Gần 800 năm khoa cử Việt Nam, đất Bắc Giang có bao nhiêu người đỗ đại khoa, người đỗ tiến sĩ đầu tiên là ai?

Thứ sáu, ngày 17/11/2023 18:44 PM (GMT+7)
Bắc Giang - miền đất cổ, trải muôn lớp thế hệ, con người Bắc Giang đã để lại trên mảnh đất vô vàn di sản văn hóa vật chất, tinh thần quý báu, nhất là truyền thống hiếu học, khoa cử.
Bình luận 0

Kho tàng di sản ấy được kết tinh từ tinh thần yêu dân tộc, giống nòi, tinh thần lao động, sáng tạo trong công cuộc xây dựng và bảo quê hương, đất nước. 

Xuyên suốt triều đại Lý- Trần đến Lê - Nguyễn, Bắc Giang được các bậc đế vương, các vị thức giả đương thời coi như miền đất linh thiêng, miền biên viễn của đất nước. 

Linh thiêng vì là nơi hội tụ khí thiêng trời đất mà sinh lắm anh tài văn chương võ lược. Linh thiêng vì có nhiều non cao cảnh đẹp, địa thế phong thủy giao hòa mà người xưa khéo chọn thế hiểm yếu, tú khí tụ dồn mà dựng chùa am tu thiền truyền đạo.

Sự nghiệp khoa cử xưa là nền tảng, nguồn cội phản ánh nền giáo dục nước ta. Các bậc đế vương Việt Nam thời phong kiến đều kén chọn người hiền tài để đưa vào bộ máy quản lý nhà nước thông qua đường khoa cử. 

Mốc son lịch sử khoa cử nước nhà được chính thức đánh dấu vào năm 1075, khi vua Lý Nhân Tông mở khoa thi Minh kinh bác học và Nho học tam trường kén chọn hiền tài vào bộ máy hành chính nhà nước. Đến khoa thi Kỷ Mùi, niên hiệu Khải Định thứ 4 (1919) nhà Nguyễn cáo chung (suy vong).

Lịch sử khoa cử nước nhà kéo dài hơn 800 năm, tỉnh Bắc Giang có 58 vị Nho sinh ưu tú đỗ đại khoa, hàng trăm vị đỗ trung khoa... rồi ra làm quan phò vua giúp dân, giúp nước. 

Gần 800 năm lịch sử, quê hương Bắc Giang đã có nhiều làng quê được vinh danh là “văn vật danh hương”, “văn vật sở đô”, như làng Tiến sĩ Yên Ninh (Việt Yên), Song Khê (TP Bắc Giang)...

Gần 800 năm khoa cử Việt Nam, đất Bắc Giang có bao nhiêu người đỗ đại khoa, người đỗ tiến sĩ đầu tiên là ai? - Ảnh 1.

Thân Nhân Trung đã soạn bài văn bia “Đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1442)” và tấm bia đầu tiên dựng ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Ảnh sưu tầm

Người khai khoa truyền thống hiếu học, khoa bảng tỉnh Bắc Giang là Nguyễn Viết Chất, xã Phượng Nhỡn, huyện Phượng Sơn (nay thuộc xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang), thi đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ khoa Mậu Thân (1088). 

Tiếp đến có Quách Nhẫn đỗ Thám hoa khoa thi Ất Hợi, niên hiệu Bảo Phù (1275); Đào Toàn Mân đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ khoa thi Thái học sinh năm Nhâm Thìn, niên hiệu Thiệu Phong (1352).

Sang đến thời Lê sơ (thế kỷ XV), truyền thống khoa bảng Bắc Giang bắt đầu nở rộ với nhiều danh nhân quanh lưu vực sông Thương, sông Cầu, trong đó tập trung ở các huyện: Yên Dũng, Việt Yên, Hiệp Hòa. 

Tiêu biểu nhất phải kể đến Thân Nhân Trung - người làng Yên Ninh đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu (1469) là danh sĩ nổi tiếng được vua Lê Thánh Tông đánh giá cao về tài đức và được người đương thời tôn vinh là bậc “Danh nho trùm đời”. 

Năm 1484, Đức minh vương Lê Thánh Tông cho dựng bia đá ở Văn Miếu Thăng Long để ghi tạc, tôn vinh, răn dạy người đời về nghĩa vụ của kẻ sĩ với đất nước. 

Tiến sĩ Thân Nhân Trung người Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) đã được vua tin tưởng giao cho biên soạn bài văn bia ghi danh Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1442). Trong bài văn bia ông đã khẳng định: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà đi lên, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà xuống thấp…

Đến thời Mạc có Trạng nguyên Giáp Hải (1507-1586) người Dĩnh Kế (TP Bắc Giang), đỗ Trạng nguyên năm 1538, làm quan đến chức Lại bộ Thượng thư, tước Sách quận công. 

Thời Lê Trung Hưng có Trần Đăng Tuyển (1614-1673), người làng Hoàng Mai (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đỗ Tiến sĩ khoa Canh Thìn (1640), làm đến chức Tể tướng, tước Xuyên Quận công. 

Ngoài những danh sĩ nổi tiếng trên đây, Bắc Giang còn có 3 người đỗ Thám hoa, nhiều người làm tới Thượng thư, nhiều người được cử đi sứ đều đem lại vị thế cho đất nước.

Ngoài 58 vị khoa bảng được lưu danh trong bảng vàng bia đá, Bắc Giang còn có hàng trăm, hàng nghìn vị nho sinh ưu tú thi đỗ trung khoa và tiểu đăng khoa. 

Các vị đỗ trung khoa dưới thời Nguyễn được ghi chép đầy đủ, còn các vị thi đỗ triều đại nhà Lê trở về trước chỉ tìm được rải rác trong các thư tịch, văn bia được tàng lưu ở các làng xã tỉnh nhà mà đến nay chưa thể thống kê đầy đủ. 

Họ đều là những vị trí thức, có người được bổ làm quan, tham gia bộ máy hành chính nhà nước phong kiến. 

Có người lận đận trên đường khoa cử, đã ẩn dật ở thôn quê làm nghề dạy học, bốc thuốc cứu người. Chính họ là những người thày khai tâm cho nhiều thế hệ Nho sinh ưu tú trước khi được vào học ở các trường bậc cao và thi đỗ trung khoa, đại khoa.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Phong (Báo Bắc Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem