Hà Nội sẽ không cấp phép mới cho “phòng khám quốc tế” (Kỳ 4)

Phi Long – Đình Việt Thứ tư, ngày 18/09/2019 13:30 PM (GMT+7)
Sở Y tế TP.Hà Nội hiện không thống kê được trên địa bàn có bao nhiêu phòng khám gắn tên “quốc tế”. Tuy nhiên, đại diện đơn vị này khẳng định, sắp tới sẽ không cấp phép mới cho những phòng khám có thêm chữ “quốc tế”.
Bình luận 0

Hà Nội chỉ có 1 bệnh viện đạt chuẩn quốc tế

Như NTNN/Dân Việt đã thông tin trong loạt bài “Ồ ạt bệnh viện quốc tế tự phong”, có hàng loạt các bệnh viện, phòng khám không chỉ lấy tên có chữ “quốc tế” mà còn được quảng cáo là bệnh viện tốt nhất, có chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế; đạt tiêu chuẩn quốc tế hoặc có hợp tác với nhiều đối tác là cơ sở y tế lớn trên thế giới...

Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, các bệnh viện này không có vốn đầu tư của nước ngoài; không có liên doanh liên kết với bất kỳ tổ chức y tế nào của nước ngoài; không có bác sỹ nước ngoài và cũng không được bất kỳ tổ chức quốc tế nào chứng nhận dịch vụ khám chữa bệnh đạt tiêu chuẩn quốc tế…

Theo ông Nguyễn Quang Trung, hiện trên địa bàn Hà Nội có 3.700 phòng khám cả đa khoa, chuyên khoa. Trong số đó, chỉ có 22 phòng khám có bác sỹ nước ngoài và một phòng khám duy nhất có 100% vốn đầu tư của nước ngoài.

Được biết, hiện nay, hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh bao gồm cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước, tư nhân và cơ sở khám, chữa bệnh khác (căn cứ Điều 81 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009).

Ngoài ra, Điều 22 Nghị định 109/2016/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung 2018, quy định, các cơ sở khám, chữa bệnh cho thấy, chỉ có 2 loại hình bệnh viện là đa khoa và chuyên khoa mà không hề có loại hình “bệnh viện quốc tế”. Như vây, hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có một văn bản cụ thể nào quy định chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện… của bệnh viện, phòng khám quốc tế.

Trao đổi về vấn đề này với PV NTNN/Dân Việt, ông Nguyễn Quang Trung – Trưởng phòng Quản lý hành nghề Y dược tư nhân (Sở Y tế TP Hà Nội) cho biết, hiện nay chưa có quy định pháp luật nào cấm các bệnh viện, phòng khám đặt tên đơn vị có chữ quốc tế nên việc xử lý là khó.

“Vì chưa có luật nên khi đi đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp có thể đặt bất kỳ tên nào mà người ta thích, đây là quyền của họ. Sau khi có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Sở Y tế sẽ cấp phép đăng ký các chuyên khoa của phòng khám” – ông Trung cho biết.

img

Ông Nguyễn Quang Trung –Trưởng phòng Quản lý hành nghề Y dược tư nhân (Sở Y tế TP.Hà Nội).

Đại diện Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, chưa thống kê được ở địa bàn có bao nhiêu phòng khám có gắn tên quốc tế, trên hệ thống cũng không thể tách ra được để thống kê vì không theo một tiêu chuẩn nào.

Ông Trung khẳng định, thẩm quyền của Sở Y tế là cấp phép cho các phòng khám. Đến nay không có một “tiêu chuẩn quốc tế” cụ thể nào cho các phòng khám. “Ở Hà Nội chỉ có 1 bệnh viện có tiêu chuẩn chất lượng quốc tế theo đánh giá của một tổ chức uy tín. Còn tất cả các BV tư, phòng khám hiện nay dù có yếu tố nước ngoài hay không thì họ muốn đặt tên thế nào cũng được vì chưa có quy định về việc đặt tên” – ông Trung nói.

Quy định của Bộ Y tế cũng chỉ nói về việc phòng khám, bệnh viện phải có đủ con người, trang thiết bị, cơ sở vật chất để hoạt động. Còn hiện cũng chưa đưa ra bất kì tiêu chuẩn quốc tế nào đối với các phòng khám.

Phòng khám, BV có chữ “quốc tế” sẽ không cấp phép

Về vấn đề phí dịch vụ, theo ông Trung, đối với các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập, phí dịch vụ phải được niêm yết công khai, đơn vị nào không công khai sẽ bị xử phạt, nếu thu cao hơn giá niêm yết sẽ phải trả lại cho khách hàng.

Hiện cũng không có quản lý Nhà nước về giá đối với dịch vụ khám chữa bệnh ngoài công lập, tức là không có giá trần. Trước câu hỏi về thực trạng nhiều phòng khám, bệnh viện tư quảng cáo là đơn vị có chất lượng dịch vụ 5 sao hay bệnh viện khách sạn trên địa bàn, ông Trung nhắc lại, do Việt Nam chưa có khái niệm, quy định nào công nhận những điều trên nên các phòng khám tự đặt tên để thu hút khách.

“Sở Y tế Hà Nội chỉ chấm điểm theo 83 tiêu chí của Bộ Y tế để xếp thứ hạng các bệnh viện từ cao xuống thấp. Hết đợt chấm sẽ công khai kết quả lên cổng thông tin điện tử của Sở. Trong 83 tiêu chí không có tiêu chí nào là dịch vụ 5 sao hay bệnh viện khách sạn. Do đó, việc họ quảng cáo như vậy cũng không sai vì chưa có quy định cấm” – vị Trưởng phòng chia sẻ.

Nhưng ông Trung cũng nhấn mạnh, nếu phòng khám, bệnh viện nào quảng cáo là đơn vị đạt tiêu chuẩn quốc tế là không đúng sự thật, vì ở Hà Nội hiện chỉ có một BV đạt tiêu chuẩn do Tổ chức quốc tế JCI (Joint Commission International) đề ra. Các bệnh viện như Thu Cúc, Hồng Ngọc…đều chưa đạt chuẩn này.

Cuối cùng, ông Trung nêu quan điểm, dù chưa có quy định nào về việc đặt tên quốc tế, chất lượng dịch vụ quốc tế cho các bệnh viện, phòng khám nhưng từ thực tiễn hiện tại, Sở Y tế TP. Hà Nội sẽ kiến nghị những cơ sở y tế có gắn mác “quốc tế” cần điều chỉnh lại tên gọi. Ngoài ra sẽ không cấp giấy phép mới cho những phòng khám, bệnh viện tư tự gắn thêm chữ “quốc tế” vào tên để “câu khách”.

“Đặt tên BV cũng như đặt tên con, có gì phải nặng nề”

Tại Hà Nội thì như vậy, còn tại tỉnh Thanh Hóa, mới đây Tổng Công ty CP Hợp Lực đã tổ chức Lễ Khánh thành Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hợp Lực tại xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia. Theo giới thiệu, đây là BV đa khoa quốc tế đầu tiên tại Thanh Hóa. Bệnh viện có tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng, quy mô 500 giường bệnh đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị y tế được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

img

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hợp Lực tại xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.

Căn cứ vào đâu để coi đây là bệnh viện quốc tế? Trả lời câu hỏi của PV, ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Hợp Lực (đơn vị sở hữu Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hợp Lực) cho rằng, BV có gần 500 giường bệnh nên ông tự xưng như vậy cho nó tương xứng với quy mô! Thêm nữa, BV này đặt tên có chữ quốc tế là bởi nó nằm ở khu kinh tế Nghi Sơn nên sẽ phục vụ cho các chuyên gia của các tập đoàn, công ty nước ngoài đang làm việc tại đây.

Ông Đệ cũng thừa nhận Bệnh viện đa khoa quốc tế Hợp Lực không được tổ chức quốc tế nào đánh giá, xếp hạng. Ngoài ra, bệnh viện này không có vốn đầu tư nước ngoài.

“Cái tên quốc tế không có gì nặng nề, giống như tên con, muốn đặt tên gì cũng được vì nhà nước không cấm. Còn đặt tên quốc tế, có thể tôi khám cho người nước ngoài, trang thiết bị ngang tầm với BV nước ngoài. Cái này luật không cấm” - ông Đệ trần tình.

Điều 2 của  Thông 04/TT-BYT ngày 17/3/2015 của Bộ Y tế quy định về thừa nhận tiêu chuẩn quản lý chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nêu rõ: Thừa nhận tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài về quản lý chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong đó: Tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài về quản lý chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được Hiệp hội quốc tế về chất lượng y tế (International Society for Quality in Healthcare - ISQua) công nhận được Bộ Y tế thừa nhận để áp dụng tại Việt Nam. Danh mục này được công bố và cập nhật trên Trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh.

Ngoài ra, tiêu chuẩn trong nước về quản lý chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được ISQua công nhận cũng được Bộ Y tế thừa nhận theo quy định tại Khoản 1 Điều này.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem