Hà Nội - Điểm hẹn văn hóa quốc tế: Các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, định vị thương hiệu (Bài 3)

Hà Tùng Long Thứ sáu, ngày 04/08/2023 09:32 AM (GMT+7)
Để Hà Nội đúng nghĩa là "điểm hẹn văn hóa quốc tế" đáng đến thì cần phải khắc phục nhiều điểm nghẽn và thay đổi cách thức quảng bá văn hóa ra thế giới.
Bình luận 0

Cần sớm tháo gỡ các điểm nghẽn, chuyên nghiệp về mặt tổ chức

Nếu lấy mốc 2011, khi các ban nhạc nổi tiếng thế giới như: Backstreet Boys, Westlife… đến Việt Nam, chọn Hà Nội làm điểm dừng chân trong tour biểu diễn tại Châu Á thì Hà Nội đã là "điểm hẹn văn hóa quốc tế" đáng tin cậy trong bản đồ lưu diễn của các ngôi sao đẳng cấp thế giới. Từ đó đến nay, Hà Nội đã đón chào rất nhiều nghệ sĩ, nhóm nhạc nổi tiếng đến biểu diễn trong các chương trình âm nhạc quy mô khác nhau.

Sự kiện "BlackPink concert in Vietnam" của nhóm nhạc BlackPink vừa qua lại thêm một lần nữa khẳng định năng lực tổ chức các sự kiện văn hóa, âm nhạc tầm cỡ quốc tế của Thủ đô đã khác. Bên cạnh những thay đổi về chính sách, thủ tục, nguồn lực, địa điểm biểu diễn… thì tâm thế của Thủ đô Hà Nội – thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO cũng đã khác. Năng động, sáng tạo, sẵn sàng hội nhập về văn hóa và luôn tạo mọi động lực để văn hóa phát triển.

Hà Nội - Điểm hẹn văn hóa quốc tế: Các giải pháp để Hà Nội tháo gỡ điểm nghẽn, định vị thương hiệu (Bài 3) - Ảnh 1.

Sân vận động Mỹ Đình - nơi thường diễn ra những show âm nhạc lớn. Ảnh: TL.

Tuy nhiên, để Hà Nội đúng nghĩa là "điểm hẹn văn hóa quốc tế" đáng đến thì cần phải khắc phục nhiều điểm nghẽn trong thể chế, chính sách, phương thức tiến hành và thay đổi cách thức quảng bá văn hóa ra thế giới.

Trao đổi với Dân Việt, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng: "Muốn Hà Nội thực sự là điểm hẹn văn hóa nghệ thuật, là nơi thu hút nhiều hơn nữa các nghệ sĩ, ban/nhóm nhạc quốc tế tôi nghĩ chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm. Điều cần thiết nhất hiện nay là làm sao để giới giải trí thế giới thấy được Hà Nội, Việt Nam thực sự là một mảnh đất màu mỡ, khán giả Việt Nam luôn nồng nhiệt, dồi dào; đất nước Việt Nam cởi mở, thông thoáng; con người Việt Nam thân thiện, mến khách.

Những điều này tôi biết chúng ta đã và đang không ngừng nỗ lực để đạt được và đã có những thành công nhất định, nhưng vẫn còn những tồn tại cần giải quyết. Chẳng hạn như show Blackpink vừa rồi có nhiều vướng mắc, từ những lùm xùm nhà tổ chức cho đến bản quyền rồi bán vé… Tất cả những vấn đề này cần được xem xét và xử lý ngay từ những khâu khởi động đầu tiên. May mắn, sau những lùm xùm show diễn không bị hủy, nếu hủy thì có lẽ trong mắt nhà tổ chức quốc tế, cơ quan chức năng ngành văn hóa của chúng ta sẽ bị một điểm trừ lớn. Sẽ khó để tiếp tục thu hút các nhà tổ chức show thế giới.

Qua đây cũng cần nhìn nhận như một dịp để rút kinh nghiệm, mặt mạnh tiếp tục phát huy, quảng bá rộng để thu hút nhiều nhà tổ chức quốc tế khác nữa vào Việt Nam, một mặt những điểm nào chưa được trong quản lý, vận hành thì ta quyết liệt sửa chữa; vấn đề bản quyền cũng cần rõ ràng về chức năng và quyền hạn của cơ quan quản lý văn hóa".

Trong khi đó, PGS.TS Phạm Quang Long – nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội cũng bày tỏ với Dân Việt rằng, bất kỳ sự việc nào cũng có hai mặt của một vấn đề. Các nghệ sĩ, ban/nhóm nhạc nổi tiếng thế giới đến Hà Nội, Việt Nam thì cũng giúp chúng ta hiểu được họ như thế nào và thị hiếu âm nhạc của chúng ta ra sao. Ngoài ra, chúng ta cũng chứng thực và kiểm định được năng lực tổ chức đối với những chương trình âm nhạc tầm cỡ quốc tế của chúng ta như thế nào.

"Qua 2 đêm biểu diễn của nhóm nhạc BlackPink ở sân vận động Mỹ Đình vừa qua, chúng ta đã nhìn thấy được cả cái được và lỗ hổng của chúng ta. Phát triển văn hóa để khơi dậy niềm đam mê tích cực trong lớp trẻ là rất cần thiết nhưng cũng cần phải khắc phục những thiếu hụt trong cách làm văn hóa. Tôi nghĩ rằng, chúng ta cần phải có những quy định rất rõ ràng để bất kỳ một nghệ sĩ, ban/nhóm nhạc hay đoàn phim nào khi đến Việt Nam biểu diễn, quay phim phải tôn trọng chủ quyền, tôn trọng truyền thống, tôn trọng tập quán, tôn trọng đạo đức và không làm ảnh hưởng đến tình hữu nghị giữa các dân tộc", PGS.TS Phạm Quang Long nói.

PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam chia sẻ với Dân Việt, để thu hút được các dự án điện ảnh của quốc tế, Hà Nội cần có những định hướng lớn và cơ chế, chính sách để khuyến khích điện ảnh,  gắn phát triển ngành công nghiệp điện ảnh với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô; xây dựng các chính sách phát triển công nghiệp điện ảnh và các ngành nghệ thuật và công nghiệp liên quan.

Hà Nội - Điểm hẹn văn hóa quốc tế: Các giải pháp để Hà Nội tháo gỡ điểm nghẽn, định vị thương hiệu (Bài 3) - Ảnh 2.

Cảnh hai diễn viên uống trà đá vỉa hè, ăn thịt xiên nướng ở Hà Nội trong phim "A Tourist’s Guide To Love". Ảnh chụp màn hình.

"Hợp tác làm phim với nước ngoài sẽ thúc đẩy công nghiệp điện ảnh phát triển, nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm điện ảnh và các ngành dịch vụ liên quan, tạo nguồn thu lớn, đồng thời quảng bá hữu hiệu hình ảnh thành phố Hà Nội và góp phần phát triển du lịch. Hà Nội, bên cạnh bề dày lịch sử, phong phú di tích, chiều sâu văn hóa, truyền thống anh hùng, nhịp sống năng động, ẩm thực đa dạng… một kho đề tài quý giá cho điện ảnh thì chính sách quan trọng nhất để thu hút các hãng phim nước ngoài đến quay phim là ưu đãi sản xuất phim. 

Theo kinh nghiệm quốc tế, đa số các quốc gia và vùng lãnh thổ đã và đang xây dựng các chương trình ưu đãi sản xuất phim ngày một hấp dẫn và hoàn thiện hơn, với mức hoàn tiền trung bình ở mức 20%- 25% chi phí sản xuất tại địa phương. Hà Nội nên căn cứ vào điểm mới trong Luật Điện ảnh 2022 để quan tâm, xây dựng và triển khai chính sách này. Ngoài ra, Hà Nội cũng cần có biện pháp phù hợp và hiệu quả cho việc sản xuất phim bởi yếu tố cốt lõi của việc phát triển công nghiệp điện ảnh là sản xuất ra sản phẩm chất lượng- nghĩa là làm ra những bộ phim tốt và hay, được công chúng đón nhận", PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú nhận định.

Các giải pháp để Hà Nội thật sự là "điểm hẹn văn hóa quốc tế"

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, để thu hút nhiều hơn các nghệ sĩ, ban/nhóm nhạc, các đoàn phim và dự án văn hoá vào Hà Nội để tổ chức biểu diễn và quay phim, Hà Nội cần tập trung vào đầu tư vào cơ sở hạ tầng và trang thiết bị. Hà Nội cần cải thiện cơ sở hạ tầng và trang thiết bị để thuận lợi cho việc tổ chức các buổi diễn, quay phim. Các sân khấu, phòng thu, phòng biểu diễn cần được trang bị hiện đại và đầy đủ tiện ích. Ngoài ra, cần có sự đầu tư vào hệ thống âm thanh, ánh sáng, đèn mờ, và các thiết bị kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu của các ban nhạc, đoàn phim và dự án văn hoá.

Hà Nội - Điểm hẹn văn hóa quốc tế: Các giải pháp để Hà Nội tháo gỡ điểm nghẽn, định vị thương hiệu (Bài 3) - Ảnh 3.

Không gian đi bộ ở Hồ Gươm - Hà Nội. Ảnh: TL.

Thứ hai là cần đưa ra các chính sách thu hút và khuyến khích các dự án văn hoá đến Hà Nội. Cụ thể, có thể giảm thuế hoặc cung cấp các khoản tài trợ và hỗ trợ tài chính cho các nhóm nghệ sĩ, đoàn phim, và dự án văn hoá. Chính sách hỗ trợ này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nghệ sĩ và nhà sản xuất nhằm thu hút họ đến Hà Nội.

Thứ ba là Hà Nội cần tạo ra một môi trường sáng tạo, nơi các nghệ sĩ và nhà sản xuất có thể phát triển ý tưởng và thực hiện dự án của mình. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc xây dựng các trung tâm nghệ thuật, không gian làm việc chung, và tổ chức các sự kiện và cuộc thi để khuyến khích sáng tạo và sự giao lưu giữa các nghệ sĩ.

Thứ tư là Hà Nội cần tăng cường quảng bá hình ảnh với cộng đồng quốc tế và cả ở trong nước để tăng cường nhận thức về tiềm năng và các cơ hội tổ chức biểu diễn, quay phim tại thành phố. Việc tạo ra một hình ảnh thu hút và đa dạng về văn hoá và nghệ thuật của Hà Nội sẽ thu hút sự quan tâm và chú ý của các ban nhạc, đoàn phim và các dự án văn hoá quốc tế.

Thứ năm là Hà Nội có thể cung cấp hỗ trợ và đào tạo cho các nghệ sĩ địa phương để nâng cao trình độ và kỹ năng của họ, giúp tạo ra một đội ngũ nghệ sĩ chất lượng cao có thể thu hút sự quan tâm của các nhà sản xuất và đội ngũ quốc tế.

"Những yếu tố trên sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi và hấp dẫn cho các nghệ sĩ, ban/nhóm nhạc, đoàn phim và dự án văn hoá quốc tế đến Hà Nội. Tôi rất mong rằng, việc sửa đổi Luật Thủ đô lần này sẽ giúp thể chế hóa, tạo hành lang pháp lý cho những giải pháp trên vì có những việc nằm ngoài thẩm quyền của chính quyền thành phố", PGS.TS Bùi Hoài Sơn bày tỏ.

Hà Nội - Điểm hẹn văn hóa quốc tế: Các giải pháp để Hà Nội tháo gỡ điểm nghẽn, định vị thương hiệu (Bài 3) - Ảnh 4.

Tiến sĩ Daisy Kanagasapapathy cho rằng, Hà Nội nên tận dụng triệt để cơ hội mà các buổi biểu diễn của các nghệ sĩ, ban/nhóm nhạc quốc tế mang lại để thúc đẩy du lịch âm nhạc. Ảnh: TL.

Tương tự, Tiến sĩ Daisy Kanagasapapathy, Giảng viên ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam cũng cho rằng, Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung với di sản văn hóa phong phú và ngành du lịch đang phát triển nhanh chóng, có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch âm nhạc. Sự hòa trộn độc đáo giữa các thể loại âm nhạc truyền thống và hiện đại của Việt Nam đem đến cho người yêu âm nhạc một bức tranh khác biệt để khám phá và thưởng lãm. Thêm vào đó, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, những thành phố sôi động và tấm lòng hiếu khách ấm áp của người dân Hà Nội, Việt Nam dựng nên phông nền hoàn hảo cho các hoạt động du lịch âm nhạc.

"Âm nhạc là ngôn ngữ toàn cầu và mọi người đi du lịch để giải trí. Chính vì vậy, du lịch âm nhạc đang dần trở thành một công cụ phổ biến để phát triển du lịch trên toàn thế giới. Tập trung vào du lịch âm nhạc có thể giúp Hà Nội thu hút nhiều du khách, giống như cách làm của các quốc gia châu Á khác như: Malaysia, Hồng Kông, Ấn Độ, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan. Bằng việc quảng bá di sản âm nhạc và nền âm nhạc sôi động một cách chiến lược, Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung có thể thu hút làn sóng khách du lịch mới tìm kiếm trải nghiệm văn hóa kết hợp giải trí. Hợp tác với các nhạc sĩ địa phương, thúc đẩy phát triển tài năng và giới thiệu các thể loại âm nhạc đa dạng có thể định vị Hà Nội là điểm đến không thể bỏ qua cho các tín đồ âm nhạc", Tiến sĩ Daisy Kanagasapapathy nhấn mạnh.

Theo Tiến sĩ Daisy Kanagasapapathy, sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý du lịch, các đơn vị tổ chức sự kiện và doanh nghiệp địa phương là rất quan trọng. Tạo ra các gói du lịch toàn diện kết hợp vé xem biểu diễn với lịch trình du lịch phù hợp sẽ thu hút khách du lịch âm nhạc tham quan khám phá đất nước chứ không chỉ đến để xem biểu diễn. Quảng bá các điểm tham quan địa phương, chẳng hạn như các địa danh văn hóa, trải nghiệm ẩm thực và kỳ quan thiên nhiên, bên cạnh buổi diễn sẽ mang đến một trải nghiệm du lịch toàn diện và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch.

Nâng cao hạ tầng giao thông và kết nối cũng thiết yếu. Đảm bảo lựa chọn du lịch đến Việt Nam cũng như trong lãnh thổ Việt Nam thuận tiện và đáng tin cậy, bao gồm các đường bay quốc tế và hệ thống giao thông trong nước hiệu quả, sẽ tạo điều kiện sắp xếp chuyến đi liền mạch thuận tiện cho khách du lịch âm nhạc. Ngoài ra, việc cung cấp các lựa chọn chỗ ở đủ tiện nghi gần khu vực tổ chức biểu diễn và các điểm nóng du lịch khác sẽ nâng cao trải nghiệm tổng thể của khách tham quan và đẩy mạnh kéo dài thời gian lưu trú. 

 Hơn nữa, việc tạo điều kiện hợp tác giữa ngành du lịch và các nghệ sĩ địa phương cùng các bên liên quan trong ngành công nghiệp âm nhạc cũng cần được lưu tâm. Hỗ trợ phát triển tài năng Việt, tổ chức các lễ hội và sự kiện âm nhạc quanh năm, và thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa nghệ sĩ địa phương và quốc tế, sẽ tạo ra một hệ sinh thái phát triển sôi động cho du lịch âm nhạc. Sức mạnh tổng hợp này sẽ thu hút nhiều tín đồ âm nhạc và lôi kéo các đơn vị tổ chức để họ ưu tiên chọn Việt Nam làm điểm đến tổ chức các buổi diễn quốc tế.

Bài cuối: Cần có đột phá mới trong tư duy phát triển! 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem