Hà Nội xuất hiện chiêu lừa đảo "con bị tai nạn, chuyển tiền gấp", phụ huynh lo lắng

Tào Nga Thứ ba, ngày 14/03/2023 10:57 AM (GMT+7)
Phụ huynh cho biết đã vô cùng hốt hoảng khi nhận cuộc gọi lạ lừa đảo thông báo con bị cấp cứu ở Bệnh viện Việt Đức và yêu cầu chuyển tiền gấp để phẫu thuật.
Bình luận 0

Cảnh báo chiêu lừa đảo "con bị tai nạn"

Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội đăng thông tin nhiều phụ huynh bị lừa tiền với kịch bản con đang cấp cứu ở bệnh viện TP.HCM. Một số bệnh viện cũng ra cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo. Hàng loạt phụ huynh đã bị lừa hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. 

Chiêu lừa đảo này sau đó lan dần ra nhiều tỉnh thành và mới đây, phụ huynh ở Hà Nội cho biết cũng đã nhận được cuộc gọi tương tự yêu cầu chuyển tiền gấp.

Sáng 14/3, nhà văn Hoàng Anh Tú cho biết, vừa nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại thông báo con anh bị tai nạn cần chuyển tiền gấp. "Tôi vừa nghe máy thì giọng bên kia hớt hải: Chú ơi, chú có phải là bố bạn T.M không? Cháu là bạn của T.M. Bạn M bị tai nạn đang cấp cứu ở Bệnh viện 108. Chú chuyển tiền để cháu đóng viện phí cho bạn ấy không thì nguy kịch mất. Tuy nhiên, thực tế thì T.M sáng nay lại xin nghỉ học ở nhà 2 tiết đầu để ôn thi", nhà văn Hoàng Anh Tú kể.

Chị N.T.T., phụ huynh có con học tại Trường THCS Ngô Sỹ Liên, Hà Nội kể lại, vào trưa ngày 13/3, chị nhận được cuộc gọi điện thoại của người tự xưng là giáo viên thể dục của con. Người này đọc đúng tên và cho biết con chị bị ngã đang cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức.

Hà Nội xuất hiện chiêu lừa đảo "con bị tai nạn, chuyển tiền gấp", phụ huynh hoang mang - Ảnh 1.

Thông tin cá nhân bị lọt vào tay kẻ gian dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Ảnh: MQ

Dù đã nghe về chiêu trò lừa đảo này ở TP.HCM nhưng khi bản thân chị T. rơi vào tình huống này lại khá hốt hoảng. Tuy nhiên, đến khi chị T. truy vấn là giáo viên dạy thể dục lớp nào thì người này tắt máy. Lúc này chị T. mới biết chắc chắn mình đang bị lừa. 

Một phụ huynh khác cũng rơi chiêu trò lừa đảo này. Anh Đ.Đ.N, phụ huynh có con học ở Hà Nội cũng nhận được cuộc gọi lạ thông báo con đang cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức. Tuy nhiên, vì đã được cảnh báo về tình trạng lừa đảo này trên các phương tiện thông tin đại chúng trong tuần qua nên anh đã ngay lập tức đưa lên mạng xã hội để bạn bè, người thân biết để cảnh giác không bị sập bẫy.

Phụ huynh nhắc nhở nhau tránh bị lừa

Không chỉ 1 cuộc mà chỉ trong buổi sáng, anh Hoàng Anh Tú đã nhận tới 2 cuộc gọi thông báo 2 con của anh bị tai nạn. "Chiêu lừa đánh vào sự hốt hoảng của cha mẹ khi nghe tin con cái đang phải cấp cứu vì tai nạn. Kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu chuyển tiền gấp vì bệnh viện yêu cầu nộp viện phí ngay nếu không sẽ không cấp cứu. Sau khi tôi đưa lên trang cá nhân của mình, rất nhiều bạn đã cung cấp thêm những trường hợp tương tự cho thấy chiêu này đang là trend của bọn lừa đảo. Tôi thấy mình có nghĩa vụ phải cảnh báo đến các phụ huynh đang là độc giả của mình", anh Tú cho hay.


Chị Nguyễn Lan Hương, một phụ huynh ở Hà Nội nhắc nhở: "Hiện nay nạn lừa đảo con bị tai nạn cấp cứu ở bệnh viên đang hoành hành ở Hà Nội. Các mẹ cần rất bình tĩnh, tỉnh táo nếu nhận được điện thoại yêu cầu chuyển tiền. Có mấy chị bạn mình đã nhận được cuộc gọi, có người chuyển oan mất 40 triệu rồi".

Nói về lý do vì sao phụ huynh dễ bị lừa, theo chị T.: "Tâm lý phụ huynh khi nhận được cuộc gọi về các vấn đề của con, nhất là sức khỏe, thường sẽ bị rối và dễ bị cuốn theo. Tuy nhiên, phụ huynh nên trấn tĩnh sẽ thấy những điều không phù hợp. Ví dụ như hôm đó là lịch thi của con nên chắc chắn không có chuyện con bị ngã trong giờ thể dục.

Bên cạnh đó, mọi thông tin liên hệ giữa nhà trường và phụ huynh sẽ thông qua giáo viên chủ nhiệm nên trước tiên cần gọi điện cho giáo viên chủ nhiệm của con để kiểm tra. Nếu không liên hệ được với giáo viên có thể gọi qua số điện thoại của nhà trường".

Trước thực trạng này, các chuyên gia công nghệ cũng lên tiếng cảnh báo về việc nguy cơ lộ, lọt thông tin về học sinh và khuyến cáo các trường học cần nâng cao bảo mật, tránh tình trạng có sơ hở để kẻ gian lợi dụng trục lợi.

Theo thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP.HCM, thông tin cá nhân của học sinh có thể bị lộ, lọt qua nhiều hình thức khác nhau như: lỗ hổng bảo mật, dữ liệu do các doanh nghiệp, đơn vị, cửa hàng… thu thập làm lộ ra ngoài.

Ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) - chuyên gia an ninh mạng, nhận định hiện nay thông tin cá nhân của người dân đang lộ, lọt trên không gian mạng rất nhiều. Việc lộ thông tin cá nhân từ chính mạng xã hội như Facebook, Zalo hoặc thông qua các nguồn dữ liệu trên các website….

Một nguy cơ làm lộ, lọt thông tin khác chính từ những dịch vụ bản thân hoặc công ty của mình đang sử dụng. Điển hình rất dễ thấy hiện nay như: hãng hàng không, dịch vụ ăn uống, nhà hàng, vui chơi, nghỉ dưỡng... khi phụ huynh, học sinh khai báo thông tin để làm thẻ khách hàng thì có thể bị bán dữ liệu ra ngoài.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem