Hà Nội: Rà soát, đảm bảo an toàn cống dưới đê trước mùa mưa bão

PV Thứ hai, ngày 23/10/2023 14:13 PM (GMT+7)
Hằng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đều giao Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai chỉ đạo các Hạt Quản lý đê chủ trì, phối hợp với phòng chuyên môn của các quận, huyện, thị xã, các công ty thủy lợi trên địa bàn tiến hành đánh giá hiện trạng đê điều trước mùa mưa lũ…
Bình luận 0

Cần sửa chữa nhiều cống qua đê

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, trên các tuyến đê thuộc địa bàn Thành phố Hà Nội hiện có tổng số 206 cống qua đê, trong đó, có 142 cống ổn định, 31 cống cần sửa chữa, 6 cống cần xây mới…Các cống qua đê tập trung chủ yếu trên các tuyến đê tả Hồng, hữu Hồng, hữu Đáy thuộc địa bàn các huyện Đông Anh, Thường Tín, Quốc Oai.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều cống dưới đê đã xây dựng từ lâu, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố công trình trong quá trình hoạt động, cũng như khi xuất hiện lũ lớn trên sông, cần phải quan tâm đầu tư xây dựng mới như: Cống Long Tửu (xây dựng năm 1961), cống Liên Mạc (xây dựng năm 1938), cống trạm bơm Hồng Vân (xây dựng năm 1964)... 

Do vậy, theo lãnh đạo Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội), các tuyến đê có cống đang xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới để đáp ứng yêu cầu chống lũ, phòng chống thiên tai, bảo đảm cho việc phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu thiệt hại do mưa bão gây ra.

Hà Nội: Rà soát, đảm bảo an toàn cống dưới đê trước mùa mưa bão - Ảnh 1.

Hình ảnh cán bộ đi kiểm tra các cống xuống cấp tại địa bàn TP.Hà Nội. Ảnh: S.N.N.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất xây dựng cống tiêu Cẩm Hà tại K24+950 đê hữu Cầu vào dự án thành phần số 9; Xử lý cấp bách các cống xung yếu dưới đê thành phố Hà Nội. Ngày 22/8/2023, Bộ NN và PTNT có văn bản số 5842/BNN-ĐĐ về đồng ý bổ sung hạng mục trên.

Đối với các tuyến đê thuộc địa bàn TP.Hà Nội, được đầu tư xây dựng cống mới (4 cống), theo lãnh đạo Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai, đến nay, các cống cơ bản đã hoàn thành, tuy nhiên, các cống này chưa được thử thách với lũ lớn nên vẫn xác định 3 cống Cống Phương Trạch 1, cống trạm bơm Vĩnh Thanh (huyện Đông Anh), cống trạm bơm Bộ Đầu (huyện Thường Tín) là trọng điểm xung yếu trong công tác phòng, chống thiên tai, cần xây dựng phương án bảo vệ trong mùa mưa bão năm 2023. 

Tổ chức, đánh giá chất lượng các cống dưới đê trước mùa mưa lũ

Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai, hằng năm, trước và sau mùa mưa lũ, các công ty thủy lợi, các đơn vị trực tiếp quản lý các cống dưới đê đều tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng của các cống dưới đê, từ đó xây dựng phương án đầu tư, sửa chữa, khắc phục sự cố các cống dưới đê, cũng như lập phương án bảo vệ công trình, đoạn đê trong mùa mưa bão.

Song song với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đều giao Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai chỉ đạo các Hạt Quản lý đê chủ trì, phối hợp với phòng chuyên môn của các quận, huyện, thị xã, các công ty thủy lợi trên địa bàn đánh giá hiện trạng đê điều trước mùa mưa lũ.

Mặt khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan Thường trực Phòng, chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thành phố) cũng đã có tờ trình và UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt phương án hộ đê và bảo vệ trọng điểm xung yếu phòng, chống thiên tai năm 2023.

Tại quyết định nêu trên, đã xác định trên địa bàn thành phố có 8 vị trí cống là trọng điểm xung yếu (3 trọng điểm xung yếu cấp thành phố, 5 trọng điểm xung yếu cấp huyện). Do đó, UBND Thành phố Hà Nội cũng giao UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng và phê duyệt phương án bảo vệ công trình, bảo vệ tuyến đê trong mùa mưa bão đối với 5 trọng điểm xung yếu cấp huyện.

Hà Nội: Rà soát, đảm bảo an toàn cống dưới đê trước mùa mưa bão - Ảnh 3.

Công nhân Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị tại cống Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm). Ảnh: S.N.N.

Cống dưới đê là công trình quan trọng và là vị trí xung yếu của đê trong mùa lũ. Bởi vậy, để chủ động trong công tác hộ đê, phòng chống lụt bão, bảo đảm an toàn cho các cống dưới đê trong mùa mưa lũ năm nay, Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc, các công ty thủy lợi, xí nghiệp thủy lợi, các đơn vị được giao trực tiếp quản lý các cống dưới đê (đặc biệt với các cống đã xây dựng từ lâu, các cống xuất hiện sự cố) cần thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến các cống dưới đê.

Đồng thời, đánh giá chất lượng, khả năng chống lũ của các cống, đề xuất phương án sửa chữa, cải tạo, nâng cấp kịp thời; xây dựng phương án bảo vệ công trình, bảo vệ tuyến đê trong mùa mưa bão.

Đối với UBND các quận, huyện, thị xã cần chỉ đạo các phòng chuyên môn liên quan, nhất là UBND các xã, phường, thị trấn có đê thường xuyên kiểm tra, xây dựng phương án sửa chữa, cải tạo khắc phục các hư hỏng của các cống dưới đê; thường xuyên rà soát, cập nhật phương án bảo vệ các trọng điểm xung yếu cấp huyện (đặc biệt là các vị trí cống dưới đê) để phù hợp với tình hình hiện trạng, sát với thực tế;

Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương châm "bốn tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và "ba sẵn sàng" (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả) để sẵn sàng hộ đê, kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem