Xã D. và M., huyện H., Hà Nội là một trong số ít đầu mối chính cung cấp miến dong cho các tỉnh phía Bắc và miền Trung. Chỉ có điều lạ, trong hàng tấn miến được xuất đi mỗi ngày từ “công xưởng” này có đủ các màu sắc khác nhau: trắng xám, trắng tinh, vàng ngà, thậm chí là cả… tím than.
|
Các nhà khoa học khuyến cáo người dân nên tìm mua miến mộc có màu xám |
Trong khi các hộ dân khẳng định, sản phẩm đã được nhuộm màu để làm đẹp theo thị hiếu của khách hàng thì lãnh đạo xã lại một, hai phủ nhận và cho đó là tin đồn thất thiệt.
Thích màu gì có màu đó
Về xã D., chỉ cần hỏi mua miến thì câu trả lời nhận được không phải là mua nhiều hay ít mà là mua loại nào: miến mộc, miến vàng hay miến trắng tinh. “Ba loại miến, thực ra không có gì khác, vẫn nguyên liệu, dây chuyền sản xuất như thế, cái khác chỉ ở màu sắc thôi” - Chị Mùi, chủ cơ sở sản xuất miến ở đội 2 vừa đưa chúng tôi xem hàng vừa nói.
Thấy khách còn ngần ngừ, chị Mùi cao hứng: “Nếu không ưng ý, em muốn màu vàng ruộm cho đẹp, thậm chí màu tím than cũng có hết, chỉ cần đặt hàng hôm sau quay lại lấy”. Cái cách mà chị Mùi hô “biến” màu cho miến không phải từ loại nguyên liệu sản xuất đặc biệt nào mà chính từ những hộp phẩm màu được chị để công khai ngay cạnh máy làm miến mà không cần tinh mắt, ai cũng có thể dễ dàng nhìn thấy.
“Phẩm màu thực phẩm có gì mà độc hại, ai chả dùng”. Trước khi nhuộm màu thì bắt buộc phải sử dụng chất tẩy trắng để miến mất màu nguyên gốc, sau đó muốn tạo màu gì thì trong quá trình quấy bột, hòa cùng một ít phẩm, khi ra miến thành phẩm sẽ có màu theo ý muốn. Một mực khẳng định không độc hại nhưng chị Mùi nhất định từ chối không cho biết “mặt mũi” loại phẩm đó thế nào.
“Cứ ra chợ, hỏi mua có hết, 160 – 180.000đ/lọ tùy loại to nhỏ, muốn mua bao nhiêu cũng được”. Vừa thoăn thoắt lấy từng phên miến ra khỏi máy tráng, chị vừa rào trước đón sau mà không hề hay biết ngay dưới chân mình thấp thoáng một lọ nhựa vương đầy bột vàng. Lọ nhựa nhỏ, màu trắng, nhãn mác mập mờ, bên ngoài lấm tấm bột vàng.
Trái với chị Mùi, anh Hoàng ở xã M. không cởi mở với khách lạ, không cho khách vào khu sản xuất miến với đủ lý do. Tuy nhiên, để nói về nghề làm miến thì người đàn ông này rất hào hứng và tự tin vào kinh nghiệm gần 40 năm của mình.
“Miến cổ truyền của các cụ truyền nghề lại chính là loại miến màu xám mà người dân vẫn gọi là miến mộc. Miến mộc mẫu mã rất xấu, không bán được nên phải chuyển sang các màu khác mới bán được” – anh Hoàng khẳng định.
Để chuyển được màu, theo anh Hoàng phải có phẩm màu. Nhuộm bằng loại phẩm màu nào, mua ở đâu, có được cho phép không thì anh Hoàng không tiết lộ vì đó là “bí quyết nhà nghề”.
Để trấn an khách hàng, anh Hoàng chỉ lấp lửng: “chắc chắn không phải là loại độc hại vì nhà tôi làm hàng mấy chục năm nay, sử dụng phẩm màu thường xuyên, có làm sao thì chúng tôi ảnh hưởng đầu tiên. Bao nhiêu năm qua, chúng tôi an toàn tức là phẩm màu đó cũng không độc hại”.
Nhiều hóa chất nguy hiểm trong từng sợi miến
Cách đây không lâu các nhà khoa học của Trung tâm kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm đã tiến hành khảo sát ngay tại “đại bản doanh” sản xuất miến lớn này.
Kết quả nhận được trái với sự hồn nhiên của người sản xuất. Có tới 50% các hộ dùng chất tẩy trắng bằng bột Natri hydro sunfit, axit clo hydric, thuốc tím và 50% số hộ dùng phèn chua để làm dai bột, 60% nguyên liệu bột nhập từ Trung Quốc độ ẩm khoảng 40%...
Nói về chất tẩy trắng có trong miến, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa HN) cho biết, Natri hydro sunfit được sử dụng như tác nhân khử trong tổng hợp hữu cơ.
Hộ sản xuất miến dùng bột tươi từ củ sắn, dẫn đến chảy nhựa củ sắn, khiến bột đen, họ phải rửa mất nhiều nước và công đoạn, nên mới dùng chất tẩy rửa này. Sau khi dùng nước tẩy mà không rửa sạch kỹ thì dư lượng SO2 vẫn còn, gây độc hại cho cơ thể, đặc biệt các bệnh về đường ruột.
Còn thuốc tím dùng để sát khuẩn, tẩy uế, rửa các vết thương nhưng trong thành phần có Kali, Mangan là những chất không tốt cho sức khoẻ, là một trong yếu tố gây ung thư, thậm chí có thể bị ngộ độc nếu không may uống nhầm hoặc sử dụng hàm lượng nhiều.
Các cơ quan chức năng vẫn im lặng
Khi những thông tin trên được công bố, Sở Y tế Hà Nội đã lên tiếng và cho biết sẽ thu thập một số mẫu miến trên thị trường để kiểm tra chất lượng. Tuy nhiên, từ đó đến nay, chưa có kết quả nào được công bố như người tiêu dùng từng mong đợi và chờ đợi. Các hộ sản xuất vẫn hồn nhiên sử dụng rất nhiều hóa chất trong quy trình sản xuất miến; người tiêu dùng vẫn phải ăn trong sự lo lắng nơm nớp mà không biết thực hư ra sao.
Còn với lãnh đạo xã - những người trực tiếp quản lý địa bàn thì vẫn khăng khăng gạt bỏ hoàn toàn chuyện sử dụng phẩm màu hay chất tẩy trắng và cho đó là những thông tin xấu. “Đó là những thông tin thất thiệt. Làng nghề D. đã tồn tại và phát triển hơn 50, 60 năm nay, đa số các hộ gia đình làm thủ công, không có chuyện nhuộm màu hay sử dụng hóa chất độc hại, tẩy rửa” - một lãnh đạo xã D. quả quyết (!?).
Không có bất cứ cơ quan chức năng nào quản lý nên bước vào thời kỳ cao điểm tiêu thụ miến, các nhà khoa học tại Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm khuyến cáo: Người dân nên hạn chế sử dụng miến màu hoặc miến trắng tinh, nên tìm mua miến mộc có màu xám. Tuy không bắt mắt nhưng lại “an thân”.
Theo Phụ nữ Thủ đô
Vui lòng nhập nội dung bình luận.