Hà Nội giãn cách xã hội: Vì sao nguồn lây trong cộng đồng nhiều?

Gia Khiêm Thứ ba, ngày 03/08/2021 11:32 AM (GMT+7)
Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam đã phân tích vì sao những ngày qua toàn Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 lại phát hiện nhiều ca bệnh trong cộng đồng.
Bình luận 0

Hà Nội xuất hiện nhiều ca bệnh chưa rõ nguồn lây khi giãn cách xã hội

Tính đến sáng ngày 3/8, số mắc Covid-19 tại Hà Nội trong đợt 4 này (tính từ ngày 29/4 đến nay) lên 1.374 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 829, số mắc là đối tượng đã được cách ly 545.

Những ngày qua, sau khi tiến hành giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 của UBND TP, Hà Nội tiếp tục ghi nhận nhiều chùm ca bệnh trong cộng đồng. Đặc biệt trong số đó có nhiều chùm ca chưa rõ nguồn lây phân bố tại một số quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Vì sao giãn cách xã hội nhưng Hà Nội có số ca nhiễm Covid-19 chưa rõ nguồn lây trong cộng đồng nhiều? - Ảnh 1.

PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, giãn cách xã hội giúp Hà Nội phát hiện nhiều ca nhiễm trong cộng đồng, tránh sự lây lan. Ảnh: VGP

Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, có 2 lý do cụ thể trong việc phát hiện ra nhiều ca dương tính trong cộng đồng.

Cụ thể, thứ nhất, đến nay mới hơn 10 ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 của thành phố. Theo đó, có những trường hợp người đã nhiễm bệnh từ trước và thời gian ủ bệnh đối với virus SARS-CoV-2 14 ngày. Khi thành phố có chủ trương tiến hành xét nghiệm diện rộng đã phát hiện ra nhiều ca trong cộng đồng.

Vì sao giãn cách xã hội nhưng Hà Nội có số ca nhiễm Covid-19 chưa rõ nguồn lây trong cộng đồng nhiều? - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng phong toả khu ngõ 651 Minh Khai, Hà Nội sau khi phát hiện nhiều nhân viên Công ty thực phẩm Thanh Nga nhiễm Covid-19. Ảnh: Gia Khiêm

Thứ 2, Hà Nội như vùng trũng, dịch có ở đâu thì Hà Nội có. "Như đợt Bắc Giang, Bắc Ninh có ca nhiễm thì Hà Nội cũng có. TP.HCM có thì Hà Nội cũng có... Nhiều trường hợp xét nghiệm phát hiện ra cả chuỗi ca bệnh từ TP.HCM ra.

Không ít trường hợp phát hiện ra nhưng không tìm ra nguồn lây F0. Có trường hợp nhiễm Covid-19 nhưng không có triệu chứng ho, sốt đã lây nhiễm cho người khác. Đến khi họ khỏi nên không truy ra được trường hợp F0", PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Vì sao giãn cách xã hội nhưng Hà Nội có số ca nhiễm Covid-19 chưa rõ nguồn lây trong cộng đồng nhiều? - Ảnh 3.

Lực lượng y tế tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho người dân Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Chính vì thế, giai đoạn này, thông qua xét nghiệm tại toàn bộ địa bàn thành phố với bất kỳ ai có triệu chứng ho, sốt, mất vị giác… đã phát hiện ra các chuỗi ca bệnh rải rác ở các quận huyện.

Ông Phu đánh giá: "Hà Nội đã và đang làm tốt trong công tác truy vết, nếu không đã bùng lên rất nhiều ca bệnh. Tôi lấy ví dụ như đợt có ca nhiễm tại Công ty SEI, Khu công nghiệp Thăng Long đã truy vết khẩn trương, tiến hành cách ly ngay. Nếu Hà Nội không khẩn trương kịp thời thì hậu quả khôn lường, rồi nhiều ổ dịch trong cộng đồng khác nữa…"

"Hà Nội cần tiếp tục làm thật nghiêm, thật chặt"

Qua đây, ông Phu cho rằng: "Hà Nội vẫn phải tiếp tục làm nghiêm, làm thật chặt, càng chặt càng tốt để kiểm soát tốt hơn tình hình dịch bệnh. Trường hợp thực hiện các biện pháp này không chặt sẽ rất nguy hiểm, làm lây lan dịch bệnh rộng hơn".

Vì sao giãn cách xã hội nhưng Hà Nội có số ca nhiễm Covid-19 chưa rõ nguồn lây trong cộng đồng nhiều? - Ảnh 4.

Lực lượng chức năng đang tiến hành xây dựng cơ sở cách ly, điều trị người bệnh Covid-19 tại dãy nhà trên đường Tân Mai, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Bên cạnh việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, ông Phu nêu quan điểm, Hà Nội cũng cần chuẩn bị thêm các khu điều trị để sẵn sàng đối phó trong trường hợp có nhiều bệnh nhân hơn hoặc có những ca bệnh nặng sẽ đáp ứng kịp thời để tránh tử vong.

"Trong công tác phòng chống dịch, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 thì tiêm chủng là vấn đề then chốt để chiến thắng, chính vì vậy cần đẩy nhanh vấn đề về tiêm chủng. Bên cạnh đó, thực hiện cách ly, giãn cách là bắt buộc phải làm. Chỉ cần người dân cố gắng thực hiện tốt các biện pháp, thực hiện nghiêm chỉnh theo quy định thì sẽ phòng được bệnh và sớm đẩy lùi được bệnh, PGS.TS Trần Đắc Phu nói thêm.

Đồng quan điểm này, ông Trương Quang Việt, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội cho hay, việc toàn thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 sẽ giảm tốc độ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Theo ông Việt, đơn vị đã xây dựng kế hoạch chi tiết cho việc cách ly F1 tại nhà. Theo đó, sẽ tiến hành tập duyệt dần để tới đây thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà và thực hiện tại một số vùng thí điểm cụ thể.

"Việc tiến hành cách ly F1 tại nhà là chủ trương chung của Chính Phủ, thành phố… Trước khi tiến hành cách ly trên diện rộng phải thí điểm tại khu vực nào giám sát được, phải đánh giá chỗ nào cách ly được, chỗ nào không", ông Việt nêu.

Phó giám đốc CDC Hà Nội cho biết thêm, khi các khu vực cách ly tập trung quá tải, việc cách ly tại nhà sẽ là giải pháp để giảm tải cho các khu vực cách ly tập trung. Đối với người F1 có nhà đáp ứng điều kiện cách ly thì có thể cách ly tại nhà.

Việc cách ly tại nhà giúp cho người cách ly giảm thiểu được nguy cơ lây nhiễm chéo khi phải cách ly trong các khu cách ly tập trung bị quá tải hoặc khu cách ly được cải tạo từ trường học, khu nhà văn phòng phải sử dụng khu vệ sinh chung không đạt yêu cầu phòng, chống dịch. Ngoài ra, cách ly tại nhà còn tạo điều kiện sinh hoạt tốt hơn cho người cách ly trong suốt thời gian cách ly theo quy định.

Phó giám đốc CDC Hà Nội cũng đưa ra lời khuyên, người dân tiếp tục thực hiện theo Chỉ thị 17 của thành phố, hạn chế ra đường trong trường hợp không cần thiết, thực hiện khai báo y tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem