"Hà Nội cứ mưa là ngập" vì quay lưng với những dòng sông?

Hoàng Nhật Chủ nhật, ngày 30/07/2017 14:39 PM (GMT+7)
Hoạt động thoát nước trong nội thành Hà Nội vẫn phụ thuộc vào dòng chảy tự nhiên của sông Kim Ngưu. Nếu khơi thông dòng chảy sông Kim Ngưu, cộng thêm hệ thống hồ điều hòa ở những lưu vực khác nhau sẽ giúp giải quyết cơ bản vấn đề điều tiết, tiêu thoát nước mỗi khi Hà Nội xuất hiện mưa lớn.
Bình luận 0

img

Hà Nội cứ mưa là ngập. (Ảnh: Zing)

Phố mới ngập nặng hơn phố cổ

Những trận mưa kéo dài khiến nhiều con đường, tuyến phố Hà Nội ngập sâu trong nước. Đáng chú ý, những khu vực, tuyến phố mới xây dựng thì lại càng ngập nặng, sâu và lâu.

Cụ thể, các khu đô thị mới như Văn Quán, Văn Phú, Dương Nội thuộc địa bàn quận Hà Đông đều là “điểm đen” về úng ngập. Sau mỗi trận mưa lớn, nước rút chậm, thậm chí có nơi phải đến 3, 4 ngày sau mới rút hết. Trong khi đó, tình trạng ngập úng tại những khu phố cổ lại không quá nghiêm trọng bởi nước rút khá nhanh sau mỗi trận mưa lớn.

Từng có thời gian dài sinh sống tại những khu vực thuộc quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng (Hà Nội). Kiến trúc sư Trần Huy Ánh cho biết, dù xảy ra ngập úng liên miên, nhưng ông may mắn không phải chịu cảnh ngập úng như nhiều người khác.

img

KTS Trần Huy Ánh cho rằng tình trạng ngập úng tại những khu phố cổ không quá nghiêm trọng do hệ thống thoát nước được thừa hưởng từ người Pháp. (Ảnh: Hoàng Thắng)

KTS Trần Huy Ánh phân tích: “Điều đó chứng minh rằng mình chúng ta được thừa hưởng một sản phẩm của quá trình phát triển đô thị có tổ chức, có nghiên cứu nghiêm túc từ người Pháp. Trong quá trình đô thị hóa, những khu vực này cũng không chịu tác động lớn do tầm nhìn của người quy hoạch rất xa.

Ngay cả những dự án cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp đều dựa trên nền tảng này. Họ có thể can thiệp không nhiều, nhưng hiệu quả vẫn rất tốt. Những phu phố cổ vẫn có lúc ngập úng, ví dụ khu vực Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ hay cửa ga Hà Nội, trục đường Trần Hưng đạo cũng có ngập úng nhưng tiêu thoát rất nhanh.

Còn các khu đô thị mới có tình trạng chung là quá trình thực hiện, triển khai quy hoạch chắp vá và không có sự kiểm soát. Vậy nên, vấn đề ngập úng tất yếu sẽ tới. Những khu vực ngày hôm nay chưa bị ngập úng tôi cho rằng do may mắn chứ không phải do khả năng quy hoạch đâu. Ví dụ, người xây sau xây nền cao hơn người xây trước, dồn hết nước cho khu vực làm trước. Quá trình này vẫn liên tục diễn ra. Người hôm nay không bị ngập, rất có thể ngày mai sẽ không thoát cảnh ngập úng”.

Theo ông Ánh, quy hoạch đô thị hiện nay chia theo địa bàn, tư duy quy hoạch manh mún, quá trình triển khai quy hoạch lại chắp vá nên không thể giải quyết triệt để vấn đề của một đô thị với hàng triệu dân.

Hiện tại, Hà Nội đang thiếu kịch bản, chiến lược thoát nước bài bản, có kiểm soát. Các khu đô thị sẽ phải đối mặt với vấn đề ngập úng lâu dài khi khí hậu ngày càng khó khăn, khắc nghiệt hơn.

Ngoài ra, nền của các khu đô thị mỗi nơi một mức, nên nước sẽ chảy từ khu này sang khu kia. Quy luật thoát nước là từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây nhưng kịch bản để vận dụng dòng chảy tự nhiên một cách hiệu quả thì hiện chưa có.

Đừng quay lưng với những dòng sông

img

Hoạt động thoát nước trong nội thành Hà Nội vẫn phụ thuộc vào dòng chảy tự nhiên của sông Kim Ngưu. (Ảnh: I.T)

Trong những ngày xảy ra mưa lớn, khu vực Tây sông Tô Lịch đến sông Nhuệ có khá nhiều điểm ngập cục bộ. Thêm vào đó, việc xây dựng hệ thống hồ điều hòa mới chỉ nằm trên giấy hoặc đang rục rịch thực hiện theo sau nên nước mưa sau khi đổ xuống không biết thoát đi đâu.

KTS Trần Huy Ánh cho biết: Tới bây giờ hoạt động thoát nước trong nội thành Hà Nội vẫn phụ thuộc vào dòng chảy tự nhiên của sông Kim Ngưu. Mực nước trên sông Kim Ngưu chênh lệch từ chỗ cao nhất là 8 mét tới chỗ thấp nhất là 4 mét, tới gần 4 mét nước. Đây vẫn là dòng sông chủ lực để thoát nước. Nếu chúng ta khơi thông dòng chảy, sẽ giải quyết được những vấn đề cơ bản. Cộng thêm hệ thống hồ điều hòa ở những lưu vực khác nhau giúp điều tiết nước.

"Năm 2008, chúng ta phải đối mặt với tình huống toàn bộ sông đều ngập, đương lượng nước lên tới 23 triệu mét khối. Việc điều tiết nước hoàn toàn phụ thuộc vào trạm bơm Yên Sở. Đây là điều rất nguy hiểm, một thành phố không thể chỉ có một phương án thoát nước được”, KTS Trần Huy Ánh đánh giá.

Theo ông Ánh, các thành phố lớn ở Đông Nam Á như Manila, Jakarta, Bangkok đều có dòng sông chảy qua. Có thể nói chính dòng sông đã sinh ra thành phố, giúp thành phố phát triển, rồi lại gánh những nhiệm vụ hạ tầng, cấp – thoát nước cho thành phố.

Qua mỗi thời kỳ khác nhau, dòng sông đó đục ngầu, bẩn thỉu, ô nhiễm hay không, đó chính là bản chất của xã hội vào thời kỳ đó. Jakarta, Manila đều từng có bất ổn chính trị, sản phẩm của nó chính là những vấn đề bất ổn của đô thị.

Vậy nên, việc cải tạo dòng sông Kim Ngưu để cải thiện thoát nước là việc đương nhiên phải làm. Không chỉ để thoát nước mà còn để đóng góp vào cảnh quan, giao thông thủy, môi sinh… Đừng chỉ biến dòng sông thành cái cống, đó là cách làm cũ kỹ, đơn giá trị, cần xem lại.

“Một tài sản lớn của thành phố, được đầu tư hàng triệu USD phải đóng góp nhiều hơn, tích cực hơn sinh động hơn thì chính nó mới sống. Ngoài ra, thoát nước là phải thoát nước sạch, chứ không phải thoát nước cống. Nếu biến dòng sông thành cái cống là có tội, gây ra ô nhiễm môi trường trải dài trên 17 km thay vì khu trú tại một khu vực nào đó.

Ngoài thoát nước, còn có vấn đề môi trường, cảnh quan đô thị. Dòng sông phải đóng góp nhiều hơn cho cư dân thành phố, từ đó mới thu hút thêm nhiều nguồn lực, để tiếp tục sống và gánh vác nhiệm vụ thoát nước”, ông Ánh nhấn mạnh.Trong khi đó, PGS.TS Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường cho biết, Hà Nội là thành phố của sông hồ. Nhưng hệ thống thoát nước của Hà Nội lại là thoát nước chung gồm cả nước mưa, nước thải.

Ông Hạ nói: Hà Nội đã có nhiều dự án về xử lý nước thải, tuy nhiên kinh phí của ta còn hạn chế nên chưa tách được nước thải vào nhà máy xử lý nước thải riêng.

Ví dụ ở sông Kim Ngưu, sông Tô Lịch, hiện đã có dự án xử lý nước sạch Yên Xá (lưu vực từ Nam Hồ Tây đến tim của Linh Đàm; công suất 270.000m3/ngày đêm). Trong quy hoạch thoát nước Hà Nội đã đề cập đến 1 nhà máy đưa nước từ sông Hồng đưa vào sông Tô Lịch. Chúng ta cũng đang có nhiều dự án thực hiện xử lý...

"Thử hình dung, cả lưu vực sông Tô Lịch khoảng 6ha. Cống ngầm đặt sâu phía dưới, công suất 200.000 m3/ngày đêm... thì mức đầu tư rất lớn, khổng lồ - trong khi kinh phí vẫn đang thiếu. Những dự án thành phần nhằm xử lý triệt để vấn đề dòng chảy của 2 con sông Tô Lịch, Kim Ngưu nói riêng, hệ thống sông ngòi ở Hà Nội nói chung, chưa được thực hiện vì thiếu vốn. Đây là nguyên nhân 2 con sông nêu trên vẫn chưa được xử lý vấn đề dòng chảy dù đã được kè, cải tạo phần nào”, PGS Trần Đức Hạ nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên hiệu trưởng ĐH Xây dựng Hà Nội cho rằng, các hồ, giếng chứa nước, hệ thống cống thoát nước dọc theo các phố cần được nạo vét thường xuyên để tạo độ chênh dòng chảy, khi xảy ra ngập nước sẽ tiêu thoát tốt hơn, bởi thực tế nước thải đã đầy cống, thêm nước mưa chắc chắn là tắc cống.


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem