Hai mức điểm sàn thực chất là hạ điểm sàn?

Thứ năm, ngày 04/04/2013 09:09 AM (GMT+7)
Dân Việt - Mới đây, Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Bùi Văn Ga vừa nhắc lại dự kiến sẽ có hai mức điểm sàn mà trước đó ông cũng đã đề cập trong hội nghị tuyển sinh diễn ra cuối tháng 1 vừa qua.
Bình luận 0

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Bộ GD – ĐT dự kiến kỳ tuyển sinh ĐH sắp tới sẽ có hai mức điểm sàn, gồm: điểm sàn trên và điểm sàn dưới. Cụ thể, điểm sàn trên vẫn được xác định dựa trên chỉ tiêu như những năm trước. Điểm sàn dưới là tổng điểm bình quân từng môn của 3 môn thi của khối thi tương ứng, thấp hơn khoảng 2 điểm so với điểm sàn trên.

Tuy nhiên, những thí sinh với thí sinh có kết quả thi nằm giữa điểm sàn trên và điểm sàn dưới, các trường xét thêm điểm tốt nghiệp phổ thông để quyết định điều kiện trúng tuyển cho thí sinh.

Theo ông Ga, mức điểm sàn dưới được coi là ngưỡng giới hạn đảm bảo chất lượng đầu vào. Ví như, theo kết quả những năm gần đây thì điểm sàn giữa khoảng 11 – 12 điểm. Việc dự kiến bổ sung mức điểm sàn dưới là tạo điều kiện cho các trường cạn nguồn có thể tuyển đủ chỉ tiêu và những thí sinh ở giữa mức điểm sàn trên và điểm sàn dưới có thêm cơ hội trúng tuyển.

Trao đổi với Dân Việt, PGS Văn Như Cương cho rằng, phương án 2 điểm sàn của Bộ GD-ĐT thực chất là hạ mức điểm sàn. Mặc dù đồng tình với phương án này nhưng ông Cương cho rằng, tiêu chuẩn xét tuyển kết hợp giữa mức điểm sàn dưới và điểm thi tốt nghiệp là khá rắc rối, gây khó khăn cho các trường, thậm chí có thể xảy ra tiêu cực.

Nếu Bộ đã nghĩ đến phương án điểm sàn dưới thì nên chỉ nên chọn đây là mức điểm sàn duy nhất, trường nào có thể tuyển đủ chỉ tiêu ở mức chuẩn cao hơn thì vẫn cứ tuyển được. Bởi thực tế, những năm trước khi Bộ đưa ra mức điểm sàn là 13 – 14 điểm nhưng nhiều trường vẫn có mức điểm chuẩn 24 – 25 điểm.

“Thứ trưởng Ga nói, mỗi năm có khoảng 200.000 thí sinh đạt mức 11 - 12 điểm, đây được coi là nguồn tuyển sinh có chất lượng nhưng vì các trường chỉ thiếu khoảng 30.000 nên mới thêm quy định, nếu thí sinh đạt mức điểm sàn dưới thì phải xét thêm điểm thi tốt nghiệp phổ thông. Như thế về mặt kỹ thuật là rất rắc rối, học sinh phải chờ đợi rất sốt ruột.

Vì thế, theo tôi, nếu nguồn đó theo Thứ trưởng nói là nguồn đảm bảo chất lượng thì Bộ cứ tuyên bố lấy điểm sàn là 11 - 12 điểm, không cần phải xét thêm điểm thi tốt nghiệp”, ông Cương phân tích.

Còn theo nguyên Bộ trưởng Bộ GD – ĐT Phạm Minh Hạc, nếu theo dự kiến của Bộ GD – ĐT, mức điểm sàn xuống mức 11-12 điểm là quá thấp vì tính trung bình chỉ hơn 3 điểm mỗi môn đã đỗ đại học. Hơn nữa, theo số liệu tuyển sinh hiện nay, nếu giảm khoảng 2 điểm tương đương với có thêm khoảng 200.000 em sẽ đỗ đại học, con số này là quá lớn so với quy mô các trường hiện nay, điều kiện giảng dạy không đáp ứng được. Sự quá tải khiến chất lượng giáo dục không đảm bảo.

Cũng theo ông Hạc, lấy điểm thi tốt nghiệp làm điều kiện xét tuyển kèm với mức điểm sàn dưới không mang tính vững chắc khi kỳ thi tốt nghiệp còn nhiều tiêu cực, không đúng thực chất.

“Việc cải cách phải trên cơ sở mục tiêu đào tạo. Cốc nước đường không nên pha loãng hơn. Bộ nói đến điều kiện đáp ứng yêu cầu của các trường, trong khi vai trò của nhà quản lý nhà nước là phải theo mục tiêu chứ không theo yêu cầu của các trường, phải vì chất lượng giáo dục, chất lượng nhân lực chứ không phải để cứu sống các trường.

Bộ nói vì nhu cầu học lớn nhưng em nào đến tuổi cũng muốn có bằng đại học, vậy giả sử tất cả muốn có bằng Bộ có cấp về treo không? Tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp hiện nay là minh chứng cho chất lượng. Vì thế, cần thiết phải phân luồng, em nào trình độ khá, giỏi vào ĐH, CĐ, các em trình độ kém hơn vào trung cấp chuyên nghiệp, học trường nghề”, ông Hạc nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem