Hà Nội: Nước sông Bùi vẫn trên báo động 3, hơn 3.600 hộ dân bị ngập

Hoàng An Thứ năm, ngày 02/08/2018 15:46 PM (GMT+7)
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.Hà Nội vừa có báo cáo nhanh về tình hình mưa úng và công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn TP; hiện vẫn còn 3.635 hộ bị ngập, 6.097 khẩu phải sơ tán.
Bình luận 0

Sông Bùi vẫn trên báo động 3

Báo cáo mới nhất của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.Hà Nội về tình hình mưa úng và công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn TP cho biết, hiện sông Tích tại trạm Kim Quan trên mức báo động 2; sông Tích tại trạm Vĩnh Phúc trên mức báo động 3, sông Bùi tại trạm Yên Duyệt trên mức báo động 3. Nhiều hồ như Miễu, Văn Sơn, Quan Sơn, Kèo Cả vẫn vượt thiết kế.

Cụ thể, mực nước tại sông Bùi tại trạm thủy văn Yên Duyệt (Chương Mỹ) thực đo là 7,15m trên báo động 3 là 0,15m; mực nước tại sông Tích tại trạm thủy văn Vĩnh Phúc (Quốc Oai) thực đo là 8,15m trên mức báo động 3 là 0,15m.

img

Mực nước sông Bùi tại trạm thủy văn Yên Duyệt (Chương Mỹ) vẫn trên báo động 3. Ảnh: Thành An

Đặc biệt, tại huyện Chương Mỹ còn 3.635 hộ bị ngập (giảm 48 hộ do nước rút), trong đó 796/835 hộ bị ngập lối đi, 2.839 /2.848 hộ bị ngập từ 0,5-2m và 6.097 khẩu phải sơ tán; 170m2 nhà ở và 1.774m tường bao bị sập đổ; sạt lở 1.885m đường giao thông nông thôn, 12.110m chiều dài đê, hồ, đập bị sạt lở; 25 công trình nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, đình , chùa bị ngập và hư hỏng.

Theo thống kê sơ bộ, hiện vẫn còn hơn 1.380ha lúa, hơn 307ha rau màu, hơn 603ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trên 56.000 gia cầm, thủy cầm bị chết và thất lạc…

Bên cạnh đó, các công ty thủy lợi đang tích cực bơm tiêu chống úng, chính quyền địa phương tiếp tục tiếp nhận, cung ứng cứu trợ cho người dân đảm vảo kịp thời, đúng đối tượng. Tại các khu vực ngập lụt, chính quyền địa phương tích cực, chủ động cùng với người dân tập trung ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.

Trước tình hình trên, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.Hà Nội kiến nghị, đề xuất tăng cường kiểm tra, theo dõi các công trình đê, kè, cống để có biện pháp xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra, đặc biệt là các tuyến đê thuộc sông Tích, sông Bùi, sông Đáy.

Kịp thời hỗ trợ nước uống, các nhu yếu phẩm cần thiết cho các cán bộ bị ngập lụt do lũ gây ra. Khẩn trương chỉ đạo tổng vệ sinh môi trường đối với các khu dân cư ngập úng để phòng trừ các dịch bệnh.

An toàn đê điều cần được quan tâm

Chỉ trong vòng 9 tháng (10.2017-7.2018), huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã phải chịu 2 trận ngập, lụt kéo dài gây thiệt hại nặng nề về tài sản, cơ sở vật chất, hạ tầng, đời sống người dân muôn vàn khó khăn.

Đặc biệt, mực nước trên 4 con sông, hồ của Hà Nội đều vượt mức báo động, mực nước vượt ngưỡng thiết kế và gây ra 14 sự cố đê điều, công trình thủy lợi trên các tuyến đê sông: Hồng, Tích, Bùi, Nhuệ, Đáy thuộc địa phận các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì, Mê Linh…

Đỉnh điểm ngày 30.7, mực nước sông Bùi tại Yên Duyệt đo được là 7,50m, trên báo động 3 là 0,50m, cao hơn đỉnh lũ 2008 là 0,05m đe dọa nghiêm trọng an toàn của đê tả Bùi.

Theo đó, TP.Hà Nội đã khẩn trương thực hiện các biện pháp hộ đê tả Bùi và chuẩn bị tình huống di dân. Bởi, nếu không giữ được đê tả Bùi thì nước sẽ tràn vào toàn bộ huyện Chương Mỹ và đi ngược lên các khu vực sâu bên trong Hà Nội, kể cả quận Hà Đông và một số quận nội thành. Các tuyến giao thông ra phía Tây sẽ bị chia cắt rất nghiêm trọng.

img

Hà Nội cần phải quan tâm hơn đến an toàn đê điều. Ảnh: Thành An

Liên quan đến tình hình trên, trao đổi với PV, ông Đỗ Đức Thịnh – Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.Hà Nội cho rằng: việc cải tạo đê điều và đảm bảo an toàn cho người dân tại khu vực vùng lũ, vùng ngập lụt luôn được TP quan tâm. Mới đây, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trực tiếp đi thị sát và có những chỉ đạo, huy động lực lượng, vật tư nhằm đảm bảo tránh việc tràn đê khi nước sông Bùi vượt mức báo động 3.

Nói về việc tiếp tục nâng cấp đê tả Bùi, ông Thịnh cho biết “đây đang là ý tưởng”, việc này nhằm đảm bảo an toàn đê điều. Theo đó, khả năng cao phần đê tả sông Bùi sẽ được nâng cao từ 80cm – 1,5m và phần đê sẽ được kiên cố hóa hơn. Tuy nhiên, việc xây dựng, kết cấu thế nào còn phải được các cơ quan chuyên môn đánh giá, nghiên cứu.

Ông Thịnh cho rằng, hiện vấn đề cần đặt ra là an toàn dân cư. “Đối với những làng, xã thuộc khu vực đê hữu sông Bùi, ở những vùng trũng, thấp cần phải có phương án di dời nhân dân và từng bước kiên cố hóa được những khu không thể di dời, những khu tập trung dân cư tập trung đông đúc, phải hạn chế được tối đa được thiệt hại khi có ngập, lụt.  Đối với việc trồng trọt, sản xuất thì cần có khuyến cáo về việc trồng cây ngắn ngày” – ông Thịnh cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem