng chưa đạt yêu cầu.

Có lúc, có nơi kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ chưa nghiêm, cá biệt có nơi buông lỏng; vai trò, trách nhiệm, năng lực của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị còn yếu kém, thiếu quyết liệt, thiếu sâu sát, sa đà vào công việc có tính sự vụ, thiếu tầm nhìn, tư duy chiến lược; chưa đổi mới, sáng tạo…

Hà Nội sẽ làm rắn nếu cán bộ có tâm lý "không làm thì không sai" - Ảnh 2.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến trình bày tờ trình lấy ý kiến đại biểu về dự thảo Báo cáo sơ kết 2 năm thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP.Hà Nội. Ảnh: TP.HN

Theo dự thảo Chỉ thị, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng được yêu cầu công việc theo vị trí việc làm; có tâm lý "bàn lùi", "không làm thì không sai"; không dám tham mưu, đề xuất, thậm chí không dám quyết định những nội dung công việc thuộc thẩm quyền; tìm cách đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc chuyển ngang sang cơ quan, đơn vị khác; thiếu chủ động trong tham mưu hoặc tham mưu "lòng vòng", không nêu rõ quan điểm...

Một số cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện nhũng nhiễu, phiền hà, tiêu cực trong giải quyết công việc của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Những hạn chế này đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của TP.Hà Nội.

Để khắc phụ những tồn tại này, 6 nhiệm vụ được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đưa ra và yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện. Trong đó Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội sẽ yêu cầu thực hiện tốt phương châm các việc cấp bách phải được giải quyết ngay; các vấn đề lớn, khó, phức tạp, nhạy cảm được tập thể bàn bạc kỹ, thấu đáo trước khi quyết định; chủ động dự báo tình hình, sâu sát cơ sở, tập trung ưu tiên giải quyết công việc nổi cộm, bức xúc, cấp bách mà thực tiễn đặt ra...

Đồng thời sẽ chỉ đạo tăng cường sự kiểm tra, giám sát của cấp ủy tổ chức Đảng, thanh tra công vụ của cơ quan nhà nước; nâng cao tần suất, mật độ kiểm tra đột xuất về thực hiện các thủ tục hành chính, về chấp hành quy định giờ giấc làm việc, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tiêu cực và vi phạm khác; quyết tâm nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, coi đây là "thước đo" đánh giá hiệu quả, chất lượng hoạt động của các cơ quan, đơn vị.

Trình bày tờ trình lấy ý kiến đại biểu về dự thảo Báo cáo sơ kết 2 năm thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP.Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, qua 2 năm vận hành, mô hình chính quyền đô thị đã bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực.

Theo đó, từ ngày 1/7/2021, TP.Hà Nội chính thức tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại 175 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây. Sau 2 năm thực hiện thí điểm, mô hình chính quyền đô thị tại TP.Hà Nội bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, các nội dung thí điểm được triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, cơ bản đảm bảo các mục tiêu, mục đích, tiến độ đề ra; tạo sự chuyển biến rõ rệt, có bước đột phá trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở với nhiều kết quả nổi bật.

Việc vận hành mô hình chính quyền đô thị cơ bản diễn ra thuận lợi, hiệu quả, mang lại sự hài lòng cho người dân khi tới làm thủ tục hành chính thông qua việc ủy quyền chứng thực.

Các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn bộ máy, ban hành và thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc, vận hành bộ máy bình thường, chưa phát sinh khó khăn, vướng mắc lớn. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy và công tác cán bộ tại các phường đã đảm bảo phù hợp với vị trí việc làm, năng lực chuyên môn.

Công tác sắp xếp, bố trí công tác và giải quyết các chế độ chính sách đối với Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND phường sau sắp xếp, kiện toàn được thực hiện đúng quy định; không có đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Việc tổ chức bộ máy chính quyền tại phường được tinh gọn nhưng vẫn đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tổ chức bộ máy chính quyền trong khu vực các quận đã gọn nhẹ hơn, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn.

Cùng với đó, phương thức hoạt động của UBND thay đổi theo hướng tích cực góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiệu quả hoạt động của bộ máy được nâng lên.

Công tác kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, đặc biệt là sắp xếp nhân sự lãnh đạo HĐND các cấp là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách để vận hành tổ chức bộ máy của HĐND các cấp trong điều kiện thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem