Hải Dương xuất khẩu lô vải quả đầu tiên niên vụ 2020 tới Singapore, Mỹ, Australia

Việt Phương Thứ ba, ngày 26/05/2020 13:42 PM (GMT+7)
Ngày 25/5, Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương và huyện Thanh Hà tổ chức chương trình cắt băng xuất khẩu lô vải đầu tiên đi Singapore, Mỹ, Australia năm 2020.
Bình luận 0

Hải Dương hiện có 9.700 ha vải, trong đó chủ yếu tập trung tại các địa phương Thanh Hà (khoảng 3.600ha) và Chí Linh (3.900ha).

Năm 2020, sản lượng vải ước đạt 45.000 tấn, riêng vải sớm đạt khoảng 20.000 tấn và vải thiều chính vụ dự kiến thu khoảng 25.000 tấn. Trong đó, vải sớm (vải U trứng, U hồng, Tàu lai…) đã cho thu hoạch từ đầu tháng 5 đến nay với giá bán đầu vụ cao, ổn định và thị trường tiêu thụ thuận lợi.

Qua khảo sát, giá bán trung bình cao hơn cùng kỳ năm trước từ 5.000- 10.000 đồng/kg, với giá vải đầu vụ dao động từ 50.000-60.000 đồng/kg, hiện đang ở mức 32.000-38.000 đồng/kg.

Hải Dương: Xuất khẩu lô vải quả đầu tiên niên vụ 2020 tới Singapore, Mỹ, Australia - Ảnh 1.

Các đại biểu cắt băng xuất khẩu lô vải đầu tiên đi Mỹ.

Đối với diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP phục vụ xuất khẩu đi Mỹ, Úc, Singapore, Nhật Bản và thị trường cao cấp, tỉnh Hải Dương có tổng diện tích 220 ha, sản lượng ước khoảng 1.500 tấn. 

Hiện,  ngành nông nghiệp và các địa phương của tỉnh Hải Dương đang chỉ đạo nông dân tập trung chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh để vải thiều chính vụ đạt năng suất, chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, đảm bảo cách ly thuốc bảo vệ thực vật từ 12-15 ngày trước khi thu hoạch.

Trao đổi với Dân Việt, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ NNPTNT cho biết, niên vụ 2020, tổng sản lượng vải của các tỉnh, trong đó có Hải Dương đạt khoảng 230.000 tấn. Với sự chuẩn bị tốt của các địa phương, đến nay, chất lượng quả vải tại các vùng đều đạt các yêu cầu khắt khe của thị trường Nhật Bản, cũng như được thị trường Úc chấp thuận triển khai công đoạn chiếu xạ tại Hà Nội.

"Ngay từ đầu vụ, Cục đã làm việc với tỉnh Hải Dương để thống nhất các giải pháp kỹ thuật, cử cán bộ tập huấn, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu, giám sát dư lượng thuốc BVTV vùng trồng, thiết lập hệ thống xử lý Methybromide (đây là yêu cầu mới từ phía thị trường Nhật Bản). Với các thị trường khác, chúng ta đã có sự chuẩn bị từ nhiều năm trước, nên có nhiều giải pháp về mặt chính sách và quá trình thủ tục thuận tiện trong bối cảnh bị ảnh hưởng không nhỏ từ dịch Covid-19" - ông Trung nhấn mạnh.

Cũng theo ông Trung, về công tác bảo quản, vụ mùa năm nay, quả vải tươi sau thu hoạch có thể được kéo dài độ tươi ngon lên tới 35 ngày nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật, khắc phục được hạn chế trong khâu xuất khẩu, không phải quá phụ thuộc vào đường hàng không như trước đây, thay vào đó các doanh nghiệp xuất khẩu đã có thể lên kế hoạch xuất khẩu vải bằng đường biển.

Với nhiều biện pháp tăng cường kết nối, đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký bao tiêu tại các vùng trồng vải trên địa bàn tỉnh Hải Dương để xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, với tổng sản phẩm thu mua xuất khẩu khoảng 4.000 tấn và hiện các doanh nghiệp đang thu mua 500 – 800 tấn vải/ngày.

 Ước tính, vải thiều chính vụ sẽ thu hoạch trong thời gian tới, với sản lượng ước đạt cao gấp 3-4 lần so với vụ vải 2019.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem