Hai vị “Bồ Tát sống” đó là bà Đặng Thị Hiệp (56 tuổi) và bà Nguyễn Thị Lành (52 tuổi).
Mái nhà chung của trẻ bất hạnhGiữa mưa và gió lạnh, chúng tôi di chuyển ngược TP.Huế về hướng biển hơn 15km để tìm về mái ấm Bình Minh với ý định gặp bằng được hai người phụ nữ được người dân trong vùng ví như những “Bồ Tát sống”.
Bà Đặng Thị Hiệp (phải) và Nguyễn Thị Lành đang chăm sóc các em nhỏ tại mái ấm Bình Minh.
Trong căn nhà cấp 4 rộng chừng 100m2, một người đàn bà được những đứa trẻ nơi đây í ới gọi “mẹ Lành” đang tất tả dùng xô, thau hứng những giọt mưa nhỏ dột từ mái nhà xuống. Vừa chằng lại tấm tôn rách, bà Lành quay sang mở chuyện với chúng tôi bằng giọng trầm ấm rất Huế: “Mái ấm Bình Minh được xây dựng vào năm 1992 do một số người phát tâm đóng góp. Đến bây giờ trần nhà đã bị gió bão tàn phá nên lộ nhiều lỗ hổng, hễ mưa xuống là cả nhà sống trong cảnh dột nát. Mỗi năm mái ấm đón nhận khoảng 50 trẻ bị người thân đem bỏ ở công viên, vệ đường… cũng có trẻ được cha mẹ đưa đến đây gửi gắm. Những đứa trẻ nơi đây không chỉ ở địa bàn Thừa Thiên – Huế mà còn ở nhiều tỉnh, thành khác. Đến nay, mái ấm đã trở thành ngôi nhà chung của hơn 1.000 trẻ em và tất cả đều là những đứa con mà chúng tôi hết mực yêu thương”.
Bà Lành chia sẻ, sau khi thu nạp về đây có những trẻ may mắn được những cặp vợ chồng hiếm muộn xin nhận làm con nuôi. Các em, dù khoẻ mạnh hay đau yếu đều được mái ấm Bình Minh cho ăn, học đàng hoàng. Hiện có rất nhiều em đang theo học ở các trường đại học, cao đẳng trên khắp cả nước. Bà Đặng Thị Hiệp - 1 trong 2 người mẹ gắn bó với mái ấm 20 năm qua, tự hào: “Nguyễn Ngọc Sơn mới vừa về thăm nhà đây. Chúng tôi nuôi nó từ khi còn đỏ hỏn, sau khi học xong ngành kế toán của Trường Cao đẳng Sư phạm Huế thì nó có việc làm, cuộc sống ổn định rồi”.
Em Lê Nguyên Khôi lớn lên trong tình yêu thương của hai vị Bồ Tát sống.
Khi chúng tôi hỏi về chuyện lập gia đình, hai bà chỉ cười trừ rồi trả lời chắc chắn sẽ không lấy chồng với lý do đơn giản rằng: “Ở vậy để dành thời gian lo cho các con chứ lấy chồng rồi thì phải san sẻ tình yêu thương với hạnh phúc riêng của bản thân, tội nghiệp các con ở đây”.
Nuôi một đứa con khỏe khoắn đã thấy mệt, đằng này hai bà chưa một lần sinh nở, thiếu kinh nghiệm làm mẹ, nhưng có thời điểm nhận nuôi một lúc 18 em nhỏ ở các độ tuổi khác nhau, trong đó có nhiều em mắc những bệnh nặng như bại não, liệt chân, tay… thì quả là khó khăn gấp bội phần. Bà Hiệp tâm sự: “Trời mát mẻ thì còn khỏe chứ trời nắng gắt hay mùa lạnh như hiện nay thì các con tôi đau ốm suốt”.
Vừa tâm sự với chúng tôi, hai bà mẹ già cứ luôn chân luôn tay chăm cho đàn con. Có đứa, hai bà phải bón từng muỗng cơm, thìa cháo...
Nặng lòng cưu mang Hầu hết những đứa trẻ bị bỏ rơi khi được đưa về đây đều mang trong mình bệnh tật do hậu quả từ lối sống buông thả, hoang lạc của những ông bố, bà mẹ trẻ. Nhẹ thì suy dinh dưỡng, viêm đường hô hấp. Nặng thì bị viêm não úng thủy, mất sức đề kháng, thiểu năng trí tuệ…
Các em ở mái ấm Bình Minh được chăm sóc, học hành đến nơi đến chốn nhưng các em vẫn thiếu một điều thiêng liêng của cuộc đời. Đó là tình yêu thương của cha mẹ ruột.
Khi chúng tôi hỏi về chuyện lập gia đình, hai bà chỉ cười trừ rồi trả lời chắc chắn sẽ không lấy chồng với lý do đơn giản rằng: “Ở vậy để dành thời gian lo cho các con chứ lấy chồng rồi thì phải san sẻ tình yêu thương với hạnh phúc riêng của bản thân, tội nghiệp các con ở đây”.
|
Có nhiều hoàn cảnh để lại dấu ấn khó quên với hai bà. Đó là trường hợp em Nguyễn Thị Phương Anh. Mẹ của Phương Anh là sinh viên Đại học Huế, sau lần trót dại cô đã nhiều lần nhảy từ trên cây cao xuống đất để phá bỏ thai. Số phận không cho em chết, nhưng khi sinh ra em lại bị di tật ở chân, nằm bất động một chỗ.
Sau khi nhận em về, hai bà đi xin quyên góp từ các nhà hảo tâm cùng sự giúp đỡ tận tình của bác sĩ Lê Thanh Bình ở Bệnh viện T.Ư Huế nên sau nhiều lần phẫu thuật, Phương Anh đã đi lại được. Việc chạy chữa cho Phương Anh cũng là một cơ duyên vì chính cô sinh viên Trường Đại học Y tế Huế trước đây đã lầm lỡ có con với anh sinh viên cùng trường. Không dám cho gia đình, bạn bè biết nên đã đến mái ấm này tá túc rồi sinh con. Chính cô ấy đã dẫn bác sĩ về mái ấm chữa bệnh cho Phương Anh.
Một trường hợp khác là em Lê Nguyên Khôi (14 tuổi, học lớp 8, Trường THCS Phú Tân, thị trấn Thuận An). Khôi mồ côi đến hai lần. Bà Lành kể lại, ba mẹ Khôi không có điều kiện nên đã gửi gắm em ở đây. Được 1 tháng thì có người đến xin nuôi em. Vậy nhưng, đến năm Khôi được 11 tuổi thì mẹ nuôi lâm trọng bệnh qua đời. Biết chuyện, hai bà đã nhận em trở lại mái ấm Bình Minh và nuôi em ăn học từ đó đến nay. Em Khôi tâm sự: “Em sẽ học thật giỏi để sau này làm bác sĩ chữa bệnh cho các em nhỏ ở đây”.
Chiều buông, chúng tôi rời mái ấm Bình Minh với lời nói của bà Hiệp còn văng vẳng trong đầu: “Mong sao những ông bố, bà mẹ, đặc biệt là các bạn trẻ hãy sống có trách nhiệm với những gì mình gây ra, đừng vứt bỏ con mình vì đó là những sinh linh vô tội. Điều đó quá nhẫn tâm”.
Ngọc Vũ (Ngọc Vũ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.