Hai cậu trò trường Kiến trúc “ẵm” gần trăm triệu nhờ ý tưởng “điên“

Hồng Liên Thứ ba, ngày 14/10/2014 06:43 AM (GMT+7)
Nhờ niềm đam mê phượt ngay từ khi còn học phổ thông, hai anh chàng Trịnh Xuân Thành và Bùi Văn Liệu, sinh viên cuối trường ĐH Kiến trúc Hà Nội đã đạt giải nhất trong cuộc thi ý tưởng sáng tạo- Holcim Prize 2014.
Bình luận 0

Đam mê phượt từ khi còn đang theo học phổ thông, Thành và Liệu luôn mong muốn được đặt chân lên vùng trung du miền núi, tìm hiểu về cuộc sống của người dân nơi đây.

Chính những lần cùng nhau đi phượt xa ở các tỉnh như Hòa Bình, Thái Nguyên, Hà Giang, Sơn La... đã khiến hai bạn nảy sinh ra ý tưởng chế tạo máy bơm không dùng đến năng lượng nhân tạo.

img

Nhóm sinh viên  Kiến trúc Hà Nội đoạt giải ứng dụng( giải nhất) của Giải thưởng Holcim Prize 2014 với đề tài “Ứng dụng, chế tạo bơm va cấp nước cho vùng nông thôn, biên giới, hải đảo”. Ảnh: Báo Giáo dục

Liệu tâm sự: "Trong những chuyến đi phượt xa, cảnh các em nhỏ, các cụ già ở đồng dân tộc thiểu số phải lặn lội vất vả, khó nhọc xuống dưới suối để xách nước về nhà dùng cứ ám ảnh trong đầu mình. Mình suy nghĩ và trăn trở về vấn đề cung cấp nước sạch cho bà con đồng bào các dân tộc thiểu số được thuận tiện hơn...".

Từ những trăn trở đó, qua nghiên cứu sách vở và nhận được sự hướng dẫn nhiệt tình của thầy cô trong khoa, hai bạn đã “thai nghén” ý tưởng  lợi dụng vận tốc của dòng chảy để cung cấp nước một cách thuận tiện đến người dân.

Thất bại là mẹ thành công

Ý tưởng sản xuất một loại bơm không cần sử dụng đến năng lượng nhân tạo ngay từ đầu khiến Thành và Liệu đã gặp phải không ít những khó khăn.

Những đêm thức trắng dịch tài liệu nước ngoài, những chuyến đi khảo sát địa hình, tìm vật liệu để chế tạo ra chiếc bơm sao cho có năng suất hoạt động cao mà giá thành lại rẻ để bà con các dân tộc thiểu số có đủ kinh phí để mua về sử dụng là một bài toán hóc búa mà hai bạn phải đi tìm lời giải đáp.

img

Hai bạn Thành và Liệu trong một chuyến đi thực tế. Ảnh: NVCC

Những hạn hẹp về kinh tế để thực hiện những chuyến đi khảo sát, những lần lắp ráp máy bơm thất bại và đặc biệt là sự phản đối của người dân khi cho rằng đó là những ý tưởng "điên" đã không khiến hai cậu sinh viên kiến trúc nản chí.

Hơn hết, họ luôn coi đó là "mẹ của thành công", là nguồn động lực, là những bài học quý giá để có thể biến ước mơ của mình thành hiện thực.

Thành chia sẻ: "Bọn mình như có duyên với mưa, lần nào đi khảo sát mưa cũng rất lớn, lần nào về hai đứa mình cũng ướt như chuột lột, có lần mình ốm tới hơn một tuần  liền..."

Khi ý tưởng "điên" thành hiện thực

Những người xung quanh hai anh chàng này ban đầu đều cho rằng họ "điên" bởi ý tưởng chế tạo một loại máy bơm không dùng đến năng lượng nhân tạo và phải đi vay bạn bè tiền để đi hết nơi này tới nơi khác nghiên cứu chế tạo máy bơm là điều khó tưởng.

Chỉ cho đến khi thành công, cầm trên tay sản phẩm dự thi của Thành và Liệu là chiếc bơm và được thiết kế bằng những chất liệu dễ tìm thấy trong đời sống thường ngày như đồng, thép, nhựa, hoạt động hoàn toàn dựa vào hiện tượng thủy lực nước, họ mới hết " được" nghe những lời dèm pha.

Đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng, chế tạo bơm va cấp nước cho vùng nông thôn, biên giới, hải đảo” là một ý tưởng có tính mới mẻ và khả năng ứng dụng cao vào thực tế.

"Bơm va hay còn gọi là bơm ram đã có từ rất lâu trên thế giới với nhiều cấu tạo khác nhau nhưng chủ yếu vẫn trên nguyên lý nước va. Bơm nước không dùng nguồn năng lượng như điện hay ga giúp tiết kiệm những nguồn nhiên liệu không thể thay thế trong tự nhiên. Loại bơm này cũng có cấu tạo đơn giản, dễ dàng lắp đặt", Liệu chia sẻ.

Đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng, chế tạo bơm va cấp nước cho vùng nông thôn, biên giới, hải đảo” của nhóm sinh viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, ngoài giải thưởng 70 triệu đồng, sẽ được Holcim Việt Nam hỗ trợ tối đa 200 triệu đồng để triển khai ứng dụng thí điểm thực tế.

Thành và Liệu chia sẻ: Việc đạt được giải thưởng rất quan trọng nhưng điều quan trọng hơn đối với hai bạn đó là sản phẩm được áp dụng thực tiễn, phát huy hiệu quả phục vụ cuộc sống hàng ngày.

Không chỉ dừng lại ở ý tưởng phổ biến, nhân rộng mô hình đến từng hộ dân, hai bạn còn bày tỏ nguyện vọng sẵn sàng giúp đỡ cũng như trao đổi ý tưởng đối với những bạn quan tâm đến vấn đề cấp thoát nước vùng cao, vùng sâu và hải đảo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem