Hà Nội đã "phủ sóng" vaccine, "đếm" số ca mắc còn cần thiết?

Gia Khiêm Thứ hai, ngày 17/01/2022 12:57 PM (GMT+7)
Chuyên gia y tế cho rằng, hiện nay, số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội đã rất nhiều, không nên coi toàn bộ những người mắc này là bệnh nhân, mà chỉ tập trung vào những trường hợp có triệu chứng nặng để tập trung điều trị.
Bình luận 0

Không nên coi F0 là bệnh nhân nữa

Nửa tháng qua, Hà Nội ghi nhận trên 2.000 ca mắc mỗi ngày, những ngày gần đây con số đó duy trì xấp xỉ 3.000 ca. Hiện toàn thành phố có hơn 50.000 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly. 

Trong đó, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (135), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (219), tại các bệnh viện của Hà Nội là (3.490), cơ sở thu dung điều trị thành phố (1.261), cơ sở thu dung quận, huyện (5.516), theo dõi cách ly tại nhà (39.567). Tổng số người tử vong do Covid-19 từ ngày 29/4 đến nay là 351 người.

Hà Nội phủ sóng vaccine nên ưu tiên công bố ca nguy kịch thay vì "đếm" số ca mắc? - Ảnh 1.

Biệt đội "ATM Oxy" hỗ trợ F0 điều trị tại nhà tại phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Bên cạnh đó, toàn thành phố đã đạt 99,6% người trên 18 tuổi tiêm mũi 1, 99,2% mũi 2 và đang tiếp tục thực hiện các mũi bổ sung cũng như mũi nhắc lại. 

Hà Nội phủ sóng vaccine nên ưu tiên công bố ca nguy kịch thay vì "đếm" số ca mắc? - Ảnh 2.

Bác sĩ điều trị cho Bệnh nhân F0 nặng tại Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Gia Khiêm

Trong bối cảnh tình hình mới hiện nay, khi toàn thành phố đã "phủ sóng" vaccine, đa số ca mắc ở dạng không triệu chứng và nhẹ, theo một số chuyên gia, nên ưu tiên công bố những ca mắc nguy kịch và khả năng đáp ứng của hệ thống y tế. Cũng không cần thiết lúc nào cũng công bố số ca mắc khiến người dân hoang mang. Con số ca mắc chỉ cần Bộ Y tế nắm để quản lý chung.

Cụ thể, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, hiện nay số ca mắc Covid-19 đã rất nhiều, không nên coi toàn bộ những người mắc này là bệnh nhân, mà chỉ tập trung vào những trường hợp có triệu chứng nặng, phải chữa trị tích cực.

Hà Nội phủ sóng vaccine nên ưu tiên công bố ca nguy kịch thay vì "đếm" số ca mắc? - Ảnh 3.

Bác sĩ thực hiện mở khí quản cho bệnh nhân Covid-19 nặng. Ảnh: Gia Khiêm

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, hiện Hà Nội đã không còn kiểm đếm được số ổ dịch mà chủ yếu nêu theo địa bàn phường, xã. Tuy nhiên, khi đã tiêm đủ số mũi vaccine, chủ yếu các ca bệnh có triệu chứng nhẹ, không nên quá chú ý đến số ca mắc mới mà cần tập trung vào số ca nặng, phải điều trị tích cực để giảm tử vong. Đặc biệt, nên chú ý tới các trường hợp người già, người có bệnh nền, trẻ em.

"Theo tôi trong bối cảnh hiện nay, tiêu chí đánh giá dịch tại Hà Nội nên căn cứ vào số ca nặng, ca tử vong, thứ 2 khả năng hệ thống y tế, tỉ lệ tiêm chủng thay vì cứ mãi đếm ca mắc. Không nên coi F0 là bệnh nhân nữa. Số lượng người mắc Covid-19 hiện rất nhiều, chủ yếu là thể nhẹ và không có triệu chứng. Họ như người bình thường", ông Nga nhấn mạnh.

Hà Nội phủ sóng vaccine nên ưu tiên công bố ca nguy kịch thay vì "đếm" số ca mắc? - Ảnh 4.

Số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội những ngày qua. Ảnh: CDC Hà Nội

Ông Nga cũng nêu, tất nhiên, khi lượng bệnh nhân càng tăng cao thì tỷ lệ các trường hợp nặng cũng tăng lên. Từ thực tế đó, ông cho rằng hệ thống y tế nên tập trung vào những người có triệu chứng, bị nặng để điều trị tích cực, giảm tử vong. Khi Hà Nội quá tải, các bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện dã chiến cần hỗ trợ, vào cuộc.

 Dồn lực điều trị F0 nặng, nguy kịch 

Đồng quan điểm trên, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19, Đại học Y Hà Nội cho rằng việc "đếm" ca mắc Covid-19 "không còn cần thiết, Hà Nội cần tập trung vào ca bệnh nặng". 

Hà Nội phủ sóng vaccine nên ưu tiên công bố ca nguy kịch thay vì "đếm" số ca mắc? - Ảnh 5.

PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19, Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Cụ thể, ông Hải cho biết, tình hình dịch ngày càng căng thẳng hơn do số F0 ngày càng nhiều. Tuy nhiên, đa số người dân đều đã được tiêm vaccine nên số ca chuyển nặng ít hơn.

Một số nhà dịch tễ khuyên không làm tràn lan nữa, nên tập trung ca nặng, ca có nguy cơ để đưa vào viện thay vì ngồi đếm số ca. Giai đoạn hiện nay, việc đếm số ca với Hà Nội không còn cần thiết nữa. Phát hiện những người có triệu chứng để có biện pháp khuyên ở nhà, khi trở thành F0 điều trị ở nhà theo các gói thuốc Sở Y tế cung cấp", ông Hải nêu.

Ông cũng cho rằng nên có nhiều đội y tế lưu động, y tế phường, y tế khu phố để phát hiện chuyển nặng và đưa lên tuyến trên kịp thời. Cùng với đó, Hà Nội nên chú trọng phương tiện vận chuyển F0. Thời gian gần đây, tình trạng người bệnh chờ lâu, phương tiện quá tải, người bệnh sốt ruột chủ yếu do các cơ sở y tế vừa vận chuyển F0 đến cơ sở thu dung, vừa vận chuyển ca bệnh nặng dẫn đến quá tải.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cũng cho rằng, thời điểm này Hà Nội không nên quan tâm nhiều đến số ca hôm nay bao nhiêu, mà cần quan tâm số ca nặng bao nhiêu, tử vong bao nhiêu và lý do tử vong là gì.

"Chúng ta nên phân tích tử vong ở đối tượng nào, đã tiêm vaccine hay chưa, có phải tử vong do tiếp cận y tế muộn, điều trị muộn hay không? Từ những phân tích đó để điều chỉnh đưa việc mắc Covid-19 trở thành bệnh không gây chết người, chứ không tránh được việc ca nhiễm tăng. Người triệu chứng nặng đã tiêm vaccine, tỉ lệ tử vong thấp. Thực tế tại Hà Nội tỉ lệ tử vong thấp, hiện không đáng ngại lắm", ông Hùng thông tin thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem