Hà Nội: 1 ngày phát hiện hơn 3 nghìn bánh trung thu không rõ xuất xứ, có chữ nước ngoài

Phạm Hiệp Chủ nhật, ngày 28/08/2022 06:34 AM (GMT+7)
Lực lượng chức năng trong 2 ngày đã phát hiện 3 vụ kinh doanh, vận chuyển số lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ ở Hà Nội.
Bình luận 0

Thông tin từ Công an TP.Hà Nội, trong 2 ngày, lực lượng chức năng đã phát hiện 3 vụ việc kinh doanh, vận chuyển số lượng lớn thực phẩm, chủ yếu là các mặt hàng phục vụ Tết Trung thu do nước ngoài sản xuất không rõ nguồn gốc, xất xứ, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Cụ thể, vào ngày 26/8/2022, tại khu vực thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, Đội 4 - Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP.Hà Nội đã phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 25 phát hiện, kiểm tra 2 vụ việc kinh doanh, vận chuyển hàng hóa là thực phẩm, trên bao bì in tiếng nước ngoài nhưng chủ hàng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Hà Nội: Phát hiện hơn 3 nghìn bánh trung thu có chữ nước ngoài trong 1 ngày - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng phát hiện hàng hóa tại cơ sở ở Xuân Mai không có nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: CACC

Đại điểm phát hiện ở điểm tập kết hàng hóa của cửa hàng KENFRUITS, địa chỉ số 97, tổ 2, khu Xuân Hà, thị trấn Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội, do bà Ngô Thị V.A (SN 1985, HKTT tại tổ 4 Tân Bình, thị trấn Xuân Mai) làm chủ.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện có 1.057 cái xúc xích, 354 cái bánh trung thu, 20 hộp bánh Fares.

Trên bao bì sản phẩm đều có chữ nước ngoài, không có tem phụ tiếng Việt; chủ hàng đã không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ số hàng trên. Tổ công tác đã lập biên bản, tạm giữ số hàng hóa trên để xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Cùng ngày, tại khu vực trước cửa số nhà 97, tổ 2, khu Xuân Hà, thị trấn Xuân Mai, tổ công tác Đội 4 - Phòng Cảnh sát môi trường và Đội Quản lý thị trường số 25 cũng đã phát hiện xe ô tô biển kiểm soát 30F-938xx đang dừng đỗ để bốc xếp hàng hóa là bánh trung thu có bao bì in chữ nước ngoài.

Qua kiểm tra đã phát hiện có 351 hộp bánh trung thu (2.808 cái bánh) trên bao bì in chữ nước ngoài, chủ hàng, kiêm lái xe là ông Đoàn Đức T (SN 1995, khu Tân Xuân, thị trấn Xuân Mai) đã không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ số hàng hóa trên. Tổ công tác đã lập biên bản, tạm giữ để xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Hà Nội: Phát hiện hơn 3 nghìn bánh trung thu có chữ nước ngoài trong 1 ngày - Ảnh 2.

Đoàn công tác kiểm tra hàng hóa tại xã La Phù, Hoài Đức. Ảnh: CACC

Trước đó, ngày 25/8, Đội 4 phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 24 Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra điểm kinh doanh đường Đồng Tiến, xã La Phù, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội và tạm giữ hơn 500 thùng bánh các loại chưa rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra thực hiện kiểm đếm hàng hóa đang được bày bán tại địa điểm kinh doanh trên, đoàn kiểm tra tạm giữ 520 thùng bánh kẹo các loại.

Toàn bộ số hàng hóa trên là hàng hóa do nước ngoài sản xuất, có nhãn bằng tiếng nước ngoài. Tại thời điểm kiểm tra do không có chủ cơ sở kinh doanh hàng hóa làm việc với Đoàn kiểm tra nên chưa xuất trình được hóa đơn, giấy tờ, chứng từ của số hàng hóa trên. 

Đoàn kiểm tra báo cáo toàn bộ nội dung, quá trình kiểm tra với lãnh đạo Đội và tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định.

Trung tá Nguyễn Thành Trung, Phó Đội trưởng Đội 4, Phòng Cảnh sát môi trường cho biết, vào dịp Tết Trung thu, nhu cầu sử dụng bánh trung thu của nhân dân tăng cao nên nhiều đối tượng đã tìm mua các loại bánh trung thu và nguyên liệu sản xuất bánh trung thu có nguồn gốc xuất xứ nước ngoài trên thị trường tự do để về bán kiếm lời.

Những thực phẩm trên không được kiểm soát chất lượng nên có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Đồng thời, cũng khuyến cáo nhân dân hãy tự bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình bằng việc sử dụng những hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được cơ quan chức năng kiểm soát và công bố chất lượng sản phẩm; không nên tìm mua những hàng hóa không nhãn mác hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ; nếu phát hiện thấy đối tượng nào sản xuất, kinh doanh hàng hóa là lương thực, thực phẩm không rõ nguồn gốc hoặc không đảm bảo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm thì báo cho lực lượng chức năng và chính quyền địa phương để kịp thời kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem