Hà Tĩnh thu “quả ngọt” sau học nghề

An Nhiên Thứ bảy, ngày 01/12/2018 13:20 PM (GMT+7)
Theo Sở NNPTNT tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2008 – 2017, tỉnh này đã đào tạo nghề cho gần 50.000 lao động nông thôn; thông qua công tác đào tạo nghề đã hình thành hàng trăm mô hình kinh tế cho nguồn thu từ 500 triệu đồng đến vài chục tỷ đồng/năm.
Bình luận 0

Tỉnh nghèo “hái” quả ngọt

Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT một cách cụ thể; rà soát nhu cầu, xác định chỉ tiêu, ngành nghề gắn với đề án tái cấu trúc nông nghiệp, phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới của từng địa phương, đơn vị.

img

Đào tạo nghề là “bàn đạp” để nông dân Hà Tĩnh làm giàu dựa trên thế mạnh vùng miền. Ảnh: T.L

Từ chương trình đào tạo nghề cho LĐNT, trên địa bàn Hà Tĩnh đã xuất hàng trăm mô hình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm; đồng thời còn tạo ra chuỗi liên kết “4 nhà” với sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, trong đó người nông dân được hưởng lợi nhiều hơn, tiêu thụ nông sản ổn định hơn…

Các lớp đào tạo nghề được tổ chức theo nhu cầu và gắn với giải quyết việc làm đã giúp người dân nắm được kiến thức cơ bản về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất để tăng năng suất lao động, tăng giá trị hàng hóa trên một đơn vị diện tích. Nhiều học viên sau khi học nghề đã tìm được việc làm hoặc tự tổ chức sản xuất, kinh doanh.

Thành công của đào tạo nghề LĐNT đã cho ra đời hàng trăm mô hình sản xuất cho doanh thu từ 500 triệu đồng/năm trở lên, đó là những vườn cam, bưởi thâm canh trĩu quả, những trang trại liên kết tiềm năng, mô hình nuôi trồng thủy sản bạc tỷ…

Điển hình như mô hình trang trại tổng hợp của ông Nguyễn Mạnh Bá ở xóm Hương Tân, xã Đức Hương (huyện Vũ Quang) với hơn 900 gốc cây ăn quả có múi, trên 500 con gà, hàng trăm con chim bồ câu và hàng chục con lợn/lứa. Doanh thu mỗi năm của gia đình ông từ việc nuôi trồng đạt trên 800 triệu đồng, lợi nhuận bằng 1/3. Quyết tâm làm giàu dần hiện hữu khi ông biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất. Trồng cây gì, nuôi con gì, kỹ thuật chăm sóc ra sao, cách phòng chữa bệnh thế nào, rồi làm gì để bảo quản sản phẩm sau thu hoạch… là những điều ông Bá học được từ các lớp đào tạo nghề do địa phương tổ chức.

Ông Bá chia sẻ: “Nhờ được đào tạo nghề, những người nông dân chân đất như tôi đã biết quy hoạch vùng sản xuất bài bản, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt và biết hạch toán các chi phí để nâng cao thu nhập”.

Thông qua các lớp đào tạo, cộng với việc tự tìm tòi học hỏi, mô hình trồng thanh long ruột đỏ gần 2ha của gia đình anh Lê Hồng Điệp (xã Phú Lộc, huyện Can Lộc) đã trở thành địa chỉ nhiều người dân trên địa bàn Hà Tĩnh đến tham quan, học hỏi.

“Thanh long ruột đỏ dễ trồng, chịu hạn tốt, phù hợp với đất đồi, đất cát lại ít sâu bệnh. So với thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ cho hiệu quả kinh tế khá cao, năng suất mỗi gốc khoảng 25 - 30kg. Đến mùa thu hoạch, khách vào tận vườn đặt mua. Năm 2018 này, gia đình tôi ước tính thu được gần 13 tấn thanh long, trị giá gần 300 triệu đồng” – anh Điệp nói.

“Bàn đạp” để làm giàu

Kinh tế phát triển, bộ mặt nông thôn đổi thay từng ngày, đời sống văn hóa tinh thần của hàng chục nghìn hộ nông dân ngày càng được được nâng lên... – đây là những kết quả nổi bật, ghi dấu ấn đậm nét sau nhiều năm tỉnh Hà Tĩnh nỗ lực đào tạo nghề cho LĐNT.

Bà Nguyễn Thị Nhuần – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Với nhiều hình thức đào tạo (ngắn hạn, dài hạn, tập huấn bồi dưỡng, nông dân dạy nông dân) và địa điểm đào tạo linh hoạt (địa bàn dân cư, các tổ hợp tác, HTX, trang trại, gia trại) đã giúp nông dân nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm. Ngoài ra, các lớp đào tạo nghề còn trang bị cho nông dân nhiều kiến thức bổ trợ như: Lập kế hoạch sản xuất, khả năng thương thảo hợp đồng, hạch toán kinh tế… Từ đây, doanh nghiệp dần tin tưởng, bắt tay hợp tác với nông dân”.

Thời gian qua, các ngành nghề đào tạo cho LĐNT ở Hà Tĩnh tập trung vào kỹ thuật chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò, nuôi trồng thủy sản; chăn nuôi thú y; kỹ thuật trồng cây có múi, trồng nấm; kỹ thuật làm vườn… Và điều đặc biệt là chương trình đào tạo nghề cho LĐNT ở Hà Tĩnh gắn với việc xây dựng các tổ hợp tác, HTX và dịch vụ hỗ trợ vay vốn. Đây chính là “bàn đạp” để nông dân làm giàu dựa trên thế mạnh vùng miền.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem