Gần 2 năm nay, những người buôn bán ở chợ xổm thuộc thôn Bàn Thạch (xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa, Phú Yên) đã quen với hình ảnh một cậu bé gầy gò ngồi đúc và bán bánh xèo vào buổi sáng. Bánh của cậu bé cũng “nghèo” như chủ, không có tôm cũng chẳng có thịt thà, chỉ có một ít giá đỗ làm nhân, gọi là bánh xèo vỏ; 3 cái bánh giá 2.000 đồng.
Xem lại phóng sự của Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên.
Gặp chủ nhân 10 tuổi của quán bánh xèo
Cậu bé nhỏ xíu, mặt đỏ lựng mồ hôi sau 4 lò than đúc bánh xèo, luôn tay tráng bột, vớt bánh rồi bưng bê tận nơi đến người ăn trong chợ. Gánh bánh xèo đơn sơ nhưng được nhiều người mua ủng hộ, bởi họ biết đằng sau cậu bé là 3 con người, 3 số phận hẩm hiu đang dựa vào đứa trẻ 10 tuổi... Cậu bé đó là Huỳnh Trọng Ơn (SN 2004, đang học lớp 5A Trường Tiểu học số 3 Hòa Xuân Đông).
Bé Ơn đang đúc bán bánh xèo ở chợ Bàn Thạch.
Trước kia, hàng bánh xèo này do bà Huỳnh Thị Lan (mẹ bé Ơn) đảm trách. Thế nhưng đầu năm 2013, bà Lan bị bệnh thần kinh nặng, làm bánh xèo “lúc sống, lúc cháy” nên buôn bán thất bát. Bà ngoại và người cậu thì bệnh tật triền miên, nên bé Ơn mới 9 tuổi đã phải “thế vai” với gánh bánh xèo giữa chợ.
Hằng ngày, từ 4 - 5 giờ sáng, chú bé Ơn tranh thủ lúc mẹ tỉnh táo để học cách xay bột, tập đúc bánh xèo, nhặt rau, làm nước chấm,... Thế rồi cũng nhanh chóng “lĩnh hội” nghề làm và bán bánh xèo - chuyện không hề dễ dàng đối với một bé trai. Và rồi, cậu học trò tiểu học “không biết mặt cha” với 4 cái lò than và khuôn bánh xèo, trở thành trụ cột cho nguồn sống của cả gia đình hoạn nạn. Cùng với người mẹ tâm thần, Ơn đang sống với bà ngoại già yếu và ông cậu bệnh tật…
Có người hỏi: “Con trai mà ngồi bán bánh xèo có mắc cỡ không?”. Cậu bé bẽn lẽn: “Mắc cỡ gì đâu, quen rồi mà…”. Rồi Ơn kể, ban đầu làm bánh xèo “cũng khó chớ, tập mấy ngày mới thuộc”. Mỗi ngày, em ngâm xay sáu lon gạo, rồi ngồi đúc, bán đến chín giờ sáng thì hết. Có ngày kiếm được mười nghìn, hai chục nghìn đồng; có ngày bán ế, phải đem bánh về cho cả nhà ăn… thay cơm.
Thường ngày, buôn bán xong, Ơn lao ngay về nhà để giúp bà ngoại nấu cơm trưa và chuẩn bị bài vở để buổi chiều đi học. Hoàn cảnh như thế nhưng từ năm lớp 1 đến lớp 4, Ơn đều là học sinh giỏi. Thầy giáo Đặng Văn Minh (Trường Tiểu học số 3 Hòa Xuân Đông) nói: “Cảnh đời cơ cực nhưng Ơn ham học và sáng dạ lắm. Biết gia đình em thuộc diện hộ nghèo nên nhà trường đã huy động đóng góp, giúp đỡ. Mong cơ quan chức năng, những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ gia đình Ơn, chữa bệnh cho mẹ của em…”.
Sau đó, video clip “Cậu bé lớp 5 bán bánh xèo nuôi mẹ bệnh tâm thần, bà ngoại già yếu, cậu bệnh tật” khi được phát sóng trên Đài PTTH Phú Yên (PTP) và đưa lên mạng, đã làm nhiều người rơi nước mắt, rồi trực tiếp liên hệ đến tận nơi để giúp đỡ hoàn cảnh gia đình Ơn. Có người cho biết đã hỏi thăm một ngôi chùa ở Sài Gòn, gợi ý rằng tốt nhất là đưa bà ngoại, mẹ và cậu cháu Ơn gởi vô chùa để chữa bệnh, còn cháu Ơn thì gởi cho nhà thờ cưu mang để cháu ăn học...
Người quay clip cũng mồ côi
Người thực hiện video clip trên là Lê Thoại Kỳ - phụ trách chuyên mục “Nhịp cầu nhân ái” của PTP; và đây là một trong những cảnh đời bất hạnh mà Kỳ tìm đến để “lắng nghe”, kêu gọi giúp đỡ. Hiện Kỳ đang học năm cuối lớp Đại học Công tác xã hội tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Phú Yên và cộng tác với PTP. Chàng trai 22 tuổi này đang sống và đi học bằng nhuận bút làm báo…
“Tôi gặp lại mình trong những cảnh đời bất hạnh. Riêng hoàn cảnh bé Ơn là giống hệt như tôi... Với một đứa trẻ việc nhận được nhiều sự giúp đỡ bằng tiền là khá nguy hiểm, có thể em sẽ có nhiều suy nghĩ tiêu cực. Tôi hơi lo lắng...” - Nhà báo Lê Thoại Kỳ
Khi Kỳ mới vài tuổi, mẹ Kỳ đã bỏ nhà ra đi và đến giờ vẫn chưa có tin tức. Tiếp đến là cha mất, em thành trẻ mồ côi. Kỳ nói: “Vì gia đình khó khăn, mẹ phải tha phương cầu thực để tìm cách nuôi con, rồi biền biệt... Năm em học lớp 6 thì cha mất, em sống với bà nội đã già yếu. Thế là em ra chợ làm thuê cho các hàng quán, tiếp đến là mướn xích lô để vận chuyển vật dụng, hàng hóa đi về cho các quán xá, quầy hàng trong chợ. Tuổi đến đâu, làm đến đó, bất kể nắng mưa để nuôi mình và bà nội. Thường phải từ 10-12 giờ đêm, em mới xong việc để về nhà nấu cơm và tranh thủ học bài”.
Bé Ơn đang cho mẹ ăn.
Thế nhưng suốt bốn năm cấp 2, Kỳ luôn là học sinh giỏi và nhiều lần được nhận học bổng “vượt khó, học giỏi”. Kỳ rất biết ơn sự tiếp sức quý giá từ các suất học bổng này: “Các thầy cô ở trường hiểu hoàn cảnh của em và đã giới thiệu để các tổ chức trợ giúp. Bản thân em dù nhiều đêm làm mướn về mệt rã người, nhưng cũng phải cố gắng học bài cho có điểm cao, vì các suất học bổng đều lưu ý đến yếu tố học giỏi”. Mới bé xíu, Kỳ đã tự tay thiết kế các “đường dây truyền thanh” bằng các vỏ hộp bánh để làm các chương trình dành cho trẻ em trong xóm. Còn khi học cấp 2, Kỳ đã thực hiện bài bản các chương trình phát thanh ở khu phố. Nhiều người vẫn còn tấm tắc về cuộc thi “Khi dân khu phố hát” do Kỳ tổ chức. Hay như chương trình “Ý kiến người dân” phản ánh thắc mắc của mọi người và tìm cách giải quyết ngay từ địa bàn dân cư; chương trình “Con cháu kể chuyện Bác Hồ cho ông bà, cha mẹ nghe”… Chính từ “tiếng vang” này, tháng 6.2010, Kỳ đã được UBND phường 4 tín nhiệm giao phụ trách đài truyền thanh vô tuyến của phường. Tại đây, Kỳ đã tự leo trụ điện lắp chỉnh hệ thống truyền thanh, vừa làm kỹ thuật vừa viết, đọc các bản tin, thông báo và thực hiện các chương trình phát trực tiếp tương tác, có rất nhiều khách mời và điện thoại gọi đến.
Chương trình “Lời cuộc sống” với chủ đề giáo dục lối sống giới trẻ, chương trình “Tạp chí cuộc sống” với chủ đề thường thức gia đình, chương trình “Ca nhạc theo yêu cầu”… do Kỳ thực hiện đều rất “ăn khách”, tác động rất lớn trong các khu dân cư. Kỳ đã lập ra CLB Thiếu nhi khu phố 4 (phường 4, TP.Tuy Hòa) để tạo sân chơi cho trẻ em, lập tủ sách thiếu nhi khu phố do chính người dân đóng góp sách báo…
Kỳ bộc bạch: “Đam mê hoạt động xã hội đã theo em từ nhỏ, bởi em muốn giúp chút gì đó cho các bạn đồng trang lứa không may mắn trong cuộc sống. Hiện nay em sống hoàn toàn dựa vào nhuận bút cộng tác với các báo, đài. Học xong cấp 3, em không đi thi đại học vì không đủ chi phí, nên phải cộng tác viết báo, rồi học tại Tuy Hòa cho đỡ tốn kém. Dù gì, em cũng phải học để trở thành một nhà báo giỏi”.
Chính sự nỗ lực và bản lĩnh trước tuổi của cậu trai mồ côi Lê Thoại Kỳ đã thuyết phục những người mà em tiếp xúc. Kỳ đã được chọn làm người dẫn chương trình “Ngày mới” của Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên, rồi liên tục cầm máy làm phóng sự xã hội. Tiếp đó, Kỳ chuyển sang hợp đồng cộng tác với PTP. Ở đâu, Kỳ cũng đam mê “lắng nghe nỗi đau” và làm công tác thiện nguyện. Thoại Kỳ là người đã tham gia sáng lập nên CLB “Đom đóm đêm” của tỉnh Phú Yên và hiện đang làm chủ nhiệm một lớp học miễn phí cho những trẻ em khó khăn, cơ nhỡ. Bên cạnh đó, Kỳ cũng là thành viên nòng cốt của chương trình “Đom đóm - Thắp sáng tương lai” do Trung tâm Công tác xã hội thuộc Sở LĐTBXH Phú Yên phát động; từ 12.2010 đến nay, chương trình này đã giúp đỡ cho hàng trăm trẻ mồ côi, khuyết tật có cơ hội học tập, tái hoà nhập cộng đồng.
Kỳ cho biết: “Tôi gặp lại mình trong những cảnh đời bất hạnh. Riêng hoàn cảnh bé Ơn là giống hệt như tôi... Tôi rất mừng khi có rất nhiều người giúp em Ơn. Nhưng với một đứa trẻ việc nhận được nhiều sự giúp đỡ bằng tiền là khá nguy hiểm, có thể em sẽ có nhiều suy nghĩ tiêu cực. Tôi hơi lo lắng, chỉ mong mọi người thường xuyên theo dõi, nếu em đã có nhiều sự giúp đỡ rồi thì mọi người hãy dành sự giúp đỡ cho những người khác nữa.”
Với chương trình “Nhịp cầu nhân ái” phát sóng trên PTP từ tháng 4.2014 đến nay, đã được các tấm lòng hảo tâm gần xa giúp đỡ gần 1 tỷ đồng cho các hoàn cảnh khó khăn…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.