Đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho cơ sở hạ tầng
Được biết, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS của Thủ đô, năm 2013, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 166/KH-UBND về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô giai đoạn 2013 - 2015”.
Mô hình trồng chè an toàn ở xã Ba Trại, huyện Ba Vì, không chỉ giúp nông dân nâng cao thu nhập mà còn thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm hái chè. Ảnh: I.T
Đến nay, 100% xã vùng DTTS của Hà Nội đã có đường ôtô đến trụ sở UBND xã, được phủ kín điện lưới quốc gia, có điểm bưu điện và đường dây điện thoại, mạng internet. Toàn thành phố hiện không còn thôn, xã đặc biệt khó khăn. |
Theo đó, thành phố sẽ đầu tư 186 nhóm dự án cho 14 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi với tổng số tiền 2.012 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện, mặc dù còn có nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là do nguồn lực hạn chế, song từ năm 2013 đến 2015, thành phố cũng đã bố trí 837,5 tỷ đồng cho 105 dự án. Đến nay, 105 dự án đã hoàn thành.
Tiếp đó, ngày 6/12/2016, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-HĐND về kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, phê duyệt kinh phí đầu tư cho các dự án theo Kế hoạch số 138/KH-UBND là 1.000 tỷ đồng với tổng số 69 dự án.
Nhờ hỗ trợ lớn của thành phố, xã Trần Phú (huyện Chương Mỹ) đã trở thành một trong những địa phương đầu tiên thuộc vùng DTTS của Thủ đô về đích NTM. Ông Đặng Đình Bình - Chủ tịch UBND xã Trần Phú cho hay, thống kê từ năm 2010 đến nay, thành phố đã đầu tư cho xã hàng chục dự án nâng cấp hạ tầng điện – đường – trường – trạm, xây dựng NTM, với tổng kinh phí gần 180 tỷ đồng.
"Nhờ đó mà cơ sở hạ tầng được nâng cấp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện cho địa phương. Đời sống của hàng chục vạn đồng bào dân tộc Mường nơi đây cũng không ngừng được cải thiện và nâng cao" - ông Bình khẳng định.
Đổi thay từng ngày
Xã Trần Phú là 1 trong 7 địa phương vùng đồng bào DTTS đã được UBND TP.Hà Nội công nhận đạt chuẩn NTM, cùng với 6 xã khác gồm: Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình (huyện Thạch Thất); xã Đông Xuân, Phú Mãn (huyện Quốc Oai) và xã Ba Trại (huyện Ba Vì). Có được kết quả trên, bên cạnh nỗ lực của người dân và chính quyền địa phương, còn phải kể tới hiệu quả từ việc triển khai các cơ chế, chính sách của thành phố.
Ông Hoàng Văn Chuyển - Phó Chủ tịch UBND xã Ba Trại, huyện Ba Vì cho biết, cùng với phát triển sản xuất, hạ tầng được đầu tư bài bản, 90% đường sá của xã đã được bê tông hóa, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Năm 2017, xã Ba Trại đã được công nhận đạt chuẩn NTM.
Ông Nguyễn Tất Vinh - Trưởng ban Dân tộc TP.Hà Nội cho biết, cùng với việc triển khai có hiệu quả các cơ chế đặc thù, thành phố cũng chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các chính sách dân tộc của T.Ư như hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số...
Theo ông Vinh, việc triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ trên không chỉ góp phần thay đổi căn bản diện mạo vùng DTTS của Thủ đô, mà còn là tiền đề quan trọng để các xã hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM.
Trong 10 năm qua, tốc độ phát triển kinh tế ở 14 xã vùng DTTS của Thủ đô đạt bình quân trên 12%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng cơ sở được đầu tư xây dựng đồng bộ…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.