Quán cơm “Kết nối yêu thương” dành cho người nghèo 5.000 đồng/suất (số 4B, phố Phạm Bá Trực, phường Quang Trung, quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng) bắt đầu hoạt động từ tháng 6.2016. Đó là một quán ăn nhỏ, chỉ rộng khoảng 20m2, vừa đủ để kê 8 bộ bàn ghế nhưng cứ vào khoảng hơn 10 giờ hàng ngày lại tấp nập đông vui, các bàn ăn trong quán lúc nào cũng kín chỗ.
Khách hàng đến với quán chủ yếu là người già neo đơn, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và thu nhập thấp, những người bán bàng rong, hàng nước.
Đặc biệt, quán cơm còn phát cơm miễn phí cho những em học sinh đang theo học tại lớp học tình thương của Nhà thờ Chính tòa Hải Phòng. Những em học sinh này phần lớn là các em lang thang, mồ côi hoặc gia đình khó khăn.
Những suất cơm được chuẩn bị sẵn trong hộp. Ảnh Phạm Ngân
Chia sẻ về ý tưởng mở quán cơm 5.000 đồng này, chị Nguyễn Thị Thùy Dung – Việt kiều tại Đức, chủ quán cơm tâm sự: “Tôi sống xa quê từ nhỏ nhưng tình yêu quê hương và mong muốn làm được gì đó cho quê hương luôn thôi thúc tôi. Khi đọc báo, tôi thấy ở một số tỉnh có quán cơm 2.000 đồng dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Thấy việc làm đó rất thiết thực, tôi đã bàn với chị gái đang sống ở Hải Phòng về ý tưởng này và được chị ủng hộ. Chúng tôi bắt tay vào thực hiện kế hoạch ngay lập tức. Thời gian đầu, khi mới mở quán, chúng tôi đã phải đi phát tờ rơi ở các bến xe, bệnh viện vì ở đó có khá nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều khi đi đường, gặp người vô gia cư hay những người có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi lại xuống tâm sự và hướng dẫn họ đến với quán ăn của chúng tôi”.
Niềm vui thể hiện rõ trên khuôn mặt của những người lao động nghèo. Ảnh: Phạm Ngân
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, quán đã duy trì được gần một năm. Vào các buổi trưa trong tuần, từ thứ Hai đến thứ Bảy, mỗi ngày quán nấu từ 100 - 110 suất, trong đó khoảng 60 suất quán bán với giá 5.000 đồng/suất cho người lao động thu nhập thấp, còn lại là những suất ăn được phát miễn phí tặng người già có hoàn cảnh khó khăn, người neo đơn, người vô gia cư, trẻ nhỏ và học sinh tại lớp học tình thương.
Cầm hộp cơm trên tay, cháu Vũ Thị Thu Hiền (11 tuổi) học tại Lớp học tình thương Nhà thờ Chính tòa chia sẻ: “Quán cơm kết nối yêu thương như ngôi nhà thứ 2 của cháu, cứ mỗi buổi trưa, sau khi tan học chúng cháu lại sang ăn cơm. Cháu cũng rất thích phụ giúp các cô ở đây phát cơm cho mọi người”.
Qua tìm hiểu, chị Dung chủ quán cơm cho biết, bố mẹ Hiền làm nghề chài lưới, cuộc sống khá khó khăn nên đã gửi cháu vào học tại lớp học tình thương. Hằng ngày, mỗi khi tan học, cháu thường ra khá sớm giúp các cô ở đây chuẩn bị thức ăn cho mọi người.
Các em học sinh phụ giúp việc chuẩn bị các suất cơm cho mọi người. Ảnh: Phạm Ngân
Bà Phạm Thị Môn (90 tuổi quê Cẩm Giàng, Hải Dương) cho biết: “Nhà tôi có 3 người con nhưng đều chết hết rồi. Tôi phải sang đây nhặt ve chai bán để kiếm sống và tình cờ được chỉ chủ quán đưa về đây. Mấy tháng gần đây vào các buổi trưa trong tuần từ thứ 2 đến thứ 7 tôi thường ăn tại quán. Ở đây các cháu phục vụ nhiệt tình, các suất ăn rất ngon và đủ dinh dưỡng”.
Vừa tranh thủ mua hộp cơm tại quán về cho con gái, chị Phạm Thị Út (45 tuổi, Hồng Bàng, Hải Phòng) chia sẻ: “Vợ chồng tôi làm nghề bán báo, mỗi ngày chỉ kiếm được vài chục nghìn. Tiền làm ra còn không đủ lo trang trải cuộc sống mà còn phải lo cho đứa con út bị bệnh não nên chúng tôi ăn uống tằn tiện lắm. Từ khi biết đến quán cơm này, chúng tôi cũng tiết kiệm được một khoản chi phí nhỏ. Suất cơm này tôi để dành cho con gái, còn vợ chồng tôi thì ăn gì cũng được”.
Không chỉ bán cơm 5.000 đồng, phát cơm miễn phí cho người neo đơn, trẻ trong lớp học tình thương…, nhóm quán cơm “Kết nối yêu thương” còn tham gia các chương trình thiện nguyện khác như: Phát cơm vào sáng thứ Ba, chiều thứ Sáu; riêng thứ Bảy phát bánh mỳ giò tặng bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Giao thông vận tải. Hàng tháng, nhóm còn tổ chức phát cơm, phở miễn phí tại Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần huyện Vĩnh Bảo, hỗ trợ tiền và vật chất cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo trong thành phố, các em nhỏ mồ côi tại huyện Vĩnh Bảo...; hỗ trợ gạo cho một số huyện trên địa bàn thành phố.
Các thành viên trong nhóm đang chuẩn bị thực phẩm cho bữa ăn. Ảnh: Phạm Ngân
Sau khi quán cơm hoạt động được một thời gian, có khá nhiều nhà hảo tâm đã đến hỗ trợ quán về mặt vật chất, người thì ủng hộ gạo, người thì cho rau, cũng có rất nhiều người đã ủng hộ tiền mặt. Tuy nhiên, với số tiền mặt mà các nhà hảo tâm ủng hộ, nhóm quán cơm “Kết nối yêu thương” đã thành lập một quỹ từ thiện để xây nhà và hỗ trợ cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Quán cơm miễn phí cho các em học sinh đang theo học tại lớp học tình thương Nhà thờ Chính tòa Hải Phòng. Ảnh: Phạm Ngân
“Chúng tôi đã xác định từ đầu, có hay không sự ủng hộ của các nhà hảo tâm thì quán cơm của chúng tôi vẫn phải duy trì hoạt động. Vì vậy, chúng tôi sẽ chủ động về mặt kinh phí. Sau này, khi nhận được sự quan tâm của các nhà hảo tâm, chúng tôi sẽ dùng số tiền đó để xây nhà tình nghĩa. Chúng tôi rất vui vì việc làm này được mọi người ủng hộ và giúp sức”, chị Dung cho biết.
Hơn 10 giờ sáng, quán cơm đã tấp nập người qua lại. Ảnh: Phạm Ngân
Tính đến thời điểm hiện tại, nhóm đã kêu gọi xây dựng và sửa chữa nhà cho hơn 5 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mỗi căn nhà có giá trị từ 50 – 100 triệu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.