Hải Dương: Nuôi gà ngon, ba ba đặc sản, huyện này có nhiều triệu phú nông dân

Bùi Hải Hưng Thứ sáu, ngày 06/08/2021 15:00 PM (GMT+7)
Những tháng đầu năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng các cấp Hội ND huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) đã chủ động, sáng tạo đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Bình luận 0

Trên địa bàn huyện Thanh Hà đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên, nông dân giỏi với mô hình hay, cách làm sáng tạo đem lại hiệu quả cao.

Nông dân Thanh Hà năng động làm giàu

Gia đình ông Nguyễn Hữu Nhất (ở thôn Tiền Vĩ, xã Thanh Hải) là nông dân giỏi nhiều năm liền của huyện Thanh Hà. Năm 2017, sau khi có chủ trương dừng hoạt động của các lò gạch thủ công, ông Nhất đã mạnh dạn chuyển đổi sang phát triển mô hình chăn nuôi khép kín, tập trung. Trên diện tích 25.000m2, ông Nhất quy hoạch 2 ao thả cá 16.00m2 chủ yếu nuôi các loại cá truyền thống như chép, trôi, mè, rô phi, sản lượng cá ước đạt 20 tấn/năm. Diện tích còn lại ông Nhất lập vườn trồng chuối, xoài, bưởi, hồng xiêm…

Thông qua Hội ND xã tín chấp với Ngân hàng NNPTNT cùng với nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh, ông Nhất đầu tư hơn 300 triệu đồng chăn 15 con bò 3B lấy thịt.

Hội giúp sức, Thanh Hà có nhiều triệu phú nông dân  - Ảnh 1.

Mô hình chăn nuôi gà của thành viên Tổ hội sản xuất và tiêu thụ gà thương phẩm an toàn xã Tân Việt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Thu Hà

"Hiện nay do tình hình dịch Covid-19, nguyên liệu của thị trường cám nước ngoài cung cấp khó khăn khiến giá cám bấp bênh, thị trường tiêu thụ chậm nên hoạt động sản xuất gặp nhiều khó khăn".

Ông Nguyễn Quang Lãm

Đến nay, tổng các nguồn thu từ kinh tế trang trại đã cho gia đình ông Nhất doanh thu hơn 400 triệu đồng mỗi năm. Ngoài tạo việc làm cho nhiều lao động thời vụ, ông Nhất còn sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho các hộ trong Câu lạc bộ "Nuôi trồng thủy sản" cùng nhau sản xuất vươn lên làm giàu.

Ông Nguyễn Quang Lãm (ở thôn Tiền Vĩ, xã Thanh Hải) lại thành công với mô hình nuôi cá lồng trên sông Thái Bình. Trên diện tích được cấp giấy phép hoạt động 150m2, gia đình ông đầu tư trên 5 tỷ đồng nuôi 25 lồng cá. Các loại cá được nuôi chủ yếu: Trắm, chép, lăng, diêu hồng với sản lượng ước đạt 100 tấn/năm. Ông Lãm chia sẻ: "Trước kia khi chưa có dịch Covid-19, gia đình tôi tổng thu nhập hàng năm trừ chi phí từ 400-500 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, hiện nay do tình hình dịch Covid-19, nguyên liệu của thị trường cám nước ngoài cung cấp khó khăn khiến giá cám bấp bênh, thị trường tiêu thụ chậm nên hoạt động sản xuất gặp nhiều khó khăn. Nhưng gia đình tôi vẫn quyết tâm duy trì 20 lồng cá, xác định đây chỉ là giai đoạn khó khăn tạm thời và cố gắng tìm hướng đi mới".

Hội giúp sức, Thanh Hà có nhiều triệu phú nông dân  - Ảnh 3.

Với mô hình trang trại tổng hợp, ông Phạm Duy Hưởng (ở thôn Song Động, xã Tân An) là hội viên nhiều năm liền đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi. Với diện tích trang trại 1,5 mẫu, gia đình ông thường xuyên duy trì 1 vạn con gà thịt, hàng trăm con lợn thương phẩm. Trước những tác động của dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, ông Hưởng không ngừng nâng cao kiến thức kinh nghiệm sản xuất nhằm giảm thiểu thiệt hại, gia tăng giá trị kinh tế.

Ông Hưởng cũng là nông dân đầu tiên ở xã mạnh dạn chuyển đổi từ mô hình nuôi cá truyền thống sang nuôi ba ba gai khép kín. Ông Hưởng đã cải tạo lại 2 sào ao nuôi cá trước đây thành ao nuôi ba ba theo phương thức nuôi hiện đại. Ông thử nghiệm nuôi 500 con ba ba gai, mỗi con trọng lượng từ 0,2- 0,5kg/con với tổng vốn đầu tư 380 triệu đồng. Ông Hưởng xác định đây là hướng đi lâu dài để gia tăng nguồn thu, giảm phụ thuộc đầu ra do tác động của thị trường.

Gần 20.000 hộ nông dân đăng ký sản xuất kinh doanh giỏi

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hà - Chủ tịch Hội ND huyện Thanh Hà cho biết: Trong thời gian qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng các cấp Hội ND trong huyện đã chủ động, sáng tạo đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Các phong trào thi đua lớn của Hội tiếp tục được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả, đặc biệt là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Từ phong trào này, huyện Thanh Hà đã xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình mới phát huy hiệu quả trong bối cảnh dịch Covid-19. Nhiều hội viên nông dân đã chủ động, tìm tòi những cách thức hoạt động, sản xuất mới để duy trì, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Trong năm 2021, toàn huyện Thanh Hà có 19.893 hộ đăng ký đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi ở 4 cấp và giúp đỡ 270 hộ nghèo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem