Nhan nhản bệnh viện quốc tế, đâu chỉ “nổ” cho oai?

Lương Duy Cường Thứ năm, ngày 19/09/2019 07:24 AM (GMT+7)
Chuyện gọi tên trường hay bệnh viện “quốc tế”, “cao cấp”… đang là một sự loạn, đầy bát nháo ở nước ta.
Bình luận 0

Vậy là sau việc 2 chữ “cao cấp” trên tấm biển “Mầm non cao cấp Đồ Rê Mí” (gắn ở trụ sở nhóm lớp mầm non Đồ Rê Mí tại xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) được dỡ xuống lúc 22 giờ ngày 16/9, lớp học này đã được trả về đúng bản chất của một nhóm lớp mầm non như hàng triệu nhóm lớp mầm non khác trên cả nước, không có gì để gọi là cao cấp.

Cao cấp gì mà bỏ quên học sinh 8 tiếng trên xe đưa đón? Mà thực ra là những người mở nhóm lớp này tự vống lên thế chứ có ai đánh giá, chứng nhận nhóm lớp này là cao cấp đâu kia chứ? Việc này y như vụ học sinh lớp 1 tử vong sau khi bị bỏ quên trên ôtô đưa đón của trường Gateway (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Trường Gateway ấy không treo bảng có chữ cao cấp như nhóm lớp mầm non Đồ Rê Mí ở tỉnh Bắc Ninh, mà có chữ “quốc tế”.

Quốc tế hay cao cấp, chất lượng cao hay siêu nọ siêu kia… tất tật nếu không có một sự đánh giá căn cứ vào chuẩn mực nào thì đều là “đồ đểu”, nói cho đúng là lừa mị chúng dân. Bởi vậy mà sau khi có sự kiện trường Gateway, trước sự săm soi của dư luận, hàng loạt trường học khác đã âm thầm xóa chữ "quốc tế" trên bảng hiệu vì không đăng ký trong giấy phép.

Trường học mà gắn chui chữ “quốc tế” hay “cao cấp”, xét cho cùng là chỉ nhằm lừa dân chúng mang con cái đến đó học để thu tiền. Chất lượng dạy có tệ hại quá thể thì rốt cuộc sản phẩm của họ - con em mình - sẽ u tối, dốt nát đi là cùng, nhưng khi phát hiện ra thì cũng nhiều cơ hội để nắn chỉnh.

Nhưng nếu những chữ “quốc tế”, “cao cấp” ấy mà gắn bừa vào các bệnh viện, cơ sở y tế thì nguy hơn nhiều. Vì bản thân mình hay con cái mình mà lỡ đưa vào những cơ sở y tế “dỏm” thì tiền mất tật mang, chết như chơi chứ không đùa. Nghĩa là cơ hội để sửa sai ít ỏi lắm.

img

Phòng khám đa khoa Quốc tế Thu Cúc. 

Báo Dân Việt đang có loạt dài kỳ viết về việc hàng loạt bệnh viện ồ ạt tự phong “bệnh viện quốc tế”. Nỗ lực điều tra của các phóng viên đã cho thấy trong cơ cấu hệ thống khám chữa bệnh của chúng ta chỉ có 2 loại hình bệnh viện, gồm bệnh viện đa khoa và bệnh viện chuyên khoa, chứ không có “bệnh viện quốc tế”, nếu có thì chỉ là các bệnh viện đạt tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh mà thôi.

Nhưng muốn biết đạt tiêu chuẩn quốc tế nào, và về cái gì, thì phải có tổ chức tầm “quốc tế” công nhận, chứ không phải tự ghi vào bảng hiệu là nó đạt ngay tiêu chuẩn chuẩn quốc tế. Thế nhưng, ở nước ta bây giờ nhan nhản “phòng khám quốc tế”, “bệnh viện quốc tế”. Như thế thì ngành y việc gì phải lo tụt hậu so với các nước láng giềng?

Dĩ nhiên là không ai “thừa giấy vẽ voi” để ghi thêm chữ “quốc tế” vào bảng hiệu hay vào các nội dung quảng cáo. Có lợi thì người ta mới ghi vào. Các Mác chẳng đã từng nói rằng “nếu tỷ suất lợi nhuận lên 300% thì tự treo cổ mình lên nhà tư bản cũng sẵn sàng làm” kia mà. Cho nên, đừng tin là người ta không biết gì về Luật Quảng cáo 2012 hay các qui định khác liên quan đến hành vi “quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, chất lượng…”. Mà ngay đại diện một số bệnh viện, phòng khám có gắn mác “quốc tế” cũng khẳng định với phóng viên là cơ sở của họ không được tổ chức nào công nhận đạt chuẩn quốc tế, mà chữ ấy gắn lên bảng hiệu là do họ tự gắn, chỉ để… tiện làm truyền thông. Có chữ “quốc tế” hay “cao cấp” thì giá cả dịch vụ cũng phải thế, phải cao ngất trời, nạn nhân bị “chém đẹp” nhưng lòng vẫn phới phới vì được sướng… tầm “quốc tế”.

img

Website của Bệnh viện Hồng Ngọc có ghi: Phòng khám Đa khoa quốc tế Hồng Ngọc Keangnam.

Cho nên, bây giờ cứ nói thẳng với nhau rằng chuyện gọi tên trường hay bệnh viện “quốc tế”, “cao cấp”… đang là một sự loạn, đầy bát nháo ở nước ta. Rồi khi xảy ra chuyện ở trường Gateway mới lộ ra việc trường này ở cạnh cơ quan chức năng quản lý là Phòng Giáo dục Đào tạo quận Cầu Giấy, cũng như vô vàn bệnh viện “quốc tế” khắp cả nước lồ lộ ra trước mặt các cơ quan quản lý nhà nước về y tế chứ chẳng thu giấu gì, thì cái sự loạn ấy đã trở thành thảm loạn. Thảm loạn là vì nó công khai loạn, công khai sự dối trá và lừa bịp để móc túi dân chúng, chứ không sợ sệt gì. Thế thì cơ quan quản lý nhà nước nằm ở đâu, làm gì mà để những hành động lừa bịp cứ nghênh ngang thế?

Thực ra chuyện không có chất lượng “quốc tế” hay “cao cấp” mà vẫn liều mạng “nổ” như thế là có căn nguyên của nó, không phải đơn thuần là “nổ” cho oai. Hỏi cơ quan quản lý nhà nước có biết không thì rõ là biết quá. Có phải cây kim sợi chỉ gì mà khó nhìn, khó thấy. Nhưng vì sao dễ nhìn, dễ thấy mà không dễ xử thì đấy hẳn sẽ là câu chuyện khác nữa, ai biết trả lời dùm?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem