Hải đăng Kê Gà ở Bình Thuận có kiến trúc độc đáo là ngọn hải đăng cổ xưa nhất Việt Nam
Bên bờ biển một xã của Bình Thuận sừng sững một công trình kiến trúc cổ xưa, "tuổi thọ" 125 năm
Thứ sáu, ngày 01/03/2024 13:24 PM (GMT+7)
Tính đến nay Bình Thuận có 77 di sản văn hóa vật thể được xếp hạng di tích, trong đó có 28 di tích cấp quốc gia, 49 di tích cấp tỉnh. Thế nhưng hải đăng Kê Gà là một trong những ngọn hải đăng cổ nhất ở Việt Nam với nhiều điểm độc đáo hiếm có về kiến trúc nghệ thuật thì đến nay vẫn chưa được xếp hạng.
Khoản 3, Điều 4 Luật Di sản văn hóa 2001, sửa đổi bổ sung 2009 quy định: “Di tích lịch sử - văn hóa là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học”.
Theo nội dung của điều luật này thì hải đăng Kê Gà (tọa lạc tại xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) xứng đáng được xếp hạng là di tích cấp quốc gia bởi những giá trị về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật độc đáo và chức năng của nó ở đảo nhỏ Kê Gà suốt 125 năm qua.
Hải đăng Kê Gà tọa lạc bên bờ biển xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam (trước thuộc huyện Hàm Tân), tỉnh Bình Thuận.
Kê Gà được coi là ngọn hải đăng cao nhất trong hệ thống hải đăng hiện có ở Việt Nam, với độ cao này từ rất xa tàu bè qua lại đã nhìn thấy tín hiệu phát ra từ đỉnh hải đăng. Hải đăng Kê Gà được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là ngọn hải đăng cao nhất cả nước (65m) với 184 bậc cầu thang xoắn trôn ốc, tầm quét sáng 22 hải lý.
Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo xây bằng đá, là chứng tích từ thời Pháp thuộc với vật liệu và phương tiện sử dụng đều được đưa từ Pháp đến.
Từ khi được xây dựng và đưa vào hoạt động phát huy tác dụng đến nay đã 125 năm, hải đăng Kê Gà vẫn lặng lẽ hoạt động, đem lại sự bình yên cho tàu bè góp phần quan trọng vào việc phát tín hiệu hướng dẫn tàu thuyền trong và ngoài nước xác định được tọa độ, hướng đi an toàn, tránh đi vào những vùng biển có nhiều đá ngầm, sóng dữ.
Với vai trò, chức năng quan trọng đó, cùng với quy mô bề thế trong kiến trúc và công suất thiết kế nên hải đăng Kê Gà được xếp vào loại cấp đèn I (trong 3 cấp đèn), cấp đèn lớn nhất trong hệ thống đảm bảo an toàn hàng hải ở Việt Nam.
Bên cạnh những giá trị lịch sử, văn hóa thì trên thực tế, về mặt kiến trúc, mỹ thuật, không ai có thể phủ nhận vẻ đẹp của ngọn hải đăng. Mặt khác, hải đăng Kê Gà cũng được coi là sản phẩm của giao lưu hội nhập văn hóa giữa Việt Nam và văn hóa phương Tây cuối thế kỷ XIX mà đại diện là văn hóa Pháp.
Như vậy, hải đăng Kê Gà hoàn toàn đủ điều kiện và xứng đáng trở thành di tích quốc gia cần được bảo vệ và phát huy các giá trị vốn có của nó.
Thế nhưng vì sao hải đăng Kê Gà cổ kính và nổi tiếng như thế mà đến nay vẫn chưa được xếp hạng di tích (cấp quốc gia và cấp tỉnh)? Dù nó rất xứng đáng được hưởng danh xưng này từ lâu. Đó là câu hỏi của nhiều người dân và du khách khi đến tham quan và nghiên cứu về ngọn hải đăng cổ kính.
Thực ra hải đăng Kê Gà đã được Sở Văn hóa Thông tin (Bảo tàng Bình Thuận) và UBND huyện Hàm Thuận Nam phối hợp xây dựng Hồ sơ khoa học từ năm 1997 đến 1998 thì hoàn thành để trình Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng.
Ngoài lý lịch sáng giá của ngọn hải đăng, thì việc lập bản đồ khoanh vùng bảo vệ, biên bản khoanh vùng bảo vệ di tích và bản đồ vị trí đất đai và vùng phụ cận xung quanh tiến tới có quy hoạch tổng thể về lâu dài cũng được hoàn thành.
Trong quá trình khảo sát, sưu tầm tư liệu và nghiên cứu thiết lập Hồ sơ khoa học Sở VHTT luôn được sự hợp tác giúp đỡ của Chi nhánh đảm bảo an toàn hàng hải phía Nam (Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Đông Nam Bộ) cung cấp tư liệu quý báu từ thời kỳ hải đăng Kê Gà bắt đầu được xây dựng, khánh thành và đưa vào sử dụng đến nay.
Nhiều nguồn tài liệu bằng tiếng Pháp cũng được nghiên cứu dịch thuật phục vụ Hồ sơ khoa học.
Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì bên Chi nhánh đảm bảo an toàn hàng hải phía Nam (tại tp. Hồ Chí Minh) không ký biên bản khoanh vùng bảo vệ di tích và bản đồ vị trí đất đai nên hồ sơ tạm dừng.
Đến nay đã 25 năm rồi hồ sơ hải đăng Kê Gà vẫn đang nằm ở Sở VHTTDL với đầy đủ các tiêu chí xếp hạng di tích dựa trên giá trị kiến trúc nghệ thuật, lịch sử và văn hóa, đáp ứng đầy đủ theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Bên cạnh những giá trị lịch sử, văn hóa thì trên thực tế, về mặt kiến trúc, mỹ thuật, không ai có thể phủ nhận vẻ đẹp của ngọn hải đăng; phải xem hải đăng Kê Gà như một di sản văn hóa có nhiều giá trị và không thể coi hải đăng chỉ là phương tiện bảo đảm giao thông hàng hải thông thường mà phải nhìn nhận nó như một di tích với nhiều ý nghĩa khác nhau.
Theo chúng tôi, cho dù đơn vị nào quản lý hải đăng Kê Gà cũng phải hợp tác với Sở VHTTDL và UBND huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) tiếp tục hoàn thiện Hồ sơ khoa học trình Bộ VHTTDL xét duyệt và xếp hạng di tích cấp quốc gia cho xứng tầm với giá trị của hải đăng Kê Gà.
Việc xếp hạng di tích không ảnh hưởng gì đến chức năng của hải đăng mà du khách khắp nơi sẽ biết đến Kê Gà như một di tích kiến trúc cổ kính và còn có ý nghĩa quan trọng bởi từ đây di tích sẽ được bảo hộ bởi luật pháp về di sản văn hóa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.