|
Theo một số chuyên gia giao thông sẽ rối loạn khi Hà Nội tăng thêm 8.000 taxi. |
Mật độ taxi gấp 9 lần Bắc Kinh
Như đã phản ánh, trong đề án quản lý hoạt động taxi vừa phê duyệt, UBND TP Hà Nội dự kiến trong 8 năm tới phát triển thêm 8.000 xe, nâng tổng số taxi của Thủ đô lên 25.000 vào năm 2020.
Chiều qua, Sở GTVT Hà Nội cho biết, toàn bộ số xe tăng mới chỉ tập trung ở ngoại thành như Sóc Sơn, Đông Anh và các khu vực vừa mở rộng.
"Với khu vực nội đô thì hạn chế tăng về số lượng, cùng với đó là tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ của các đơn vị đang hoạt động tại đây", đại diện Sở GTVT nói.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và cơ quan quản lý giao thông cho rằng, dù tăng vì mục đích gì hay phân bổ về đâu thì việc tăng thêm số lượng taxi cho Hà Nội trong thời gian này là không cần thiết, thậm chí còn có tác dụng ngược.
Theo nhiều chuyên gia vận tải, 17.405 taxi (thuộc 114 doanh nghiệp) mà Hà Nội đang có đã là quá nhiều.
"Trong lúc đường sá còn thấp kém, chưa theo kịp sự phát triển của đô thị nếu cứ tiếp tục cho phát triển thêm taxi sẽ càng làm giao thông rối loạn", ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, nói.
Viện Chiến lược và Phát triển (TDSI) - Bộ GTVT cho rằng, mật độ taxi tại khu vực đô thị Hà Nội hiện khá lớn, trung bình mỗi km2 có 52,5 taxi và mỗi km đường có 16 xe taxi hoạt động.
Riêng một số nút giao thông lớn như Trần Duy Hưng - Láng, Ngã Tư Vọng, Hai Bà Trưng - Phan Bội Châu..., giờ cao điểm, taxi chiếm 1/2 lưu lượng ô tô.
So sánh mật độ này với một số TP lớn trong khu vực, TDSI đánh giá, số lượng taxi khu vực đô thị của Hà Nội vượt gấp nhiều lần, như: Hong Kong 12,3 xe/km2, Bắc Kinh 5,7 xe/km2...
Cần quan tâm giao thông công cộng
Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho rằng, hiện số taxi ở Thủ đô hiện khá lớn ảnh hưởng giao thông, khiến nhiều hãng khó làm ăn do phải cạnh tranh quyết liệt. Nếu tiếp tục tăng thêm thì không biết các DN sẽ xoay sở thế nào.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng, những năm tới còn phát triển taxi là sai lầm và hoàn toàn đi ngược lại kế hoạch phát triển vận tải công cộng mà Hà Nội đang triển khai.
Cụ thể, ngoài phát triển xe buýt, xe buýt nhanh (BRT) từ nay đến năm 2020, Hà Nội sẽ đưa thêm nhiều hệ thống đường sắt đô thị, tàu điện ngầm vào hoạt động.
"Do vậy, ngoài dừng phát triển mới, taxi cần phải cơ cấu lại. Tuy nhiên, không hiểu sao trong đề án vừa qua, Hà Nội không làm theo hướng này lại cho phát triển thêm 8.000 xe?", ông Bùi Danh Liên đặt câu hỏi.
Theo ông Liên, nhiều thành phố trong khu vực như Bắc Kinh, Bangkok... có rất ít taxi, hạ tầng đường phố chủ yếu phục vụ hệ thống giao thông công cộng, người dân muốn đi taxi phải xếp hàng tại các khu vực được quy định và chờ 10-15 phút.
Trung tá Nguyễn Văn Đức, Đội trưởng Đội CSGT số 2 - Phòng CSGT Hà Nội, cho rằng, phần lớn vụ ùn tắc vào giờ cao điểm có nguyên nhân lớn từ taxi. Một số tuyến phố, nút giao thông khi cấm taxi lưu thông đã không còn ùn tắc.
Theo Tiền Phong
Vui lòng nhập nội dung bình luận.