Hà Nội xoay xở nhân rộng chuỗi liên kết chăn nuôi

Nguyễn Ngọc Sơn Thứ ba, ngày 13/12/2022 11:34 AM (GMT+7)
Là địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, để cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng, ngành nông nghiệp Hà Nội đang phối hợp với các địa phương, HTX đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi từ sản xuất đến tiêu thụ, thực hiện truy xuất nguồn gốc xuất xứ.
Bình luận 0

Nhiều điểm nghẽn trong xây dựng chuỗi giá trị chăn nuôi

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, đến nay, toàn thành phố có trên 20 mô hình chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, thu hút gần 3.000 hộ và trên 1.000 cơ sở bán hàng, doanh nghiệp tham gia. Hàng ngày, các chuỗi này cung cấp cho thị trường khoảng 26 tấn thịt lợn, 2 tấn thịt bò, 13,5 tấn thịt gia cầm, 120.000 quả trứng gia cầm, khoảng 100 tấn sữa tươi…

Tại các chuỗi, quy trình chăn nuôi, giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi cơ bản được thực hiện theo chu trình khép kín, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Các mô hình chuỗi hiện nay đã tạo ra chuyển biến tích cực, giúp người dân phát triển sản xuất bền vững và tạo ra những sản phẩm chăn nuôi có thương hiệu. Bước đầu các mô hình đã tạo nền tảng liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi có thị trường tiêu thụ ổn định. 

Điển hình là các chuỗi giá trị của một số doanh nghiệp lớn như Công ty Chăn nuôi CP Việt Nam, Tập đoàn Dabaco, Công ty Japfa…

Hà Nội xoay xở nhân rộng chuỗi liên kết chăn nuôi - Ảnh 1.

Trang trại chăn nuôi gà công nghệ cao tại Quốc Oai. Ảnh: Ngọc Sơn

Hà Nội hiện có đàn gia cầm đứng trong tốp đầu cả nước, dao động khoảng 37-38 triệu con; đàn lợn 1,6 triệu con; đàn trâu bò khoảng 170.000 con, đàn chó mèo trên 430.000 con; đàn dê trên 13.000 con. Tổng số trang trại chăn nuôi laf 6.515, trong đó có 91 trang trại quy mô lớn.

TP.Hà Nội đã xây dựng nhiều nhãn hiệu tập thể như gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình (huyện Ứng Hòa), trứng vịt Liên Châu (huyện Thanh Oai); trên 30 nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm chăn nuôi (trứng gà Tiên Viên, Sữa Trang Viên, thực phẩm AZ...).

Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cũng cho biết, thời gian qua việc xây dựng chuỗi giá trị chăn nuôi còn gặp quá nhiều khó khăn, vướng mắc. Tốc độ đô thị hóa nhanh trực tiếp ảnh hưởng đến các vùng chăn nuôi, trang trại chăn nuôi và hệ thống chuỗi liên kết, chế biến tiêu thụ sản phẩm. 

Một số huyện đang chăn nuôi với số lượng gia súc gia cầm lớn, nhưng thành phố đã có lộ trình để đưa các huyện lên quận (Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức), do đó việc chăn nuôi ở thị trấn của các huyện này cũng đang bị cấm.

Bên cạnh đó, một số chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến sâu sản phẩm chăn nuôi có mức hỗ trợ thấp, chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư. Thành phố đã quy hoạch mạng lưới giết mổ, nhưng tiến độ thực hiện tại các huyện còn nhiều vướng mắc. 

Đặc biệt, việc kết nối tác nhân thực hiện khâu giết mổ, sơ chế, bảo quản sản phẩm gia súc, gia cầm còn khó khăn do tình trạng giết mổ nhỏ lẻ còn phổ biến. Cụ thể, Hà Nội hiện có tới 730 cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm trong đó chỉ có 7 cơ sở công nghiệp; 56 bán công nghiệp; còn lại là cơ sở, điểm nhỏ lẻ, thủ công.

Thành phố đã có quy hoạch chăn nuôi, song việc triển khai trong thực tế rất khó khăn do những vướng mắc về cơ chế đất đai, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất phát triển trang trại quy mô lớn, cơ sở giết mổ... Số trang trại chăn nuôi tự phát, nhỏ lẻ, nuôi kiểu tận dụng còn cao (gần 60%). 

Đây chính là điểm nghẽn lớn trong việc hình thành, phát triển các chuỗi liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu cho các cơ sở giết mổ, sơ chế chế biến.

Đẩy mạnh chuỗi liên kết, chế biến sâu

Hiện Hà Nội đã ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trong đó thành phố đã đề ra một số giải pháp cụ thể. 

Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội - Tạ Văn Tường cho biết, cùng với việc hình thành những trang trại chăn nuôi quy mô lớn, an toàn dịch bệnh, Hà Nội sẽ đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết, gắn các cơ sở giết mổ với các hộ chăn nuôi quy mô lớn, tạo quy trình đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, chú trọng chế biến sâu các sản phẩm từ động vật để vừa bảo đảm quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, vừa góp phần thúc đẩy chăn nuôi bền vững, hiệu quả.

Hà Nội cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng kế hoạch nâng cao năng suất chất lượng giống vật nuôi trên địa bàn giai đoạn 2021-2025. Đề xuất bổ sung chính sách đặc thù hỗ trợ di dời các trại chăn nuôi trong khu dân cư nhằm đáp ứng các quy định của Luật Chăn nuôi và giữ vững an sinh xã hội. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch kịp thời các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp, các khu giết mổ tập trung xa khu dân cư tại các vùng sản xuất chăn nuôi tập trung để bảo đảm ổn định nguồn nguyên liệu phù hợp với công suất của các cơ sở giết mổ.

Tăng cường hợp tác với các tỉnh trong công tác quản lý giết mổ; có lộ trình đưa các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung...

Khuyến khích người chăn nuôi nhỏ liên kết chặt chẽ với nhau trong chuỗi, liên kết theo từng nhóm gia trại, trang trại, trong đó các doanh nghiệp là "đầu tàu" trong chuỗi, đảm nhiệm vai trò tổ chức sản xuất, cung ứng tiến bộ khoa học kỹ thuật và thị trường tiêu thụ. Hình thức này đảm bảo cho các tác nhân tham gia trong chuỗi có thể chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm với nhau, đảm bảo điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem