Hà Tĩnh: Sông dữ "ngoạm" nhà, hàng nghìn hộ bất an

Quỳnh Nga Thứ bảy, ngày 11/11/2017 13:42 PM (GMT+7)
Mùa mưa lũ về, người dân Hương Khê (Hà Tĩnh) sống ven sông Ngàn Sâu ăn không ngon, ngủ chẳng yên vì có thể mất nhà, mất đất bất cứ lúc nào.
Bình luận 0

Sông dữ “ngoạm” nhà dân

Thời gian vừa qua, theo phản ánh của nhiều hộ dân ở xã Lộc Yên (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), tình trạng sạt lở nghiêm trọng dọc bờ sông Ngàn Sâu đã khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn.

Người dân luôn phải sống trong cảnh thất thỏm lo sợ vì  nhà cửa và tài sản có thể bị “trôi” xuống sông bất cứ lúc nào. Con đường bê tông liên thôn thuộc thôn Hương Giang (xã Lộc Yên), lâu nay đã bị sông Ngàn Sâu “lấn” vào tận lề đường với những vết “ngoạm” nham nhở.

img

Con đường bê tông liên thôn thuộc thôn Hương Giang (xã Lộc Yên), lâu nay đã bị sông Ngàn Sâu “lấn” vào tận lề đường với những vết “ngoạm” nham nhở.

Nhìn ngôi nhà chỉ trong một đêm bỗng được ra “mặt tiền” ven sông, ông Phạm Văn Nguyên (xóm Hương Giang, xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) lo lắng: “Trước đây, nhà tôi cách bờ sông hơn 50m, nhưng hơn 4 năm nay tình trạng sạt lở bên bờ sông ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt, sau cơn bão số 10, đoạn đường liên xã đi qua nhà tôi bị sạt lở ăn sát gần vào nhà.

Tôi không dám nghĩ đến chuyện mua đất đi nơi khác vì hoàn cảnh khó khăn, để xây dựng căn nhà này tôi đã vay mượn rất nhiều, bây giờ hơn 100 triệu tiền ngân hàng chưa trả xong. Tôi rất lo không biết ngôi nhà này sẽ trụ được đến bao giờ”.

img

Con đường liên thôn thuộc thôn Hương Giang (xã Lộc Yên) nằm chênh vênh bên dòng sông tử thần

Cách nhà ông Nguyên không xa là căn nhà của anh Cao Đình Thắng (xóm Hương Giang), nhìn vườn bưởi bao năm chăm bón thế nhưng chỉ trong 1 đêm hàng chục gốc bưởi bị nước sông cuốn trôi, anh Thắng nói: “Nhiều đêm đang ngủ, nghe tiếng động mạnh tôi giật mình chạy ra quan sát xem đất lở đến đâu để còn biết mà gọi vợ con dậy chạy cho kịp”. 

“Đất sản xuất nông nghiệp, rau màu của địa phương chủ yếu nằm dọc bờ sông Ngàn Sâu. Xã đã chỉ đạo nhân dân hàng năm trồng tre làm kè chắn sạt lở, thuê máy nắn dòng nhưng do lũ lớn, nước chảy mạnh nên không mấy hiệu quả” - ông Đinh Văn Lâm – Chủ tịch UBND xã Hương Đô. 

Để ngăn chặn nạn sạt lở, người dân ven hai bên bờ sông đã trồng thêm một số loại cây như bưởi, tre…., tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, bà  Phan Thị Thanh (87 tuổi, xóm Hương Giang, xã Lộc Yên) cho biết: “Tôi sống ở đây gần đời người, sinh ra và lớn ở thôn này chưa bao giờ tôi thấy tình trạng sạt lở khủng khiếp như hiện giờ. Đặc biệt, cơn bão số 10 đã cuốn trôi nhiều cây cối ven sông mà chúng tôi trồng để ngăn chặn sạt lở. Bây giờ, tôi chỉ có một mong muốn duy nhất là sớm được di dời ra khỏi khu vực này để bảo vệ tính mạng, tài sản”.

Chính quyền bó tay?

Người dân cũng cho biết, từ ngày Thủy điện Hố Hô ở thượng nguồn sông Ngàn Sâu xây dựng và đi vào hoạt động, vào mùa mưa, mỗi khi xả lũ quá lớn cũng có thể là tác nhân gây sạt lở.

img

Để ngăn chặn nạn sạt lở, người dân ven hai bên bờ sông đã trồng thêm một số loại cây như bưởi, tre…tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời!

Theo quan sát của phóng viên Dân Việt, tại xã Lộc Yên, sông Ngàn Sâu đã làm sạt lở nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp và đất vườn thuộc 4 xóm: Hương Yên, Hương Bình, Hương Đồng và Bình Phúc.

Mặc dù tình trạng sạt lở nghiêm trọng, có nhiều nơi đã “ăn” sát nhà dân nhưng đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa có phương án giải quyết.

Ông Nguyễn Chí Thiện – Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Yên cho hay: “Tình trạng sạt lở dọc bờ sông Ngàn sâu hết sức nghiêm trọng, nhiều nơi đã lấn sát nhà dân như ở xóm Hương Giang, Hương Bình đe dọa đến tính mạng, tài sản của hàng trăm hộ dân nhưng chúng tôi vẫn chưa có phương án giải quyết. Vì xã đang thiếu quỹ đất nên chưa thể bố trí đất để di dời các hộ này đến nơi ở khác".

img

Không còn đất canh tác, người dân lại phải nhọc nhằn mưu sinh bằng nghề chài lưới trên dòng sông Ngàn Sâu, mà thu nhập rất bấp bênh. Bởi thế cái đói cái nghèo luôn hiện hữu với họ.

Không chỉ ở xã Lộc Yên, tình trạng sạt lở bờ sông Ngàn Sâu đang diễn ra tại nhiều điểm trên địa bàn huyện Hương Khê với 12 xã, hơn 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Có nhiều đoạn, đất lở hàng chục mét, lòng sông “lấn” sâu vào vườn, một số nhà dân chỉ cách bờ sông hơn 10m.

Dọc bờ sông Ngàn Sâu đoạn qua xã Hương Đô (huyện Hương Khê), những “hàm ếch” khổng lồ xuất hiện ngày càng nhiều và có thể đổ sụp xuống bất cứ lúc nào.

Đất lở đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của 100 hộ dân xã Hương Đô. Trong đó, nặng nhất là thôn 5 xã Hương Đô với 5/25 ha đất sản xuất đã bị lòng sông “nuốt chửng”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem