Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế vừa kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai phối hợp với các bộ ngành Trung ương chuẩn bị kỹ Đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; cơ chế chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế” trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước tháng 6/2020.
Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cũng kiến nghị giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh phối hợp với Bộ KHĐT tham mưu Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trình Chính phủ trong tháng 2/2020.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2020/images/2020-01-30/Ha-tang-TT-Hue-duoc-dau-tu-nhu-the-nao-khi-xay-dung-thanh-pho-Tu-dt-hue-1580372995-width774height581.jpg)
Đô thị Huế nhìn từ trên cao.
Bên cạnh đó, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế kiến nghị giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh phối hợp với các bộ ngành Trung ương xây dựng 3 đề án trình Chính phủ trong quý I năm 2020. Đó là các đề án “Bộ tiêu chí cho đô thị có tính chất đặc thù về di sản”, “Mô hình đô thị Thừa Thiên Huế- thành phố trực thuộc Trung ương” và “Cơ chế chính sách đặc thù để phát triển nhanh và bền vững Thừa Thiên Huế trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế”.
Ngoài ra, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế còn kiến nghị giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng Đề án Mở rộng địa giới hành chính TP.Huế trình Quốc hội thông qua trong quý IV năm 2020.
Theo dự thảo Chương trình hành động của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị, tỉnh sẽ phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin và đô thị đồng bộ, hiện đại và thông minh, đảm bảo sự hài hòa giữa kiến trúc với tự nhiên và đặc thù của Huế.
Cụ thể, tỉnh sẽ thu hút vốn đầu tư bằng nhiều hình thức cho xây dựng hệ thống giao thông, bảo đảm tăng cường kết nối nội vùng, liên vùng và quốc tế. Trong thời gian tới sẽ hoàn thành đầu tư tuyến đường bộ ven biển, cao tốc nối các tỉnh trong vùng trọng điểm kinh tế miền Trung, mở rộng các tuyến quốc lộ 49A, quốc lộ 49B, mở rộng hầm Phước Tượng- Phú Gia, nâng cấp cảng nước sâu Chân Mây thành cảng container, cảng du lịch và xây dựng cảng chuyên dùng Điền Lộc, khu neo đậu trú bão khu vực Thuận An. Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài sẽ được nâng công suất lên 15 triệu khách/năm. Bên cạnh đó là việc cải tạo tuyến đường sắt khu vực đèo Hải Vân, đường sắt tốc độ cao Hà Nội- TP. Hồ Chí Minh.
Hệ thống giao thông đối nội ở tỉnh sẽ được đầu tư đồng bộ để kết nối giữa các đô thị, trong đó ưu tiên tuyến đường tránh Huế- Thuận An, TP.Huế- sân bay Phú Bài, đường vành đai 3 TP.Huế, xây dựng cầu qua sông Hương và hạ tầng một số bãi biển du lịch (các bãi biển Vinh Thanh, Vinh Xuân, Vinh Hiền, Quảng Công, Quảng Ngạn, Hải Dương, Điền Lộc, Phong Hải). Một số tuyến đường nội thị quan trọng tại TP.Huế, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, thị trấn Thuận An, thị trấn Sịa và các trục chính giao thông các huyện Phong Điền, Quảng Điền sẽ được đầu tư nâng cấp.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2020/images/2020-01-30/Ha-tang-TT-Hue-duoc-dau-tu-nhu-the-nao-khi-xay-dung-thanh-pho-Tu-do-thi-hue-2-1580373032-width1785height1005.jpg)
Nghị quyết của Bộ Chính trị đưa ra mục tiêu tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.
Hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông của tỉnh sẽ được phát triển phù hợp với điều kiện và sự phát triển kinh tế - xã hội, phát triển các ngành, các lĩnh vực trên địa bàn. Công nghệ thông tin sẽ được tập trung phát triển theo hướng hiện đại, có tính nền tảng và có lợi thế so sánh, phát triển nhanh, bền vững, nâng cao hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành, tạo công cụ tham gia xây dựng, quản lý và phát triển toàn bộ kết cấu hạ tầng đô thị.
Tỉnh sẽ mở rộng địa giới hành chính đô thị về hướng đông, diện tích TP.Huế tăng gấp gần 5 lần, từ 70,99km2 lên 348,54km2. Đô thị trung tâm của tỉnh sẽ được hình thành với 2 trục phát triển và các đô thị động lực, gồm thị xã Phong Điền, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy; xây dựng đô thị Chân Mây. Bên cạnh đó, tỉnh phát triển các đô thị nghỉ dưỡng ven biển Điền Lộc, Hải Dương, Thuận An, Vinh Xuân, Vinh Thanh, Vinh Hiền; ứng dụng một số tiện ích thông minh để quản lý đô thị trên một số lĩnh vực.
Tỉnh sẽ hoàn thành việc di dời các hộ dân trong khu vực 1, khôi phục toàn bộ các công trình di tích chính trong khu vực Đại Nội và các công trình văn hóa, khu phố cổ Gia Hội, Chi Lăng, Bao Vinh; bảo tồn phố cổ, đô thị cổ, nhà rường, nhà vườn, làng cổ Phước Tích.
Về y tế, tỉnh tập trung xây dựng và nâng cao năng lực các thiết chế y tế trên địa bàn để trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước. Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Trường Đại học Y dược Huế sẽ được xây dựng đạt chuẩn các bệnh viện tiên tiến khu vực Đông Nam Á, tiến tới đạt chuẩn quốc tế về y tế. Trường Đại học Y dược Huế được phát triển theo mô hình “trường- viện” tiên tiến thế giới.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2020/images/2020-01-31/Ha-tang-TT-Hue-duoc-dau-tu-the-nao-khi-xay-dung-thanh-pho-Tu-do-thi-hue-1580436304-width624height565.jpg)
Định hướng phát triển không gian đô thị Huế (màu vàng) đến năm 2025.
Về giáo dục, sẽ phát triển Đại học Huế trở thành đại học quốc gia của Việt Nam, phấn đấu nằm trong tốp 300 các trường đại học hàng đầu Châu Á. Trường THPT chuyên Quốc Học Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.