Nằm ở ven đê sông Hồng, địa danh gắn liền với truyền thuyết Thánh Gióng, những năm 1995 - 1996, cả làng Phù Đổng chỉ có vài nóc nhà mái bằng, còn lại là nhà cấp bốn. Khoảng chục năm gần đây, khi phong trào chơi cây cảnh rộ, nhờ "đi trước một bước", làng đã có hàng chục tỷ phú; nhà tầng thi nhau mọc lên, đường làng được trải bê tông phẳng lì.
|
Cây hoa giấy “dáng long” đang là mốt chơi trong năm Nhâm Thìn. |
Làm chơi, ăn thật
Ông Nguyễn Văn Ngơi - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Phù Đổng Xanh, xã Phù Đổng cho hay: "Hội thành lập năm 1996, với 26 hội viên ban đầu, nay đã có gần 200 hội viên. Hội đang trồng và kinh doanh rất nhiều loại cây cảnh, cây công trình… Tham gia hội, mỗi hội viên sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng mua cây giống và được học kỹ thuật trồng, tạo dáng cây cảnh".
Theo ông Ngơi, lúc đầu chỉ có vài hộ trồng cây cảnh, chủ yếu là sanh, lộc vừng và hoa giấy với mục đích cho đẹp nhà. "Năm 1991, cụ Nhất bán một cây lộc vừng giá 4 triệu đồng, tương đương gần 2 tấn thóc. Thấy trồng cây cảnh "làm chơi, ăn thật", nhiều hộ đã chuyển sang trồng cây cảnh" - ông Ngơi cho hay.
Khởi nghiệp năm 1991 với 1 tạ thóc, anh Nguyễn Văn Hiếu đổi được 2 cành hoa sứ, 2 củ vạn tuế và 2 cây trúc Phật bà làm giống. Nhờ khéo léo, ham học hỏi đến nay Hiếu đã có 6 sào trồng cây cảnh, với hơn 1.000 cây và hàng trăm giỏ hoa lan, tổng trị giá khoảng 5 tỷ đồng. Anh Hiếu tiết lộ, trừ chi phí mỗi năm, gia đình anh lãi từ 1 - 1,2 tỷ đồng tiền bán cây cảnh và hoa lan.
Những tỷ phú trẻ
Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông, ông Hoàng Đức Cường - Chủ tịch UBND xã Phù Đổng bảo, nhờ cây cảnh, đời sống người dân trong xã không ngừng nâng lên, riêng thôn Phù Đổng có hàng chục tỷ phú, chưa kể triệu phú, nên khi huy động đóng góp làm đường chỉ vài ngày là đủ kinh phí.
Đứng trên đê chỉ những ngôi biệt thự, nhà tầng khang trang sơn màu tươi rói, ông Ngơi khoe: "Những tỷ phú trong làng đều là hội viên Hội Sinh vật cảnh. Mấy năm gần đây không chỉ những người đứng tuổi, mà nhiều thanh niên chưa đầy 30 tuổi đã thành tỷ phú, ô tô con đậu khắp ngõ".
“Nhờ cây cảnh, đời sống người dân trong xã không ngừng nâng lên, riêng thôn Phù Đổng có hàng chục tỷ phú, chưa kể triệu phú...”.
Ông Hoàng Đức Cường - Chủ tịch UBND xã Phù Đổng
Vào nghề cây cảnh năm 2006, anh Nguyễn Xuân Yên chỉ có 20 triệu đồng từ bán đôi bò và nhẫn cưới. Học hỏi kinh nghiệm những người đi trước, anh trồng 2 sào cây sanh, lộc vừng phôi.
Bán cây phôi, anh lại dồn tiền mua những cây thế "độc" trong dân về uốn nắn. Giờ đây anh đã trở thành “chuyên gia" sở hữu 1,4 mẫu trồng cây cảnh, trong đó khoảng 300 cây đã vào thế, giá từ 10-600 triệu đồng/cây.
Anh Yên tâm sự: "Làm nghề này ngoài khéo tay cần có cái duyên. Việc mua một cây giá 100 triệu đồng, sau vài ngày bán cho khách 500 triệu đồng là chuyện bình thường. Năm 2010, trừ chi phí, tôi lãi gần 2 tỷ đồng".
Tỷ phú trẻ Lê Văn Dục, năm 2005 từng là "con nợ" do buôn bán thua lỗ. Lúc trắng tay, anh tìm đến với cây cảnh và nhanh chóng trở thành tỷ phú. "Cây đắt, ngoài dáng đẹp, cổ, xuất xứ của cây, còn phải đặt được tên cho cây. Chẳng hạn, cây sanh "mâm xôi con gà" của anh Toàn ở Phú Thọ, giá tới 60 tỷ đồng là bởi nó có cái tên hấp dẫn" - anh Dục cho hay.
Nguyễn Tùng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.