Hà Tĩnh: Cây cam khắp nơi lên ngôi, nông dân toàn thu tiền tỷ

Quỳnh Nga Thứ tư, ngày 06/12/2017 13:30 PM (GMT+7)
Đó là mục tiêu chính được đề cập đến trong chuyên đề “Giải pháp nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng trên cây có múi” tại diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hôm 3.12.
Bình luận 0

Lãi tiền tỷ

Hà Tĩnh được biết đến với các cây trồng đặc sản như bưởi Phúc Trạch, cam bù Hương Sơn, cam Khe Mây, cam Vũ Quang, cam Hương Sơn, cam Thượng Lộc… Hiện cây cam, bưởi, quýt nằm trong nhóm 15 loài cây trồng có diện tích và sản lượng lớn nhất trong nhóm cây ăn quả.

img

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm gian hàng đặc sản cam tại Lễ hội cam và các sản phẩm nông nghiệp lần thứ nhất của tỉnh Hà Tĩnh, ngày 2.12. Ảnh: Thành Chung

"Nhờ áp dụng kỹ thuật sản xuất cam theo VietGAP, gia đình tôi đã giảm được nhiều chi phí, mẫu mã quả đẹp, năng suất cam đạt gần 25 tấn/ha. Giá bán thời điểm này chỉ được 35.000 - 40.000 đồng/kg, nhưng gần tết giá sẽ cao hơn rất nhiều, có thể đạt 100.000 - 120.000 đồng/kg...”.

Chị Phan Thị Hiền

Tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, cam, bưởi, quýt là nhóm cây đặc sản, có giá trị hàng hóa, với diện tích khoảng trên 16.200ha. Trong đó, cam có gần 10.000ha, tập trung chủ yếu ở Nghệ An và Hà Tĩnh (4.000ha/tỉnh) với các giống chủ yếu: Cam Xã Đoài, cam Vân Du, cam V2, cam chanh… Bưởi có trên 5.100ha, tập trung lớn nhất tại Hà Tĩnh (khoảng 2.000ha), với giống chủ yếu là Phúc Trạch, bưởi Thanh Trà…

Nhằm định hướng phát triển cam Hà Tĩnh bền vững đáp ứng yêu cầu thị trường, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã xây dựng mô hình “Thâm canh cây cam theo VietGAP”. Năm 2017, mô hình được triển khai thành công tại các huyện Vũ Quang, Hương Khê, Can Lộc và Thạch Hà với quy mô 30ha, 24 hộ tham gia; trong đó xã Đức Lĩnh (huyện Vũ Quang) có 10ha, 10 hộ tham gia; xã Hương Đô (huyện Hương Khê) có 10ha, 7 hộ tham gia; xã Ngọc Sơn (huyện Thạch Hà) có 10ha, 7 hộ tham gia.

Các hộ được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn kỹ thuật sản xuất; được hướng dẫn, tổ chức sản xuất cam theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), đáp ứng các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, điều kiện sản xuất từ khi trồng, chăm sóc, chế biến và đóng gói sản phẩm theo quy định của Bộ NNPTNT.

Chị Phan Thị Hiền (xóm Anh Hùng, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc) cho biết: “Nhờ áp dụng kỹ thuật sản xuất cam theo VietGAP, gia đình tôi đã giảm được nhiều chi phí, mẫu mã quả đẹp, năng suất cam đạt gần 25 tấn/ha. Giá bán thời điểm này chỉ được 35.000 - 40.000 đồng/kg, nhưng gần tết giá sẽ cao hơn rất nhiều, có thể đạt 100.000 - 120.000 đồng/kg, nên gia đình tôi sẽ để một phần chờ gần dịp tết mới bán ra thị trường. Ước tính, mỗi năm gia đình tôi thu trên 300 triệu đồng/ha”.

Ông Nguyễn Viết Chuân – Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc cho biết: “Với số lượng nhiều, chất lượng tốt nên cam Thượng Lộc đã có mặt khắp thị trường trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt Cam Thượng Lộc được cấp chứng nhận VietGAP, góp phần xây dựng cho thương hiệu cam nơi đây”.

Dọc con đường bê tông chạy vào xã Sơn Mai (huyện Hương Sơn) rợp màu vàng của những vườn cam. Anh Phạm Ngọc Thưởng (thôn Kim Lĩnh, xã Sơn Mai) hồ hởi cho biết: “Năm nay, sản lượng cam nhà tôi thu được gấp khoảng 3 lần năm ngoái. Trừ mọi chi phí từ thuốc bảo vệ thực vật, công cán, chắc cũng lãi được 1 tỷ đồng”.

Gắn sản xuất với công nghiệp chế biến

Mặc dù, cây cam và một số loại cây ăn quả có múi mang lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên, tình trạng sản xuất cây ăn quả có múi nhỏ lẻ, phân tán, dẫn đến quy cách, mẫu mã, chất lượng sản phẩm thiếu đồng đều; cơ cấu giống địa phương là chủ yếu, hạn chế trong chế biến nông nghiệp; tỷ lệ cây giống sạch bệnh, chất lượng tốt đưa ra sản xuất đại trà còn thấp; giá thành cao, an toàn thực phẩm hạn chế; thị trường chủ yếu là nội địa, lượng xuất khẩu khiêm tốn.

Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia - ông Trần Văn Khởi cho biết: “Mặc dù diện tích và sản lượng cây có múi không ngừng tăng nhanh trong những năm gần đây nhưng năng suất cây ăn quả vùng Bắc Trung Bộ còn thấp và chưa ổn định”.

Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhận định, để phát triển cây ăn quả có múi theo hướng giá trị cao, đáp ứng tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp, sản xuất, cần tập trung thâm canh, tăng năng suất chất lượng áp dụng quy trình VietGAP; gắn sản xuất với công nghiệp chế biến…

Tại diễn đàn, đại biểu cũng đã nghe các tham luận về quản lý sâu bệnh hại; một số tiến bộ kỹ thuật ứng dụng trong sản xuất cây ăn quả; thực trạng phát triển cây ăn quả tại Hà Tĩnh; kinh nghiệm của các nhà vườn về giải pháp sản xuất hiệu quả cây ăn quả có múi; liên kết sản xuất- tiêu thụ cam, bưởi…

Phát biểu tại diễn đàn, ông Đặng Ngọc Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: “Nội dung diễn đàn này rất sát với thực tế sản xuất, cung cấp những thông tin bổ ích về phát triển cây ăn quả có múi đến người nông dân. Hà Tĩnh hiện nay đang quy hoạch từ 12.000- 14.000ha cây ăn quả có múi, việc hoạch định sản xuất đúng hướng chính là cốt lõi để nâng cao giá trị. Đặc biệt đáng chú ý là các tiếp cận ứng dụng khoa học công nghệ về giống, quy trình kỹ thuật, bảo quản, chế biến và thị trường”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem