Hai bộ trưởng cao cấp từ chức, Thủ tướng Anh chìm sâu trong khủng hoảng
Hai bộ trưởng cao cấp từ chức, Thủ tướng Anh chìm sâu trong khủng hoảng
Lê Phương (Reuters)
Thứ tư, ngày 06/07/2022 09:26 AM (GMT+7)
Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ phải đối mặt với các câu hỏi tại Quốc hội, sau đó là cuộc thảo luận của các nhà lập pháp cấp cao vào thứ Tư (6/7), trong bối cảnh một loạt đơn từ chức của các bộ trưởng.
Hôm 5/7, Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Bộ trưởng Y tế Sajid Javid đã nộp đơn xin từ chức vì không hài lòng với cách điều hành chính quyền của Thủ tướng Boris Johnson.
Sau quyết định của Bộ trưởng Sunak và Javid, Thủ tướng Johnson đã lập tức bổ nhiệm Bộ trưởng Giáo dục Nadhim Zahawi làm Bộ trưởng Tài chính mới. Chánh văn phòng Nội các Anh Steve Barclay được điều động giữ chức Bộ trưởng Y tế.
Cho đến nay, Sunak và Javid là hai bộ trưởng duy nhất trong nhóm nội các hàng đầu của Thủ tướng từ chức, trong khi các nhân vật cấp cao khác bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Johnson. Bộ trưởng Ngoại giao Liz Truss, được coi là ứng cử viên hàng đầu thay thế ông, nói rằng bà "ủng hộ Thủ tướng 100%".
Ông Sunak, người được cho là đã xung đột với Thủ tướng Anh về chính sách chi tiêu, nói: "Đối với tôi, việc từ chức trong khi thế giới đang gánh chịu hậu quả kinh tế của đại dịch Covid-19, cuộc chiến ở Ukraine và những thách thức nghiêm trọng khác là một quyết định không hề dễ dàng chút nào".
"Công chúng thực sự mong đợi chính phủ hoạt động đúng đắn, năng lực và nghiêm túc", ông nói thêm. "Tôi nhận ra đây có thể là công việc bộ trưởng cuối cùng của mình, nhưng tôi tin rằng những tiêu chuẩn này đáng để đấu tranh và đó là lý do tại sao tôi từ chức".
Sunak đã giành được nhiều lời khen ngợi vì phản ứng kịp thời đối với tình trạng bất ổn kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, nhưng bị tổn hại uy tín nặng nề vì thông tin rằng vợ ông đã trốn thuế ở Anh.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Javid cho biết nhiều nhà lập pháp và công chúng đã mất niềm tin vào khả năng điều hành của Thủ tướng Johnson. "Tôi thấy rõ rằng tình hình này sẽ không thay đổi dưới sự lãnh đạo của ngài, ngài cũng đã đánh mất niềm tin của tôi", lá thư của ông viết.
CNN bình luận rằng Thủ tướng Boris Johnson một lần nữa lại gặp nhiều bê bối, và những bê bối này tệ hơn nhiều so với tất cả những lần trước.
Nguyên nhân ngay lập tức khiến 2 bộ trưởng bất bình với cách điều hành của Thủ tướng Johnson là do cách chính phủ xử lý việc từ chức hôm 29/6 của phó cảnh sát trưởng Chris Pincher.
Pincher bị cáo buộc rằng ông đã mò mẫm hai vị khách trong một bữa tối riêng vào đêm 29/6. Mặc dù không trực tiếp thừa nhận các cáo buộc, Pincher nói trong một bức thư gửi cho Johnson rằng " đêm qua tôi đã uống quá nhiều" và "khiến bản thân và những người khác xấu hổ" và xin từ chức.
Điều khiến Johnson gặp rắc rối sâu sắc hơn, đó là những mâu thuẫn mà các nhân viên báo chí ở Phố Downing giải thích việc Pincher tham gia chính phủ trong khi có những cáo buộc về các hành vi không thích hợp từ trước đây của ông ta. Một tiết lộ của cựu nhân viên phủ Thủ tướng nói ông Johnson biết những cáo buộc đó, tuy nhiên vẫn để Pincher tham chính.
Việc chính phủ xử lý không tốt đối với việc từ chức của Pincher có nghĩa là vụ bê bối giờ đây gắn liền với cá nhân Thủ tướng Johnson. Ông là người đã chọn bổ nhiệm Pincher vào một công việc hàng đầu trong chính phủ - mặc dù biết những cáo buộc chống lại Pincher nghiêm trọng như thế nào.
Trong nhiều năm, điểm hấp dẫn chính của Johnson là khả năng kết nối cá nhân với cử tri. Thương hiệu của chủ nghĩa dân túy lạc quan của ông - theo suy nghĩ của các nghị sĩ Đảng Bảo thủ - là lực lượng tự nhiên đã khiến đa số công chúng Anh bỏ phiếu cho Brexit vào năm 2016 và đã giúp cho đảng Bảo thủ chiếm đa số trong quốc hội vào năm 2019.
Nhưng khi chính phủ của Johnson xoay chuyển từ cuộc khủng hoảng này sang cuộc khủng hoảng khác, các nghị sĩ Bảo thủ của ông giờ đây lo sợ rằng họ sẽ gặp phải những khó khăn khi một người theo chủ nghĩa dân túy mất đi sự nổi tiếng của họ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.