Hà Nội liên tiếp bị “tố” cưỡng chế vi phạm xây dựng không đúng luật

Trần Kháng Thứ hai, ngày 17/02/2020 07:00 AM (GMT+7)
Ngoài việc buông lỏng quản lý, phát hiện vi phạm khi “chuyện đã rồi”, mới đây, Hà Nội lại liên tiếp bị các chủ đầu tư “tố” chậm trễ, không tuân thủ pháp luật trong việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng (TTXD).
Bình luận 0

Công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP.Hà Nội thời gian qua có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trên thực tế thì vi phạm trật tự xây dựng vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều công trình vi phạm đã được chỉ rõ, nhưng việc xử lý chậm, chưa triệt để, gây bức xúc trong dư luận.

Đáng nói, chính từ sự làm ngơ của chính quyền, cán bộ, cơ quan có thẩm quyền đã tiếp tay cho một số chủ đầu tư tạo ra những công trình vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng. Và tới khi những “con voi chui lọt lỗ kim” buộc phải đưa ra xử lý thì lại nhận được sự khiếu ngược từ phía doanh nghiệp và người có quyền lợi.  

Điển hình như việc Công ty CP địa ốc Cienco 5 đã kiến nghị Thủ tướng xem xét, có ý kiến chỉ đạo UBND TP.Hà Nội buộc các cơ quan chức năng và UBND quận Hà Đông cùng doanh nghiệp xác định thiệt hại vật chất do việc cưỡng chế không đúng quy định của UBND quận Hà Đông gây ra và thực hiện việc bồi thường cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Theo Cienco 5, UBND quận Hà Đông đã có quyết định về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc công ty phải khắc phục hậu quả của hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng “tổ chức thi công công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có Giấy phép xây dựng (GPXD)”. Tuy nhiên, do khối lượng công việc nhiều và các hạng mục có kết cấu kỹ thuật phức tạp, cần thực hiện theo quy trình kỹ thuật và do nhà thầu lắp đặt tháo dỡ để đảm bảo không hư hỏng, không mất giá trị sử dụng của tài sản công ty đã đầu tư nên Cienco 5 gửi báo cáo đến UBND quận Hà Đông đề nghị gia hạn, xem xét tạo điều kiện để công ty xử lý các thiết bị kỹ thuật theo quy trình.

img

Hình ảnh đổ vỡ sau cưỡng chế tại Công viên nước Thanh Hà khiến dư luận xót xa. 

7h sáng 15/1/2020 (tức ngày 21 tháng Chạp âm lịch), UBND phường Phú Lương tổ chức lực lượng cưỡng chế đến hiện trường công viên nước Thanh Hà để thực hiện cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng. Qua đó, toàn bộ tài sản mà công ty đầu tư hơn 200 tỷ đồng bị phá hủy và không còn giá trị sử dụng, trong đó cây xanh được trồng đang phát triển tốt cũng bị máy cuốc, máy xúc cày xới.

Cảnh tượng đổ nát sau khi quận Hà Đông tổ chức cưỡng chế Công viên nước Thanh Hà xây dựng không phép đã khiến dư luận xót xa. Cùng với đó, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội yêu cầu Thanh tra thành phố làm rõ trách nhiệm UBND các cấp phường, quận để xảy ra việc xây dựng trái phép tại Công viên nước Thanh Hà, xử lý theo quy định.

Tương tự, vi phạm tại công trình 8B Lê Trực vẫn đang “dậm chân tại chỗ” sau 5 năm tiến hành xử lý. Trong buổi thông tin với báo chí vừa qua, người đứng đầu UBND quận Ba Đình thừa nhận, tới nay chưa có phương án phá dỡ giai đoạn 2 và không thể chốt được thời gian xử lý vi phạm tại công trình 8B Lê Trực.

img

Vi phạm tại 8B Lê Trực nhiều năm không được xử lý dứt điểm đang ảnh hưởng tới quyền lợi người mua nhà. 

Về phía chủ đầu tư, những năm qua, Công ty CP May Lê Trực đã nhiều lần gửi đơn thư khiếu nại tới các cơ quan chức năng về việc tổ chức cưỡng chế phá dỡ vi phạm của UBND quận Ba Đình. Đơn cử, theo nội dung văn bản kiến nghị ngày 3/2 vừa qua, Công ty CP May Lê Trực cho rằng, dự án 8B Lê Trực thuộc đối tượng không phải cấp phép xây dựng theo quy định. Theo đó, việc ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định áp dụng cưỡng chế của UBND quận Ba Đình trên cơ sở GPXD là trái quy định của pháp luật.

Cũng trong văn bản kiến nghị, Công ty CP May Lê Trực còn cho rằng, dự án 8B Lê Trực thực hiện theo Quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 của UBND TP.Hà Nội và trong diện không phải cấp GPXD. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn đưa ra lập luận khẳng định, GPXD cấp cho dự án 8B Lê Trực sai quy định pháp luật vì không đúng TCVN và sai với Quy hoạch chi tiết.

Có thể thấy, việc xử lý vi phạm tại 8B Lê Trực đang có những hiện tượng "đùn đẩy" trách nhiệm giữa chính quyền và chủ đầu tư. Điều này càng khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân mua nhà gặp khó khăn. Họ trở thành nạn nhân của dự án sai phạm, thậm chí, nhiều gia đình cạn kiệt tiền thuê nhà phải sống nhờ người thân và cũng có cặp vợ chồng "tan vỡ" vì nợ nần. Do vậy, quyền lợi của người mua nhà cũng cần được các cấp, các ngành tính đến trong quá trình xử lý sai phạm...

Để khắc phục tình trạng này, cần có giải pháp kiên quyết chấn chỉnh, lập lại kỷ luật, kỷ cương trong việc cấp phép xây dựng, xử lý, khắc phục hậu quả vi phạm. Đặc biệt, cần làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan, trong đó, có trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương và thanh tra xây dựng có biểu hiện bao che cho vi phạm. Chỉ khi chúng ta xử lý nghiêm những cá nhân có trách nhiệm này thì sự “thỏa thuận ngầm” cho vi phạm trong lĩnh vực xây dựng mới thực sự chấm dứt. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem