Hà Nội: Nhiều học sinh "đầu trần" khi tham gia giao thông bằng xe máy, xe điện

Đức Quang Thứ bảy, ngày 25/11/2023 10:13 AM (GMT+7)
Tình trạng học sinh vi phạm luật lệ an toàn giao thông khi đi xe máy như không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, lạng lách, đánh võng xuất hiện nhiều trên đường phố Hà Nội.
Bình luận 0

Tại tuyến đường Nguyễn Trãi (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân), người dân tham gia giao thông không khỏi bức xúc trước hình ảnh nhiều học sinh của các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông điều khiển xe máy, xe máy điện khi tham gia giao thông.

Đáng chú ý, những học sinh này không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều đường (hướng từ đoạn từ Nguyễn Trãi rẽ trái sang Khuất Duy Tiến). Nhiều bạn học sinh dù vi phạm nhưng vẫn cố ý đánh võng, lạng lách, chở ba, gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông khác. Tại đoạn đường Thanh Xuân Bắc nhiều trường hợp học sinh đi xe máy với tốc độ cao trên đường nhưng “quên” đội mũ bảo hiểm.

Hà Nội: Nhiều học sinh "đầu trần" khi tham gia giao thông bằng xe máy, xe điện - Ảnh 1.

Người dân tham gia giao thông không khỏi bức xúc trước hình ảnh nhiều học sinh tham gia giao thông thiếu ý thức.

Hà Nội: Nhiều học sinh "đầu trần" khi tham gia giao thông bằng xe máy, xe điện - Ảnh 2.

Nhiều học sinh này không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều đường (hướng từ đoạn từ Nguyễn Trãi rẽ trái sang Khuất Duy Tiến).

Chị H.T.T. (23 tuổi, trú tại Lương Thế Vinh, Thanh Xuân) cảm thấy bức xúc mỗi khi đi làm qua đoạn đường Thanh Xuân Bắc. “Đoạn đường này khá hẹp, đông người qua lại nên thường xuyên bị ách tắc. Tuy nhiên, nhiều bạn học sinh của trường Trung học Phổ thông Đào Duy Từ vẫn đầu trần phóng xe với tốc độ cao, khiến ai đi qua cũng phải giật mình”, T cho hay.

Tương tự, tại cổng trường Trung học Phổ thông Trung Văn cũng xuất hiện hình ảnh rất nhiều em học sinh đi xe máy, không đội mũ bảo hiểm.

Bạn N.H (Hà Đông) kể lại: "Bản thân tôi chính là nạn nhân của một vụ tai nạn giao thông do một em học sinh gây ra. Đến bây giờ vết sẹo trên mu bàn chân vẫn còn nguyên mặc dù vụ tai nạn đã xảy ra cách đây mấy tháng. Tôi nhớ 2 bạn nam mặc áo đồng phục học sinh đi xe máy từ trong ngõ ra nhưng không chú ý quan sát đâm phải xe tôi. Sau đó hai bạn dựng xe dậy và phóng mất, không có nổi một lời xin lỗi".

Hà Nội: Nhiều học sinh "đầu trần" khi tham gia giao thông bằng xe máy, xe điện - Ảnh 4.

Hình ảnh vi phạm giao thông của học sinh không còn xa lạ với người tham gia giao thông.

“Hình ảnh vi phạm giao thông của học sinh các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông không còn xa lạ. Dù đã có nhắc nhở khi thấy không đội mũ bảo hiểm, chở ba nhưng các em đều phớt lờ, thậm chí quay lại khiêu khích mình”, anh Hoàng (25 tuổi, trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ.

Hà Nội: Nhiều học sinh "đầu trần" khi tham gia giao thông bằng xe máy, xe điện - Ảnh 5.

Nhiều học sinh có mũ bảo hiểm trên xe điện nhưng cũng không đội theo quy định.

Hà Nội: Nhiều học sinh "đầu trần" khi tham gia giao thông bằng xe máy, xe điện - Ảnh 6.

Học sinh tụ tập trước cổng trường.

Trên thực tế đã có không ít vụ tai nạn giao thông do học sinh không đủ tuổi đi xe máy gây ra dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Điển hình, đêm ngày 18-11, một nữ sinh T.K.M. (16 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) chạy xe máy chở theo người khác, hướng từ phố Trần Nhân Tông đến đường Lê Duẩn qua vị trí Tổ công tác Y10/141, đã đâm vào một chiến sĩ cảnh sát đang làm nhiệm vụ.

Trình bày với Tổ công tác, T.K.M. cho biết mình là học sinh, do chưa đủ tuổi điều khiển xe máy, tâm lý lo sợ bị phạt nên phóng nhanh qua chốt cảnh sát 141 đã dẫn đến sự việc xảy ra.

Quy định tại điểm a Khoản 4 Điều 21 Nghị Định 100/2019/NĐ-CP, đối với người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên, sẽ bị phạt từ 400.000 - 600.000 nghìn đồng. Đồng thời xử phạt từ 800.000 - 2.000.000 đồng đối với chủ xe hoặc để người khác không đủ điều kiện tham gia giao thông được quy định tại điểm đ Khoản 5 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Theo thống kê của Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, tính đến tháng 10 của năm 2023, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện và xử lý 64.446 trường hợp học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông. Trong đó, các lỗi vi phạm chủ yếu là chưa đủ độ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy; không đội mũ bảo hiểm; không có giấy phép lái xe; đi ngược chiều.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem