Không ảnh hưởng đến thị trường trong nướcBà Đỗ Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khẳng định, do các công ty sản xuất đường trong nước chỉ có duy nhất Công ty Đường Biên Hòa có nhà máy chế biến đường tinh luyện từ đường thô, nên việc đề xuất Công ty Đường Biên Hòa được nhập khẩu đường thô sản xuất tại Lào của HAGL để chế biến gia công đường tinh luyện và xuất sang Trung Quốc không ảnh hưởng đến việc tiêu thụ mía đường trong nông dân và cũng không ảnh hưởng đến cân đối cung - cầu sản lượng đường của thị trường trong nước và đời sống của nông dân trồng mía.
Câu chuyện nhập hay không nhập khẩu đường của HAGL đã gây ra nhiều tranh cãi.
“Tất cả đều được giám sát chặt chẽ của các bộ ngành, cơ quan hải quan, UBND tỉnh Lào Cai để không có sự thẩm lậu đường vào thị trường nội địa”- bà Hương nói. Cũng theo quan điểm này, bà Hương cho biết, hiện Bộ Công Thương đang xin ý kiến các cơ quan quản lý có liên quan như Bộ KHĐT, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ NNPTNT để tập hợp ý kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ có quyết định cuối cùng.
Liên quan đến vấn đề này, một lãnh đạo Bộ NNPTNT bày tỏ quan điểm cho biết, thực tế với lượng đường 30.000 tấn xét về tổng thể, thì số lượng không lớn, nhưng hiệp hội phản đối là do lo sợ là về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới sản xuất của các doanh nghiệp (DN) và nông dân trồng mía. Tuy nhiên, vấn đề này còn liên quan tới quan hệ quốc tế, vấn đề ngoại giao giữa 2 nước nên quyết định cuối cùng là của Thủ tướng Chính phủ.
VSSA phản đối vì sợ mất… thị trường?Từ nhiều năm qua, VSSA là “sân chơi” của một số DN “đại gia” sản xuất, tiêu thụ mía đường ở nước ta. Vì thế, rất dễ hiểu khi có một DN khác “chen chân” vào thị trường này là ngay lập tức, hiệp hội này lên tiếng phản đối, mặc dù HAGL chỉ xin nhập đường về để luyện rồi xuất sang Trung Quốc.
Theo VSSA, nếu chấp thuận chủ trương theo hướng của Bộ Công Thương đề nghị sẽ khuyến khích các nhà máy đường bỏ bảo hiểm giá mua mía tối thiểu hiện đang có lợi cho nông dân trồng mía, buông lỏng tiêu thụ mía và chuyển sang nhập khẩu đường thô nguyên liệu nước ngoài về gia công chế biến sau đó tái xuất, nông dân trồng mía Việt Nam sẽ phải lao đao với việc chuyển đổi cây trồng khác, một bộ phận lớn nông dân sẽ mất ổn định trong sản xuất và đời sống. Chính phủ sẽ phải tốn ngoại tệ để nhập khẩu đường do diện tích mía giảm, thiếu hụt đường…
"Về lâu dài, tự các DN sản xuất mía trong nước phải “khỏe” nên bởi khi thuế mặt hàng này về 0 thì đường sẽ được cạnh tranh sòng phẳng. Khi đó, nông dân nếu thu nhập thấp họ có thể lựa chọn trồng các loại cây trồng khác”. Một lãnh đạo Bộ NNPTNT
|
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Hải - Tổng Thư ký VSSA cho biết, hiện có 2 quan điểm khác nhau về vấn đề này nhưng phía hiệp hội đã có kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ không chấp thuận việc nhập khẩu của HAGL, đồng thời đề nghị Thủ tướng không cho phép xuất khẩu đường có nguồn gốc không phải từ mía do người dân Việt Nam trồng qua cửa khẩu tiểu ngạch, lối mở sang Trung Quốc.
Cũng theo ông Hải, nếu tạo điều kiện cho HAGL bán đường sang Việt Nam để tái chế rồi xuất qua cửa khẩu phụ Bản Vược – Lào Cai là vô tình giúp doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào đang có nhiều lợi thế đánh vào nông dân trồng mía và các DN Việt Nam đang có sức cạnh tranh kém hơn trong xu thế hội nhập hiện nay và sẽ là tiền đề quan trọng để dẫn đến ngành đường Việt Nam phá sản.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng nhận định rằng, những lo ngại của VSSA thực tế là sợ đụng chạm đến quyền lợi của mình. Bởi thực tế, người trồng mía trong nước hiện có thu nhập rất thấp do họ không được đầu tư xây dựng hạ tầng cho vùng trồng mía, còn các DN thuộc VSSA cũng không đầu tư gì cho người dân các vùng trồng mía, mà cứ đợi đến vụ thì mua, giá cả mía đường cũng thường xuyên bấp bênh, còn giá đường mà người tiêu dùng phải mua bao giờ cũng cao ngất ngưởng.
Như vậy, sau gần 1 tháng bắt đầu từ đề xuất nhập khẩu đường ở Lào về của HAGL, vì không tìm được tiếng nói chung, nên cuối cùng các bên liên quan đành phải chờ kết luận cuối cùng từ Chính phủ. Chưa biết kết quả thế nào nhưng có lẽ là đây là điều mà không ai mong chờ.
Thanh Xuân (Thanh Xuân)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.