Hà Nội những bờ đê thương nhớ

Gia Tưởng Thứ năm, ngày 01/07/2021 07:10 AM (GMT+7)
Hà Nội có vô vàn những điều để nhớ, để ngắm nghía hay thưởng lãm, trong đó, Hà Nội có những bờ đê thực sự là để thương để nhớ.
Bình luận 0

Khoảng 20 năm trước khi nhắc tới từ "bờ đê ở Hà Nội" là người ta nghĩ ngay đến những vùng tối, xa xôi của bờ bãi.

Những cái tên như đê Yên Phụ, đê Nguyễn Khoái, hay đê Gia Lâm khiến không ít người phải cảnh giác bởi lấp ló đâu đó những xóm liều, những cảnh hút chích, hay những người lao động nhem nhuốc.

Nhưng giờ đây mỗi bờ đê lại đúng nghĩa là một tác phẩm nghệ thuật của Thủ đô và bức tranh gốm sứ ven sông Hồng bên trong nội thành Hà Nội là một điểm nhân.

Hà Nội những bờ đê thương nhớ - Ảnh 1.

Bờ đê Yên Phụ được biến thành con đường gốm sứ. Dự án Con đường gốm sứ ven sông Hồng đã được Thủ tướng Chính phủ và UBND TP phê duyệt, là công trình mang ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, có giá trị văn hóa, nghệ thuật độc đáo và được Tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới trao Bằng công nhận Bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất thế giới năm 2010. (Ảnh: H.Thành).

Bức tranh bắt đầu từ cửa khẩu An Dương xuôi theo dòng nước về phía hạ du đến tận đường Trần Quang Khải gần 4km phải nói là rất đẹp, nó thay đổi các nhìn về một bờ đê bẩn thỉu và hôi hám, bằng những mảng màu tươi sáng rực rỡ, với vô số hình ảnh sinh động và nhiều ý nghĩa của thủ đô.

Đây là công trình nổi tiếng của một họa sỹ kiêm nhà báo Nguyễn Thu Thủy, được hoàn thành để chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội năm 2010.

Có lẽ nếu chỉ đọc về những gì mà chúng tôi viết ở đây, thì không ai cảm nhận được hết vẻ đẹp của những bức tranh gốm sứ ven đê sông Hồng, nếu ta không tà tà đi xe máy, áp sát bờ đê này một lần, để chiêm ngưỡng sự phù phép của những nghệ sĩ biến bờ đê thành một đại tác phẩm nghệ thuật.

Nhưng nói về bờ đê đoạn nội thành, nếu bỏ quên chợ hoa Quảng Bá được họp ngay trên đê, vào bất cứ mùa nào thì đúng thật thiếu sót.

Tại đây, có lẽ đẹp nhất vào mùa xuân khi những cành đào đẹp nhất của vùng Nhật Tân, cây quất hay nhất của làng Quảng Bá được những người nông dân bày ngay trên đê để khách chơi tha hồ mà ngắm, rồi lựa  mua về chơi Tết. 

Lúc này bờ đê đã được biến thành một con đường hoa dài hơn km, nhìn hoa cả mắt về những sắc hoa khi Tết đến xuân về...

Hà Nội những bờ đê thương nhớ - Ảnh 2.

Tết đến xuân về, chợ hoa kéo dài chừng hơn 2km chạy dọc con đường phía dưới đê Âu Cơ. (Ảnh: Triệu Quang).

Rồi cả những hàng gốm ngược thuyền từ Bát Tràng, lên bày ở bờ đê đoạn Tứ Liên nữa, đến bờ đê với đủ các màu men, xanh, đỏ, vàng, của gốm, từ bình hoa, chậu cảnh đồ thờ, đến bát đĩa ăn cơm.. đã tạo ra một bờ đê đầy sức sống, năng động pha chút hoài cổ. 

Tất nhiên cũng khó chịu chút vì thi thoảng tắc đường vì người ta mua hoa, mua gốm đông quá ai cũng lấn lá ở chợ đê không muốn về. 

Có lần tôi được tháp tùng một một phu nhân đại sứ quán Việt Nam tại châu Âu về quê ăn Tết, bà đi chợ hoa sau bao nhiêu năm ở giữa trời Âu.

Chúng tôi đưa bà ra chợ hoa Hàng Lược, bà bảo: "Đúng là không khí Tết rồi, chợ hoa không chê vào đâu được". Nhưng bà vẫn thích cái chợ hoa mà ở đó người ta cắm hoa nhấp nhô trên  bờ đê. Đúng là bà rất tinh ý, bờ đê Quảng Bá không chỉ có hoa đẹp, mà lại còn rẻ vì ở đây là chỗ bán buôn hoa cho khắp Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Quý phu nhân nhìn thấy bờ đê với những cây hoa của Tết thì không khỏi xúc động mà thốt lên rằng, ở trời tây nhớ bờ đê hoa này không tả được. Nó gần gũi thân thuộc và rất đậm nét của người Việt Nam. 

Hà Nội những bờ đê thương nhớ. - Ảnh 2.

Thảm cỏ mái đê xanh sạch đẹp (Đê Tả Hồng, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) khiến người đi qua rất nhớ. (Ảnh: BXD).

Nghe những gì vị khách từ phương xa chia sẻ về  bờ đê và chợ hoa Quảng Bá tôi rất bất ngờ. Bởi những con đê được bao đời dân ta đắp lên để trị thủy, nhằm bảo vệ vùng đồng bằng châu thổ khỏi tình trạng lũ lụt lại có một ý nghĩa sâu đậm trong tâm trí của người Việt đi xa đến vậy?

Nhưng nói về bờ đê bên mạn Nam là nội thành, thì phải kể thêm về bờ đê bên mạn Bắc mà có lẽ nhiều người phải đồng ý rằng đoạn đê rẽ từ cầu Long Biên đến đoạn cầu Đuống là đẹp nhất. 

Đó là đê  Ngọc Thụy đoạn đê này dài chưa đến 10km nhưng có vẻ đẹp rất diễm tình vào mùa xuân. Khi những hạt mưa xuân phun phún rơi, làm cho đê Ngọc Thụy như cựa mình, chỉ độ ngoài rằm tháng Giêng là đã biến thành một màu xanh non mởn. Cỏ ở ven đê cứ mọc đều tăm tắp dệt lên thành những thảm xanh đến lạ lùng, mà người ta không thể lý giải được. 

Hà Nội những bờ đê thương nhớ - Ảnh 4.

Tuyến đê Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ. (Ảnh: HNM).

Vì sao cỏ lại đẹp đến như thế? Mà cũng lạ, cỏ ven đê thì đẹp đến nõn lường, mà bờ đê cũng như chiều lòng khách, cứ uốn lượn vòng, lúc vòng ra, lúc ngoặt vào, làm cho ai được đi nơi đoạn đê này không thể nào quên được, bởi trên đê nhìn rõ những con tàu thủy đang xuôi ngược, đến cả những bác thuyền chài  thoắt ẩn, thoắt hiện sau những bụi cây ven sông ta cũng tỏ tường.

Ngay dưới chân đê là những ngôi nhà của người dân đã xây dựng, cũng phải nói rằng dân ven đê Ngọc Thụy rất may mắn và có một quỹ đất rộng để xây nhà, mà họ cũng khéo xây, nhiều ngôi nhà kiểu biệt thự, hay nhà cổ ven đê với những hàng cau kiêu sa. 

Điều này khiến người ta không nghĩ nổi rằng, sao chỉ cách chợ Đồng Xuân có một khúc sông, lại có một nơi, yên tĩnh, thanh bình và thực sự mơ mộng đến thế? Mà chỉ có những bờ đê mới tạo nên, người dân, cỏ cây, hoa lá đã nương náu vào chính những bờ đê này để mà tạo ra một vẻ đẹp rất khó tả, nhưng lại rất khó quên.

Kể về đê Hà Nội, thì còn nhiều nữa, Đê Sông Tích, Sông Đáy, nhưng được nhiều người nhớ nhất vẫn là đê sông Hồng, địa phận chảy qua khu vực quanh nội thành Hà Nội, nó đẹp mộc mạc, nhưng cũng hối hả làm cho người kẻ chợ, Hà Thành và khách phương xa nhớ mãi.  


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem