Hải Dương: Độc đáo, một nông dân gói bánh chưng, bánh dày nhanh "vô địch", lên tận đền Hùng thi gói bánh

Chủ nhật, ngày 28/06/2020 13:07 PM (GMT+7)
Có lẽ ở Hải Dương hiếm gia đình nào có truyền thống làm bánh chưng, bánh dày nhiều đời, nổi tiếng thơm ngon như gia đình nghệ nhân Bùi Quốc Thái ở thôn Tống Xá, xã Thái Thịnh (thị xã Kinh Môn).
Bình luận 0

Có lẽ ở Hải Dương hiếm gia đình nào có truyền thống làm bánh chưng, bánh dày nhiều đời, nổi tiếng thơm ngon như gia đình nghệ nhân Bùi Quốc Thái ở thôn Tống Xá, xã Thái Thịnh (thị xã Kinh Môn).

Hải Dương: Độc đáo, một nông dân gói bánh chưng, bánh dày nhanh "vô địch", lên tận đền Hùng thi gói bánh - Ảnh 1.

Gia đình ông Thái đã 5 đời theo nghề làm bánh chưng, bánh dày

Kỹ nghệ gói bánh chưng bán đắt khách

 

 

Hằng ngày cứ 4 giờ sáng, nhà ông Bùi Quốc Thái đã tấp nập tiểu thương tới lấy bánh chưng, bánh dày mang đi chợ bán hoặc giao cho nhà hàng. Bếp nhà ông gần như lúc nào cũng đỏ lửa, bước tới cổng đã cảm nhận được mùi thơm của lá dong, gạo nếp cái hoa vàng...

 

Ông Thái khoe mỗi ngày gia đình ông bán 200 chiếc bánh chưng, 2.000 - 3.000 chiếc bánh dày loại nhỏ, chủ yếu là giao buôn cho khách ở trong tỉnh và Hải Phòng, Quảng Ninh. Hàng làm ra không bao giờ ế vì toàn khách quen đặt từ trước. Hằng ngày, vợ chồng ông Thái, con trai, con rể, con gái dậy từ 4 giờ sáng để giao hàng và gói bánh.

Cứ khoảng 9 giờ sáng là mẻ bánh chưng mới được gói xong. Ông Thái luộc bánh đến 19-20 giờ tối rồi vớt ra để ráo nước, sáng hôm sau giao cho khách. Riêng bánh dày làm nhàn hơn vì có máy giã tự động, sau đó vợ chồng ông chỉ ngồi vê bánh theo kích cỡ mà khách đặt.

 

 

Đó là ngày thường, còn vào ngày Tết thì gia đình ông Thái bận gấp bội. Từ 23 tháng chạp đến 30 Tết, bình quân mỗi ngày gia đình ông nhận gói 1.500 chiếc bánh chưng cho khách, bánh dày không làm vì không có thời gian và lượng người đặt cũng ít. Ông phải huy động khoảng 20 người gồm con cháu và thuê thêm người dân trong thôn làm cùng.

Khoảng sân trống trước sân nhà được sử dụng làm nơi đặt 8 chiếc lò, bếp củi luộc bánh chưng. Công việc bộn bề nên vào những ngày áp Tết, các thành viên trong gia đình ông Thái gần như ngủ rất ít, họ thức cả đêm gói bánh chưng, thay nhau chợp mắt để kịp tiến độ giao hàng.

"Tôi không thống kê nhưng chắc cũng tầm vài trăm khách đặt mua bánh chưng trong dịp Tết. Gia đình tôi phải từ chối nhiều người gọi đặt muộn vì không đủ lao động, thời gian", ông Thái cho biết.

 

Gia đình ông Thái được nhiều đám cưới, hội nghị, nhà hàng... đặt gói bánh chưng. Có nhiều khách quen ở Mạo Khê, Đông Triều (Quảng Ninh) năm nào cũng đặt ông gói bánh chưng gửi sang Hàn Quốc, Nga, Mỹ cho con cháu ăn Tết. 

Mọi người nhận xét bánh chưng nhà ông Thái xanh, vuông vức, không bị méo hoặc rách mép, hở nhân. Bánh được gói bằng nếp cái hoa vàng, đỗ xanh chất lượng nên ăn rất thơm ngon. Ông Thái bảo không có bí kíp nào trong việc này mà đơn giản là vì "trăm hay không bằng tay quen" và luôn giữ được chữ tâm trong nghề, uy tín với khách hàng. Muốn có bánh ngon phải chọn mua nguyên liệu sạch, bảo đảm chất lượng...

 

         

 

Dạy nghề gói bánh chưng cho cả trăm người

 

 

Ông Thái khoe từ nhỏ đã được ông nội truyền nghề gói bánh chưng, giã bánh dày và làm giò chả. Thời Pháp thuộc, gia đình cụ Vụ (ông nội của ông Thái) còn nổi tiếng phủ Kinh Môn bởi nghề làm giò chả phục vụ quan lại. Cụ Vụ hằng ngày rong ruổi gánh chày cối đi khắp nơi để giã giò chả thuê cho những gia đình giàu có.

Có thời gian, do thời cuộc mà gia đình ông bị cấm hành nghề làm bánh chưng, bánh dày, giò chả. Mãi tới năm 1972, nhà ông mới khôi phục được nghề này. Thời đó, mỗi ngày bố mẹ ông chỉ dành vài kg gạo gói bánh chưng, làm bánh dày bán lẻ cho khách ở chợ huyện, sau quy mô tăng dần lên. 

Từ năm 2000, khách ngày càng đông, ông Thái mở rộng sản xuất, từ chỗ chủ yếu bán lẻ chuyển sang giao buôn là chính. 15 năm nay, ông đã bỏ nghề làm giò chả, chỉ chuyên làm bánh chưng, bánh dày.

 

 

Nghề truyền thống giúp cuộc sống gia đình ông Thái ngày càng khấm khá, có bát ăn, bát để. Ông Thái nhẩm tính đến nay gia đình mình đã có 5 đời theo nghề. Ông đã truyền dạy cho con trai, con gái và một số cháu nội ngoại. Ngoài ra, khoảng 100 người ở trong và ngoài tỉnh đến xin học nghề cũng được ông hướng dẫn. 

"Học vài buổi là biết làm ngay, có điều để gói được chiếc bánh chưng vừa nhanh, vừa đẹp về hình thức, ngon về chất lượng thì phải luyện nhiều hơn. Dù sao tôi cũng rất vui khi mình đã góp phần truyền lại được bản sắc văn hóa truyền thống của người Việt Nam cho nhiều người", ông Thái nói.

 

 

Nếu nói về tốc độ gói bánh chưng, làm bánh dày thì hiếm ai bì được với ông Thái. Khi đã sắp đủ nguyên liệu, ông chỉ cần phút rưỡi là gói xong một chiếc bánh chưng. Cùng thời gian này, nếu người bình thường may ra xếp xong lá dong, múc gạo, cho nhân thịt, đỗ vào là cùng. 

Đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã 10 lần tổ chức Hội thi gói bánh chưng, giã bánh dày. Năm nào gia đình ông cũng được huyện chọn cử tham gia. Ông Thái nhớ gia đình mình từng 7 hay 8 lần giành giải nhất tại phần thi gói bánh chưng nhanh nhất. 

"Riêng bánh dày thì không đội nào địch nổi với gia đình tôi về thời gian gói nhanh, mẫu mã đẹp, ăn thơm ngon. Gia đình tôi cũng vinh dự 2 lần được tỉnh cử đi Lễ hội Đền Hùng tham dự Hội thi bánh chưng, bánh dày", ông Thái khoe.

 

 

Người dân Tống Xá bảo trong thôn giờ có 5 hộ hành nghề gói bánh chưng, 10 hộ làm bánh dày. Nhưng làm ăn quy mô, bánh thơm ngon, chất lượng nhất vẫn là nhà ông Thái.

Tiến Mạnh (Báo Hải Dương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem