Hà Nội: Người dân khu vực Láng - Hòa Lạc khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt

Phạm Thứ - Phương Vũ Thứ năm, ngày 30/03/2023 06:04 AM (GMT+7)
Khoảng gần 1 tháng nay, tình trạng mất nước diễn ra thường xuyên tại Láng - Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội), khu vực có nhiều trường đại học khiến sinh hoạt của người dân và sinh viên bị đảo lộn hoàn toàn.
Bình luận 0

Chật vật để có nước sinh hoạt

Đây đã là lần thứ ba trong nửa tháng qua, ông Kiều Văn Hải (64 tuổi, thôn 3, Thạch Hoà, Thạch Thất, Hà Nội) phải thuê người khoan giếng bởi không phải lần nào cũng có nước ngay. Thậm chí đã khoan tới lần thứ ba ở độ sâu 40m nhưng nước do máy bơm lên nhà ông Hải vẫn rất yếu và đục.

Dù đã khoan lần thứ ba nhưng nước bơm từ máy bơm nhà ông Hải vẫn rất yếu và đục. Video: Phạm Thứ

Chia sẻ với chúng tôi, ông Hải cho biết, nhiều hộ gia đình xung quanh cũng trong tình trạng tương tự. Rất hiếm gia đình nào khoan một lần mà có ngay được nước sạch để sử dụng. "Khoảng một tháng nay, gia đình tôi đi xin nước của những gia đình xung quanh. Nhà nào không có thì xin của những nhà có", ông Hải nói. 

Hà Nội: Người dân khu vực Láng - Hòa Lạc khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt - Ảnh 2.

Nước sinh hoạt của người dân tại đây nhiều năm qua đa phần từ mạch nước ngầm. Ảnh: Phạm Thứ

Ông Lương Đức Mạnh (50 tuổi), làm dịch vụ khoan giếng quanh khu vực này cho biết, chi phí cho mỗi lần khoan giếng trung bình là 10 triệu đồng. Nếu lần khoan đó không thành công, người dân sẽ được hoàn lại một nửa. Trường hợp gia đình ông Kiều Văn Hải khoan tổng cộng ba lần, hai lần khoan trước không thành công và lần thứ ba này, ông Hải phải trả tổng chi phí lên đến 20 triệu đồng. 

Ông Mạnh cho biết thêm, trong thời gian mất nước đỉnh điểm vừa qua, ông đã khoan liên tục cho khoảng hơn 20 hộ gia đình trong xã Thạch Hoà và các xã lân cận. Hầu hết, việc khoan được nước từ cách mạch nước ngầm ở đây rất khó khăn do mạch nước ngầm cạn kiệt và mùa khô diễn ra cao điểm. 

Hà Nội: Người dân khu vực Láng - Hòa Lạc khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt - Ảnh 3.

Vết giếng khoan cũ không thành công của nhà ông Hải. Ảnh: Phương Vũ

Với những hộ gia đình có ít người như ông Hải, thiếu nước sinh hoạt có thể đi xin nhờ hàng xóm. Còn những gia đình làm dịch vụ cho thuê phòng trọ số lượng lớn như gia đình anh Nguyễn Thiên Tâm (cụm 1, thôn 3, Thạch Hoà, Thạch Thất) thì không thể đi xin nước của nhà hàng xóm được. 

Anh Tâm cho biết, gia đình anh cho thuê khoảng 80 phòng trọ. Trước đây, khi chưa xảy ra tình trạng mất nước, tất cả nước sinh hoạt đều được bơm lên từ mạch nước ngầm. Hiện tại, để đảm bảo sinh hoạt cho toàn bộ những người thuê trọ, anh Tâm phải đi mua nước với giá khoảng 65.000 đồng/m3 (tính cả công vận chuyển). Anh Tâm chia sẻ: "Do số lượng phòng nhiều, mua khối lượng nước lớn nên giá thành có phần thấp hơn. Nhưng vẫn lỗ rất nhiều vì tôi vẫn chỉ thu 15.000 đồng/m3 như trước đây".

 Sẽ sớm có nước sạch cho nhân dân?

Khu trọ 24 phòng của nhà anh Việt (thôn Thái Bình, xã Bình Yên) hiện tại cũng phải phụ thuộc vào những xe chở nước. 

"Giờ mỗi ngày phải mua 2 xe nước với giá 500.000 đồng/xe 4m3 (đã tính công vận chuyển) mới đủ sinh hoạt cho các phòng. Như vậy, một tháng mất tới 30 triệu đồng. Tôi lỗ rất nhiều", anh Việt bộc bạch. 

Hà Nội: Người dân khu vực Láng - Hòa Lạc khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt - Ảnh 4.

Người dân chật vật để có nước sinh hoạt trong cao điểm mùa khô. Ảnh: Phạm Thứ

"Mỗi lần mất nước thì cũng khá bất tiện. Mình phải mua nước đóng chai để nấu cơm rồi tận dụng nước đó  tưới cây, rửa rau,... Sinh hoạt thiết yếu hằng ngày như tắm, giặt đôi khi cũng phải chờ tới hôm sau. Thậm chí, có hôm đi đá bóng về rất bẩn nhưng sáng hôm sau vẫn chưa có nước để tắm mà kịp đi học. Mình đành phải đổ nước đóng chai ra khăn mặt để lau qua người và thay quần áo để tránh gây mùi khó chịu", bạn Trịnh Minh Hiếu- sinh viên thuê trọ tại xã Thạch Hoà cho hay.

Mặc dù giá phòng và giá dịch vụ không tăng nhưng theo anh Việt và anh Tâm chia sẻ, số lượng sinh viên trả phòng tại các khu trọ như nhà anh ngày một tăng dần. 

"Các hộ cho thuê phòng trọ như chúng tôi và người dân các xã như Thạch Hoà, Tân Xã, Bình Yên cũng có họp bàn, đã có kiến nghị lên về vấn đề này. Hiện tại phải chờ một thời gian nhưng cũng chưa biết tới lúc nào cả. Rất mong các cấp chính quyền địa phương và nhà nước có chính sách hỗ trợ, có thể sớm kéo nước sạch về cho bà con dùng", anh Tâm bộc bạch. 

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Bá Khải, Chủ tịch UBND xã Thạch Hòa xác nhận, nguồn nước của người dân trong khu vực chủ yếu vẫn tới từ các mạch nước ngầm. Vì vậy, từ tháng 12 âm lịch hàng năm tới tháng 3-4 năm sau (trước khi mùa mưa diễn ra), là khoảng thời gian mùa khô hạn diễn ra cao điểm, toàn bộ người dân phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước. 

Ông Khải cho biết, tình trạng cạn kiệt nguồn nước ngầm diễn ra không chỉ riêng xã Thạch Hòa mà hầu hết ở các xã trong huyện Thạch Thất. 

"Địa bàn xã Thạch Hòa là một trong những địa bàn đường ống nước sạch sông Đà chạy qua. Hiện nay, chúng tôi đang đề xuất lên UBND TP Hà Nội và thành phố cũng đang xây dựng phương án để lắp đặt hệ thống nước sạch cho nhân dân sử dụng. Đơn vị cung cấp nước và nhà đầu tư cũng đều có cả. Hi vọng thời gian sớm nhất sẽ có những chủ trương để bà con nhân dân sẽ có nước sạch để sử dụng", ông Khải thông tin.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem