Hà Nội xóa bỏ nhà siêu mỏng, siêu méo tại quận Đống Đa trong năm 2025
Hà Nội xóa bỏ nhà siêu mỏng, siêu méo tại quận Đống Đa trong năm 2025
Phương Thảo
Thứ năm, ngày 09/01/2025 10:19 AM (GMT+7)
Trong kế hoạch sử dụng đất năm 2025 của quận Đống Đa, TP. Hà Nội có việc giải phóng mặt bằng đối với các căn nhà siêu mỏng, siêu méo với tổng diện tích đất thu hồi hơn 0,17 ha.
Tại quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2025 quận Đống Đa dự kiến sẽ thực hiện 25 dự án với tổng diện tích hơn 13,6 ha. Trong đó, 14 dự án, công trình phải báo cáo HĐND TP. Hà Nội thông qua; 10 dự án không phải báo cáo và 1 dự án đã được xác định trong năm trước.
Đáng chú ý, trong kế hoạch, quận Đống Đa sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn quận với diện tích đất thu hồi hơn 0,17 ha.
Các trường hợp này nằm tại 18 phường, bao gồm: Khương Thượng, Phương Mai, Thịnh Quang, Cát Linh, Kim Liên, Quốc Tử Giám, Hàng Bột, Trung Tự, Trung Liệt, Trung Phụng, Văn Miếu, Văn Chương, Ngã Tư Sở, Nam Đồng, Thổ Quan, Quang Trung, Ô Chợ Dừa và Phương Liên.
Ngoài ra, có dự án giải phóng mặt bằng các hộ dân đang sinh sống trong khuôn viên trường và đầu tư xây dựng trường THPT Lê Quý Đôn.
Đồng thời, dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng, phường Láng Hạ cũng nằm trong kế hoạch sử dụng đất năm 2025 của quận Đống Đa.
Nhà "siêu mỏng, siêu méo" xuất hiện là do khi Nhà nước thu hồi đất, phần diện tích còn lại của thửa đất không bị thu hồi có diện tích quá nhỏ và hình dạng méo mó, gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã ban hành quyết định có hiệu lực từ ngày 7/10/2024 quy định về một số nội dung thuộc lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố. Theo đó, các mảnh đất có diện tích dưới 15 m2, cùng với mặt tiền hoặc chiều sâu nhỏ hơn 3 m so với chỉ giới xây dựng sẽ không được phép tồn tại.
Tách thửa đất tối thiểu 30 m2 ngăn chặn nhà siêu mỏng?
Theo một số chuyên gia bất động sản, sở dĩ vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo tại các thành phố lớn là bởi rất khó để hợp thửa, hợp khối các diện tích đất quá nhỏ còn lại sau giải phóng mặt bằng. Không ít gia đình muốn giữ lại phần đất nhỏ sau khi bị cắt xén để kinh doanh, nhất là khi mảnh đất đó được ra mặt đường. Cũng có nhiều trường hợp không muốn hợp thửa, hợp khối vì không đủ điều kiện tài chính để mua lại mảnh đất còn lại của hộ liền kề do giá đất lúc đó đã tăng cao.
Việc dự thảo quy định phân lô, tách thửa như vậy cũng sẽ hạn chế được những ngôi nhà mỏng, hình thù méo mó, nhà quá nhỏ giống như đang có tại nhiều khu vực ở nội thành Hà Nội, làm xấu cảnh quan đô thị.
Ông Đính cho biết
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản nhận định việc chia quá nhỏ các lô đất, làm tăng mật độ dân số, gây sức ép lên hạ tầng đô thị. Do đó, việc quy định phân lô tách thửa đất tối thiểu 30 m2 trong 4 quận nội thành là giải pháp khả thi.
GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT cũng đã đề xuất giải pháp nhằm hạn chế tình trạng nhà "siêu mỏng, siêu méo". Theo ông, thay vì chỉ thu hồi đất theo đúng chỉ giới đường đỏ, có thể thu hồi luôn những phần đất không đủ diện tích xây dựng để sử dụng vào các mục đích công cộng như vườn hoa hay bảng tin.
Thậm chí, có thể xem xét việc thu hồi thêm 10 - 15 m từ phía sau chỉ giới đường đỏ để xây dựng các ngôi nhà riêng lẻ có chiều cao phù hợp với quy hoạch, sau đó bán đấu giá.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.