"Hai nhà" bắt tay hợp tác bao tiêu sản phẩm quế hữu cơ cho nông dân Quảng Trị

Bảo Yến - Ngọc Vũ Thứ tư, ngày 20/10/2021 21:33 PM (GMT+7)
Hôm nay (20/10/2021), Công ty Cổ phần sản xuất và xuất khẩu Quế Hồi Việt Nam (Vinasamex) và UBND huyện Cam Lộ (Quảng Trị) tổ chức ký kết "Biên bản ghi nhớ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm quế, nghệ, gừng và tiêu hữu cơ huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị".
Bình luận 0

Phủ xanh 160 triệu cây quế theo tiêu chuẩn hữu cơ

Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác, đầu tư của 2 bên dựa trên nguyên tắc bình đẳng, hai bên cùng có lợi. Hai bên sẽ tiến hành các hoạt động hợp tác trong việc trồng, sản xuất, tiêu thụ và chế biến các sản phẩm quế, nghệ, gừng và tiêu trên địa bàn huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.

Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu quế hồi Việt Nam Vinasamex đảm bảo cung cấp giống quế theo tiêu chuẩn hữu cơ, số lượng 160 triệu cây cho diện tích hơn 20.000 ha từ nay đến hết 2025.

Ký kết hợp đồng tiêu thụ quế, hồi hữu cơ cho nông dân Quảng Trị - Ảnh 1.

ký kết "Biên bản ghi nhớ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm quế, nghệ, gừng và tiêu hữu cơ huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị". Ảnh: Ngọc Vũ

Bên cạnh đó, Công ty Vinasamex cam kết cử chuyên gia đào tạo kỹ thuật canh tác bao gồm: Trồng, chăm sóc, thu hoạch đảm bảo theo tiêu chuẩn hữu cơ cho các hộ nông dân trồng quế, nghệ, gừng và tiêu trên địa bàn huyện Cam Lộ.

Đồng thời, cam kết bao tiêu toàn bộ sản lượng vùng nguyên liệu hữu cơ của các hộ nông dân được cấp chứng nhận sản phẩm hữu cơ trên địa bàn huyện Cam Lộ. Công ty đảm bảo thu mua với giá tối thiểu như đã cam kết và không thấp hơn giá của thị trường tại thời điểm thu mua.

Ngoài ra, Vinasamex đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến các sản phẩm quế tại Cụm công nghiệp Cam Hiếu, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ để sơ chế, chế biến nguyên liệu quế trên địa bàn huyện. Nhà máy có công suất chế biến khoảng 200.000 tấn vỏ quế tươi/năm (chưa tính các sản phẩm phụ khác), 360 tấn dầu quế từ lá/năm.

Điều này sẽ giúp tạo công ăn việc làm cho người dân tại địa phương.

Tại buổi ký kết, ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: "Đây là việc làm hết sức có ý nghĩa trong thời điểm hiện nay, không chỉ giúp bảo đảm đầu ra ổn định mà còn làm tăng giá trị sản phẩm, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân".

Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cam kết luôn đồng hành với tỉnh Quảng Trị, UBND huyện Cam Lộ cùng Công ty quế hồi Việt Nam Vinasamex và bà con nông dân trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm tham gia vào các hoạt động XTTM, đưa các ứng dụng nền tảng số vào hoạt động sản xuất kinh doanh...

Còn ông Tạ Hữu Nghĩa – Trưởng phòng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) đánh giá, đây là một trong những mô hình khởi đầu cho thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ và kế hoạch xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp của Bộ NNPTNT.

Ông Trần Anh Tuấn – Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ bày tỏ hy vọng về sự hợp tác khăng khít giữa công ty và huyện Cam Lộ: "Huyện cam kết hỗ trợ về chủ trương, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi từ cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang phát triển vùng trồng quế nguyên liệu hữu cơ có giá trị kinh tế cao, từ nay đến năm 2025 phấn đấu trồng từ 19.000 ha - 20.000 ha quế, nghệ, gừng, tiêu hữu cơ với diện tích 30 ha cho mỗi loại trên một năm".

Ông Nguyễn Quế Anh – Chủ tịch HĐQT Công ty Quế Hồi Việt Nam Vinasamex đề xuất UBND Huyện Cam Lộ có những chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển tại địa phương, mục đích tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, góp phần cải thiện đời sống cho các gia đình nông dân trong chuỗi hữu cơ tại Cam Lộ, Quảng Trị.

Đồng hành cùng người nông dân vùng cao     

Công ty Quế Hồi Việt Nam (Vinasamex) được thành lập năm 2012. Năm 2017, từ 868 ha quế, hồi hữu cơ, liên kết với 418 hộ dân, đến nay Vinasamex đã xây dựng được 4367 ha vùng nguyên liệu quế, hồi, nghệ hữu cơ, liên kết với 2115 hộ dân tại các tỉnh Yên Bái, Lạng Sơn, Lào Cai và Bắc Cạn.

Bên cạnh việc bao tiêu sản phẩm cho người dân, nhà máy của công ty tại vùng nguyên liệu Yên Bái đã tạo ra việc làm ổn định, thường xuyên cho gần 100 lao động địa phương và hơn 300 lao động thời vụ. Lao động tại nhà máy chủ yếu là lao động nữ (>90%) không có thu nhập, những người yếu thế trong gia đình và cộng đồng.

Ký kết hợp đồng tiêu thụ quế, hồi hữu cơ cho nông dân Quảng Trị - Ảnh 2.

Sản phẩm quế hồi Vinasamex được xuất khẩu sang các thị trường Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Ảnh: Ngọc Vũ

Trao đổi với Dân Việt, bà Nguyễn Thị Huyền – Tổng Giám đốc điều hành công ty Vinasamex cho biết: "Công ty mong muốn tạo thêm nhiều việc làm hơn nữa cho người phụ nữ vùng cao, để góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần nâng cao vai trò kinh tế của người phụ nữ dân tộc, từ đó họ có thể nói lên tiếng nói của mình tại cộng đồng. 

Từ mong muốn ấy, Vinasamex đã cho triển khai kế hoạch xây dựng thêm 2 nhà máy nữa tại Văn Bàn, Lào Cai và Tràng Định, Lạng Sơn, dự kiến đi vào hoạt động trong 2-3 năm tới sẽ mang đến việc làm cho 300-400 lao động thường xuyên và 500 – 700 lao động thời vụ".

Hiện tại, hơn 800 phụ nữ ở huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai đã được đào tạo nghề chế biến quế, có thể tự mình kiếm thêm thu nhập, cải thiện vai trò của mình trong gia đình và cộng đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem